Lâm Đồng ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp bền vững
TCCS - Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc khu vực Nam Tây Nguyên, có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là những loại nông đặc sản có ưu thế như cây công nghiệp dài ngày, rau, hoa quả cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. Lợi thế, tiềm năng đó đang dần được tỉnh khai thác một cách căn cơ, bài bản.
Từ những định hướng đúng...
Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã có những bước phát triển tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp, rau, hoa, chăn nuôi bò sữa, bò thịt đã hình thành với trình độ thâm canh ngày càng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là về giống, kỹ thuật canh tác, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ... đã làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa giá trị sản xuất của toàn ngành tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2001 - 2005 gần 14% và chiếm 61% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh năm 2005.
Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và ngành nghề nông thôn ở Lâm Đồng còn chậm. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn manh mún, tự phát, quy mô sản xuất nhỏ, giá thành cao, chất lượng sản phẩm thiếu tính ổn định. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất giống, kỹ thuật canh tác bền vững, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin trong xúc tiến thị trường và xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa còn hạn chế. Chính vì vậy, khả năng cạnh tranh thấp, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích canh tác chưa cao, đến năm 2005 mới chỉ đạt bình quân 26 triệu đồng/ha...
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát triển nông nghiệp bền vững, Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa VII (2001 - 2005) đã xác định 6 chương trình trọng tâm cần tập trung thực hiện. Trong đó có chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2004 - 2010. Mục đích yêu cầu chính của chương trình là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm đặc thù của Lâm Đồng trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; từng bước nâng cao sản lượng hàng hóa và quy mô phát triển theo hướng sản xuất khép kín.
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2010 là: ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, dâu tây đạt 2.000 ha; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống chè và phát triển vùng nguyên liệu chè đạt 4.000 ha - 5.000 ha; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phát triển giống bò thịt chất lượng cao và đạt quy mô đàn là 12.000 con, tiếp tục thực hiện chương trình phát triển giống bò sữa và đạt quy mô đàn là 10.000 con...
Đến giai đoạn 2006 - 2010, thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, đồng thời xác định bổ sung nhiều chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhằm góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
... Đến những kết quả bước đầu
Sau 5 năm thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao và 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được nâng lên. Đa số doanh nghiệp và nông dân đồng tình hưởng ứng, mạnh dạn đầu tư ứng dụng tiến bộ mới của khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ giống, nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, quản lý dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân đã đầu tư sản xuất theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt), quản lý nông sản theo hướng an toàn...
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, năng suất, chất lượng nông sản tăng lên hằng năm, góp phần quan trọng làm tăng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp, đóng góp tích cực vào thành quả chung của cả tỉnh. Những kết quả được thể hiện cụ thể như sau:
- Giai đoạn 2004 - 2008, ngân sách nhà nước đã đầu tư 28 tỉ đồng để xây dựng các dự án quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư 2 trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp, đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Lạc Dương, xây dựng các mô hình điểm và hỗ trợ giống cho các mô hình điểm sản xuất rau, hoa, dâu tây.
Đến nay, Lâm Đồng đã thu hút được 14 dự án đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao Lạc Dương, 21 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến chè chất lượng cao và một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến rau, hoa xuất khẩu, 81 dự án đầu tư lĩnh vực nông lâm kết hợp (17 dự án đầu tư trong vùng quy hoạch phát triển trang trại). Đồng thời, qua các chương trình, đề án liên quan, tiến bộ kỹ thuật về giống đã được chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả, tỷ lệ giống mới trong sản xuất giống cây rau, hoa chiếm 90%, lúa, ngô trên 90%, dâu tây 27%, chè 36% và cà phê là 12%. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 35 cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống với sản lượng trên 10 triệu cây giống, cây mô đầu dòng sạch bệnh, cung cấp cho 200 cơ sở gieo ươm để sản xuất trên 1 tỉ cây giống rau, hoa các loại với tỷ lệ xuất vườn đạt 85% (cách gieo hạt truyền thống chỉ đạt 45%- 50%).
- Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh năm 2008 đạt 301.000 ha, trong đó cây hằng năm: 108.0000 ha, cây lâu năm: 193.000 ha. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha gieo trồng từ 18,3 triệu đồng vào năm 2004 tăng lên 45 triệu đồng năm 2008, phấn đấu năm 2009 đạt 50 triệu đồng/ha. Năm 2008, toàn tỉnh có khoảng 160.000 ha đạt doanh thu trên 50 triệu đồng/ha, trong đó có trên 10.000 ha đạt từ 100 triệu đến 2 tỉ đồng. Riêng vùng rau, hoa, dâu tây trọng điểm của tỉnh có khoảng 7% - 10% diện tích cho doanh thu trên 500 triệu đồng, 18% - 20% diện tích đạt khoảng 250 triệu - 500 triệu đồng và 70% - 75% diện tích đạt dưới 250 triệu đồng/ha.
Năm 2008, diện tích sản xuất rau, hoa, dâu tây ứng dụng công nghệ cao đạt 2.333 ha (trong đó có 1.345 ha trong vùng quy hoạch, đạt 80% mục tiêu quy hoạch), vượt 17% so với mục tiêu xác định đến năm 2010 (2.000 ha), trong đó có khoảng 1.200 ha sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, khoảng 1.500 ha áp dụng công nghệ tưới phun. Một số mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới, áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa, nhỏ giọt, tự động... cho năng suất cao, góp phần nâng sản lượng rau toàn tỉnh đến năm 2008 đạt gần 1,1 triệu tấn, hoa đạt trên 800 triệu cành; đồng thời, tăng giá trị sản xuất trên một héc-ta canh tác. Mô hình trồng ớt ngọt ở Đà Lạt đạt doanh thu trên 1.050 triệu đồng, ở Đức Trọng và Đơn Dương đạt 700 triệu - 800 triệu đồng/ha/năm, sản xuất rau an toàn 7 vụ/năm ở Đà Lạt đạt doanh thu 400 triệu đồng/ha, trồng dâu tây đạt 300 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa ở Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương cho doanh thu từ 330 triệu đến 1,2 tỉ đồng/ha/năm tùy theo từng loại hoa, từng thời điểm...
Tổng diện tích chè toàn tỉnh năm 2008 là 26.000 ha, sản lượng đạt gần 190 ngàn tấn. Riêng diện tích chè chất lượng cao đạt 2.112 ha (trong đó có 1.960 ha trong vùng quy hoạch, đạt 69,4% mục tiêu quy hoạch), bình quân trồng mới khoảng 300 ha/năm; doanh thu trung bình 160 triệu - 200 triệu đồng/ha/năm; có khoảng 500 ha áp dụng công nghệ tưới phun.
Tổng diện tích cà phê toàn tỉnh năm 2008 là 130.000 ha, sản lượng đạt trên 280 ngàn tấn, trong đó diện tích cà phê giống mới chiếm 12%, diện tích cà phê cao sản (40 tạ - 45 tạ/ha) chiếm 4%. Từ năm 2008 đến nay, Lâm Đồng đã có 10.000 ha cà phê được sản xuất theo quy trình UTZ Certified (cà phê có trách nhiệm, bền vững - là quy trình đã được áp dụng trên thế giới, bắt đầu từ Hà Lan). Đây là chương trình do Công ty cà phê Thái Hòa hỗ trợ thực hiện, chủ yếu là hướng dẫn về mặt khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc vườn cà phê đã có sẵn của nông dân (nhằm bảo đảm mục tiêu thân thiện với môi trường, nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, tăng giá trị sản xuất) và thu mua sản phẩm đưa vào chế biến. Kế hoạch đến cuối năm 2009, Công ty sẽ hỗ trợ phát triển thêm 10.000 ha ở huyện Di Linh - địa bàn trọng điểm về cà phê của tỉnh Lâm Đồng.
- Trong chăn nuôi, đến năm 2008, tổng đàn bò đạt 107.400 con, tăng 57% so với năm 2004, trong đó bò lai Sind chiếm 29%; tổng đàn bò sữa đạt 4.170 con, tăng bình quân 23,7%/năm. Đàn lợn được phát triển tốt theo chương trình nạc hóa với tỷ lệ giống nhập ngoại có năng suất, chất lượng cao đạt trên 95% tổng đàn. Quy mô sản xuất theo hướng giảm dần số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng dần số gia trại, trang trại lớn, bền vững và an toàn. Đặc biệt, sau thành công từ đề án nuôi thử nghiệm cá nước lạnh với tỷ lệ sống đạt trên 90% (cá hồi Vân và cá tầm Nga), đến nay đã có 9 tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất con giống, cá nước lạnh thương phẩm theo hướng khép kín; sản lượng cá nước lạnh năm 2008 đạt khoảng 100 tấn trên diện tích 4 ha mặt nước, doanh thu khoảng 4 tỉ đồng/ha, tỷ lệ lợi nhuận khoảng 50%.
Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần quan trọng trong việc tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp (giai đoạn 2004 - 2008 tăng bình quân trên 9%, chiếm tỷ trọng gần 50% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh); tăng giá trị xuất khẩu (năm 2008 xuất khẩu từ lĩnh vực nông nghiệp đạt 200 triệu USD, chiếm 84% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh); thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và nhân dân (đến nay, trên lĩnh vực nông nghiệp đã thu hút được 207 dự án đầu tư trong nước, trong đó 164 dự án đã được thỏa thuận đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký 3.622 tỉ đồng, có 67 dự án đã và đang triển khai với vốn thực hiện 758 tỉ đồng; có 69 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 205 triệu USD, vốn thực hiện đạt gần 104 triệu USD); tạo thương hiệu và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao thu nhập của nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh từ 23,7% năm 2005 xuống còn 10,5% vào năm 2008, riêng khu vực nông thôn giảm từ 26% năm 2005 xuống còn khoảng 15% vào năm 2008.
Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững
Bên cạnh kết quả đạt được, Đảng bộ Lâm Đồng đã nhìn thẳng vào những mặt còn hạn chế để khắc phục, đó là: Quy hoạch phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mới dừng ở quy hoạch tổng thể, thiếu các quy hoạch chi tiết; quản lý và triển khai theo quy hoạch chưa tốt, có nơi phát triển tự phát, hiệu quả sản xuất chưa cao; sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản còn yếu, quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ; kinh tế hợp tác và hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, chưa giải quyết được “đầu ra” cho nông sản; xây dựng được nhiều mô hình tốt, hiệu quả kinh tế cao nhưng chậm phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trong nhân dân; cơ chế, chính sách huy động đầu tư chưa đủ mạnh, thiếu cơ chế ưu đãi đặc thù cho các mặt hàng nông sản mới...
Từ những kết quả đạt được cũng như hạn chế, yếu kém trong thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao 5 năm qua, Lâm Đồng rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, xác định chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là trách nhiệm của chính quyền các cấp, của riêng ngành nông nghiệp mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ đó tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể trong thực hiện chương trình.
Hai là, lựa chọn, xây dựng mô hình điểm sinh động, hiệu quả, đồng thời chú trọng việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân. Trong xây dựng và nhân rộng mô hình cần căn cứ tình hình cụ thể ở từng vùng, căn cứ năng lực, trình độ của nông dân để lựa chọn một hoặc nhiều hình thức ứng dụng công nghệ cao phù hợp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, được nông dân đồng tình ủng hộ, từ đó phát huy nội lực trong nhân dân, vai trò tổ chức thực hiện ở cơ sở.
Ba là, quan tâm phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân và giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản và bảo đảm thị trường tiêu thụ cho các loại nông sản chất lượng cao, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu.
Bốn là, ưu tiên đầu tư đúng mức cho công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ cho nông dân, định hướng giúp nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường nhằm ổn định thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập và hiệu quả sử dụng đất.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, góp phần quan trọng thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, Lâm Đồng đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là:
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xem đây là khâu then chốt nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thực hiện tốt chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các chương trình, đề án liên quan, như: chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao; phát triển thủy lợi gắn với thủy điện vừa và nhỏ; kiên cố hóa kênh mương; đề án nuôi cá nước lạnh, phát triển chè chất lượng cao, củng cố và mở rộng lực lượng khuyến nông cơ sở, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp...
Thứ ba, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết từng loại cây trồng, vật nuôi để định hướng phát triển phù hợp, phát huy lợi thế từng loại cây trồng, vật nuôi và từng vùng sinh thái. Xây dựng các đề án, dự án liên quan, như: đề án nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của cà-phê Lâm Đồng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; đề án hỗ trợ chế biến, hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh; đề án khôi phục và phát triển chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2009 - 2015 và đến năm 2020; dự án quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020; quy hoạch chi tiết phát triển nuôi cá nước lạnh; dự án quy hoạch và tổ chức lại chăn nuôi, giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn toàn tỉnh.
Thứ tư, tăng cường công tác chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án sản xuất thử nghiệm trong nông nghiệp, tập trung cho đổi mới giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế vượt trội. Xây dựng các quy trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi an toàn; từng bước hình thành vùng rau, chè chất lượng cao, an toàn, thân thiện với môi trường, có quy mô, sản lượng hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Thứ năm, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các khu quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, công khai, minh bạch để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.
Thứ sáu, tập trung đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật trình độ cao, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn.
Thứ bảy, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn gia súc, vật tư nông nghiệp theo đúng quy định của pháp luật./.
Đương đầu với khủng hoảng - một vài suy nghĩ  (13/12/2009)
Hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại I-ta-li-a  (12/12/2009)
Liên hợp quốc thông qua nhiều nghị quyết hỗ trợ các nước đang phát triển  (12/12/2009)
EU cam kết hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu  (12/12/2009)
Hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng  (12/12/2009)
Tăng cường vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS  (11/12/2009)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm