Họp báo thường kỳ Văn phòng Chính phủ

Đức Nguyễn
21:44, ngày 01-12-2014
TCCSĐT - Ngày 01-12-2014, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ, thông báo kết quả phiên họp Chính phủ tháng 11-2014. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các bộ, ngành: Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Ngân hàng nhà nước,… chủ trì họp báo.

 
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông báo kết quả phiên họp Chính phủ tháng 11-2014.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, ngày 01-12, Chính phủ đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2014 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đà tăng trưởng được phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu với mức tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ hai năm trước và dự báo cả năm 2014 sẽ đạt và nhiều khả năng vượt mục tiêu đề ra (5,8%). Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2014 giảm 0,27% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng, CPI tăng 4,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 5,6%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,6% (cùng kỳ tăng 7,1%).

Trước hiện tượng chỉ số giá tiêu dùng giảm và băn khoăn về nguy cơ giảm phát, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nêu rõ theo nhận định của Chính phủ, hiện kinh tế vẫn duy trì mức tăng trưởng khá và không có biểu hiện của giảm phát.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, CPI tháng 11-2014 giảm chủ yếu do tác động từ việc điều chỉnh giảm mạnh của giá xăng, dầu và giá gas trong những tháng vừa qua và đây là tín hiệu tốt để doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh.

Cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính được các thành viên Chính phủ quan tâm thảo luận, thể hiện quyết tâm cải cách, tạo lập môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư và cuộc sống của người dân. Theo Bộ Nội vụ, có nhiều văn bản, nghị quyết triển khai cải cách rộng khắp trên các lĩnh vực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đề ra kế hoạch cải cách hành chính và triển khai thực hiện theo tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bộ, ngành, địa phương nào có sai phạm thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm.

Vấn đề biên chế và tinh giản biên chế cũng được Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, trước mắt nếu không giảm được ngay thì cũng không được tăng thêm. Với số sẽ ra khỏi biên chế do đến tuổi nghỉ hưu hoặc lý do khác các cơ quan, đơn vị chỉ được sử dụng tối đa 50% để bổ sung.

 
 Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời câu hỏi phóng viên.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng đề cập đến việc tập trung đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, nhất là trong những tháng cuối năm. Tình trạng này thường gia tăng trong những tháng cuối năm, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung, thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bộ trưởng cho rằng đấu tranh chống vấn nạn này cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương, các lực lượng chức năng và cả hệ thống chính trị.

Về phương án các ngày nghỉ trong năm 2015, Chính phủ đã thảo luận về Tờ trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Nguyên đán và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2015 với cán bộ, công chức, viên chức. Các ý kiến nhất trí với phương án do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, lựa chọn. Theo đó, công chức, viên chức nghỉ 9 ngày đối với Tết Nguyên đán 2015 (từ ngày 15-02 đến hết ngày 23-02-2015); nghỉ 4 ngày đối với Tết Dương lịch 2015 (từ ngày 01-01 đến ngày 04-01-2015); nghỉ 6 ngày dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 01-5 (từ 28-4 – 03-5). Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình bố trí ngày nghỉ hợp lý để bảo đảm hoạt động bình thường các dịch vụ công cộng.

Trong chương trình họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các bộ, ngành trả lời các câu hỏi của phóng viên về tiền tiết kiệm của người dân và điều hành lãi suất của Ngân hàng nhà nước, về dự án khu du lịch ở Thừa Thiên Huế mà báo chí đã nhiều lần đề cập, về đàm phán TPP, bình ổn giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu liên tục giảm,…

Liên quan đến giá dầu thô liên tục giảm trong thời gian gần đây và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết cứ mỗi đô la giảm giá dầu ngân sách hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, có phương án, tính toán các nguồn thu ngân sách, bảo đảm không để hụt thu.

Về lộ trình đàm phán TPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đàm phán đến nay đã trải qua 20 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ, 5 phiên cấp bộ trưởng, trao đổi cấp cao bên lề APEC ở Bắc Kinh. Mặc dù trao đổi cấp cao ở Bắc Kinh không đưa ra thời hạn cụ thể kết thúc đàm phán song đã thể hiện tinh thần khẩn trương, quyết tâm chính trị hướng đến kết thúc đàm phán. Tới đây, đàm phán sẽ tiếp tục tập trung vào một số nội dung còn lại, cũng là những nội dung phức tạp như môi trường, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước…./.