Hoạt động của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại I-ta-li-a
Tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa I-ta-li-a, tối 10-12 theo giờ địa phương (sáng 11-12, theo giờ Hà Nội), tại Thủ đô Rô-ma, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có các cuộc gặp Chủ tịch Hạ viện I-ta-li-a Gian-phran-cô Phi-ni, Thị trưởng thành phố Rô-ma Gia-ni A-lê-ma-nô; tiếp Tổng Bí thư Ðảng của những người cộng sản I-ta-li-a Ô-li-vi-ê-rô Ði-li-béc-tô, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản tái lập I-ta-li-a Pao-lô Phê-rê-rô và đại diện lãnh đạo Ðảng Dân chủ I-ta-li-a.
* Tại cuộc gặp Chủ tịch Hạ viện G.Phi-ni, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo về kết quả cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước với Tổng thống G.Na-pô-li-ta-nô, nhấn mạnh hai bên đã đề ra các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trên cơ sở mối quan hệ chính trị đang phát triển tốt đẹp, như khuyến khích các doanh nghiệp I-ta-li-a thực hiện các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm, kết nối đối tác... Chủ tịch nước hoan nghênh sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước, thông qua hoạt động trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm trong khuôn khổ song phương, cũng như trong Liên minh nghị viện, Hội nghị đối tác nghị viện Á - Âu... Chủ tịch nước mong muốn cơ quan lập pháp hai nước tiếp tục mở rộng hợp tác, tích cực ủng hộ triển khai hiệu quả những thỏa thuận cấp cao giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và I-ta-li-a.
Chủ tịch Hạ viện G.Phi-ni nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tới I-ta-li-a, nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam năm 2004; nhấn mạnh I-ta-li-a và Việt Nam cách xa nhau về địa lý, nhưng có lịch sử gắn bó với nhau. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là dấu mốc quan trọng đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Ðánh giá cao những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, Chủ tịch Hạ viện G.Phi-ni khẳng định, Việt Nam là một hình mẫu cần được nghiên cứu về kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới. Chủ tịch tin tưởng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam sẽ đóng góp tích cực nhằm thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và EU đi vào thực chất hơn.
* Tại cuộc gặp Thị trưởng thành phố Rô-ma G.A-lê-ma-nô, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng đến thăm Thủ đô Rô-ma cổ kính; hoan nghênh thành phố Rô-ma tham gia một số hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời mời thành phố Rô-ma tham gia Câu lạc bộ các thành phố 1000 năm tuổi, do thành phố Hà Nội vừa thành lập. Chủ tịch nước khẳng định, Nhà nước Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với I-ta-li-a và thành phố Rô-ma nói riêng, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện để thành phố Rô-ma hợp tác với các địa phương của Việt Nam trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác văn hóa, du lịch...
* Trong các cuộc tiếp Tổng Bí thư Ðảng của những người cộng sản I-ta-li-a, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản tái lập I-ta-li-a và đại diện lãnh đạo Ðảng Dân chủ I-ta-li-a, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cảm ơn tình đoàn kết và sự ủng hộ quý báu mà những người bạn cộng sản, cánh tả và nhân dân I-ta-li-a đã dành cho Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với nỗ lực của mình, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự khích lệ từ tình đoàn kết của bạn bè quốc tế, vì vậy thắng lợi của nhân dân Việt Nam cũng là thắng lợi của lực lượng tiến bộ trên thế giới, trong đó có những người cộng sản, cánh tả ở I-ta-li-a. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp của mối quan hệ giữa Ðảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản, cánh tả ở I-ta-li-a; khẳng định Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn mong muốn tăng cường mối quan hệ này. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lời chào và lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tới các đồng chí Tổng Bí thư Ðảng của những người cộng sản I-ta-li-a Ô-li-vi-ê-rô Ði-li-béc-tô, Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản tái lập I-ta-li-a Pao-lô Phê-rê-rô và Tổng Bí thư Ðảng Dân chủ I-ta-li-a Lu-gi Béc-xa-ni.
Lãnh đạo các đảng cộng sản, cánh tả I-ta-li-a bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trên con đường xây dựng và phát triển đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lãnh đạo các đảng cộng sản, cánh tả I-ta-li-a khẳng định, trên cơ sở tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc, các đảng cộng sản, cánh tả I-ta-li-a mong muốn tăng cường hợp tác với Ðảng Cộng sản Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước; mong muốn tìm hiểu về kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam, nhất là vấn đề phát triển kinh tế đi cùng với bảo đảm công bằng xã hội.
* Trưa 11-12 theo giờ địa phương (cuối giờ chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Tòa thánh Va-ti-can, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc gặp với Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Chủ tịch nước nêu rõ, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân và luôn coi đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch nước thông báo, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tôn giáo ở Việt Nam đều được tạo điều kiện phát triển thuận lợi, trong đó có Công giáo. Ðặc biệt, với sự hỗ trợ của chính quyền, vừa qua Giáo hội Công giáo Việt Nam đã tổ chức tốt đẹp lễ khai mạc Năm Thánh 2010.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ đồng tình với Huấn từ của Giáo hoàng cho các Giám mục Việt Nam dịp Ad Limina (6-2009) căn dặn người Công giáo là "một giáo dân tốt đồng thời là một công dân tốt" và nhấn mạnh tinh thần "Phúc âm trong lòng dân tộc" tại Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng ghi nhận và hoan nghênh Sứ điệp của Giáo hoàng gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam dịp khai mạc Năm Thánh 2010, trong đó Va-ti-can nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ lẫn hiện tại và xin tha thứ. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bày tỏ mong muốn Huấn từ và Sứ điệp này sẽ được Giáo hội Công giáo Việt Nam hưởng ứng bằng những hành động thiết thực và đồng bào Công giáo sẽ tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đa số đồng bào theo đạo Công giáo đã và đang tích cực tham gia công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước; nhiều người đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, được Tổ quốc ghi công.
Giáo hoàng Bê-nê-đích XVI cảm ơn Nhà nước Việt Nam đã cho phép và hỗ trợ Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức thành công lễ khai mạc Năm Thánh 2010 vừa qua tại Sở Kiện (Hà Nam), mở đầu cho các hoạt động tốt đẹp trong Năm Thánh. Giáo hoàng bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và đề nghị Nhà nước Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Giáo hội Công giáo Việt Nam được tham gia đóng góp vào các hoạt động từ thiện, y tế và giáo dục. Giáo hoàng bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Va-ti-can phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gặp Hồng y Tác-si-si-ô Béc-tô-nê, Thủ tướng Tòa thánh Va-ti-can. Hồng y Béc-tô-nê hoan nghênh cuộc gặp giữa Giáo hoàng và Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ mong muốn Hồng y Béc-tô-nê sẽ tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể cho Giáo hội Công giáo Việt Nam thực hiện tốt các Huấn dụ và Sứ điệp của Giáo hoàng. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng rằng, với thiện chí và quyết tâm của hai bên, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Va-ti-can sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với mong muốn của hai bên.
* Trước đó, tại Phủ Tổng thống I-ta-li-a đã diễn ra lễ tiễn chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân, cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Rô-ma, tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa I-ta-li-a tại thành phố Mi-lan. Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới đặt vòng hoa tại mộ các Liệt sĩ Vô danh ở Ðài Tổ quốc nằm trên Quảng trường Vê-nê-di-a ở Thủ đô Rô-ma.
* Chiều 11-12 theo giờ địa phương (đêm cùng ngày, giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân, cùng Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thành phố Mi-lan. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Vùng Lôm-bác-đi Rô-béc-tô Phơ-mi-gô-ni và Thị trưởng thành phố Mi-lan Le-ti-di-a Mô-ra-ti.
Trong cuộc gặp Chủ tịch R.Phơ-mi-gô-ni, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng những thành tựu phát triển của Vùng Lôm-bác-đi, một trung tâm kinh tế, tài chính và công nghiệp hàng đầu của I-ta-li-a và châu Âu; thông báo về những thành tựu và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian gần đây. Ðánh giá cao sự quan tâm của Vùng Lôm-bác-đi và cá nhân Chủ tịch R.Phơ-mi-gô-ni trong hợp tác với Việt Nam, Chủ tịch nước khẳng định, trong quan hệ giữa Việt Nam và I-ta-li-a, Vùng Lôm-bác-đi có một vị trí quan trọng. Chủ tịch nước mong muốn Chính quyền Vùng Lôm-bác-đi và cá nhân Chủ tịch R.Phơ-mi-gô-ni sẽ tiếp tục quan tâm phát triển quan hệ với Việt Nam, nhất là khuyến khích các công ty trong vùng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Ðặc biệt, Vùng Lôm-bác-đi có hệ thống các công ty vừa và nhỏ rất năng động, hiệu quả, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng. Các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp Vùng Lôm-bác-đi về thương mại, du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ...
Tại cuộc gặp Thị trưởng thành phố Mi-lan L.Mô-ra-ti, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tích cực trong quan hệ kết nghĩa giữa thành phố Mi-lan với thành phố Hồ Chí Minh; nhấn mạnh Việt Nam mong muốn tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với I-ta-li-a, trong đó có thành phố Mi-lan. Chủ tịch nước khẳng định, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Vùng Lôm-bác-đi, trong đó có thành phố Mi-lan, còn rất lớn; Nhà nước Việt Nam sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi để thành phố Mi-lan hợp tác với các địa phương của Việt Nam trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, văn hóa, du lịch... Chủ tịch nước đề nghị chính quyền thành phố Mi-lan và cá nhân bà Thị trưởng tiếp tục khuyến khích, ủng hộ các doanh nghiệp thành phố Mi-lan tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam; quan tâm thúc đẩy các chương trình trao đổi giữa giảng viên và sinh viên Việt Nam với các trường đại học tại thành phố Mi-lan. Chủ tịch nước cảm ơn chính quyền thành phố Mi-lan đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa Việt Nam trong thời gian qua và nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Cộng hòa I-ta-li-a./.
Liên hợp quốc thông qua nhiều nghị quyết hỗ trợ các nước đang phát triển  (12/12/2009)
EU cam kết hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu  (12/12/2009)
Hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng  (12/12/2009)
Tăng cường vai trò của Nghị viện trong phòng chống HIV/AIDS  (11/12/2009)
Kết luận của Bộ Chính trị về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  (11/12/2009)
Tổng thống I-ta-li-a đón, hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết  (11/12/2009)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm