Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo số liệu từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 10 tháng qua là 91.143 lao động (34.232 lao động nữ), vượt 4,76% so với kế hoạch năm 2014 và bằng 129,54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng Mười đã có 7.774 lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc) 3.895 lao động, Nhật Bản 1.784 lao động, Hàn Quốc 962 lao động, Malaysia 295 lao động, Saudi Arabia 296 lao động, Macau (Trung Quốc) 207 lao động và các thị trường khác.

Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2014, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc nhiều nhất là thị trường Đài Loan (Trung Quốc) với 53.851 người, tiếp theo lần lượt là Nhật Bản 16.283 người, Hàn Quốc 6.662 người, Maylaysia 4.553 người…

Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) liên tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong những năm gần đây. Năm 2014, tổng chi phí đi Đài Loan theo quy định đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giảm từ không quá 4.500 USD (năm 2013) xuống không quá 4.000 USD/người và sẽ xem xét điều chỉnh chi phí đi Đài Loan (Trung Quốc) giảm dần theo từng năm để tạo điều kiện cho người lao động.

Mặt khác, để chấn chỉnh việc doanh nghiệp thu phí của người lao động sai quy định, giữ lương và khấu trừ tiền ăn-ở từ lương của người lao động, trong năm nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã xử phạt tạm dừng hoạt động có thời hạn của hơn 40 công ty xuất khẩu lao động đi Đài Loan (Trung Quốc).

Đối với thị trường Hàn Quốc, toàn bộ số lao động đi làm việc tại thị trường này trong năm nay đều theo Bản ghi nhớ đặc biệt giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc EPS (MOU).

Đến hết tháng 11-2014, khi bản ghi nhớ hết hiệu lực, Chính phủ hai nước sẽ đánh giá quá trình thực hiện và xem xét việc có tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới hay không./.