Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
Chiều 24-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã có buổi làm việc với Thường trực Ban chỉ đạo 389 về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng 9 tháng đầu năm và bàn phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo, từ ngày 16-6 đến ngày 15-9, các lực lượng chức năng đã phát hiện 44.000 vụ vi phạm với giá trị hàng hóa lên đến 300 tỷ đồng, truy thu 2.600 tỷ đồng tiền thuế. Lực lượng chống buôn lậu chuyên trách của Tổng cục Hải quan phối hợp với bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ trên 200.000 lít xăng dầu tại khu vực biên giới Tây Nam và bắt 8 xe hàng lậu vận chuyển từ Lạng Sơn, Quảng Ninh. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó nổi lên là vụ 8 tấn bao bì có dấu hiệu làm giả các nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nổi tiếng trên thị trường.
Các bộ, ngành cơ bản triển khai tốt các nội dung của Ban Chỉ đạo, tích cực tổ chức thanh tra theo dõi, quản lý ngành, chủ động thành lập các đoàn và tham gia các đoàn công tác chuyên ngành, đề xuất, xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, giao thông, văn hóa, du lịch... Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất tổ chức hoạt động của lực lượng quản lý thị trường, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách về hàng hóa đưa vào kho ngoại quan, sửa đổi những bất cập, tăng cường công tác phối hợp tuần tra kiểm soát. Bộ Công an đã chỉ đạo xóa bỏ hai tụ điểm buôn lậu hàng hóa từ các tỉnh biên giới về Hà Nội, tập huấn cho công an các tỉnh về xử lý các vụ buôn lậu ô tô lợi dụng chính sách Việt kiều hồi hương, đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu và vận chuyên trái phép thuốc lá điếu, rượu ngoại và đường cát. Bộ Tài chính đã kiến nghị rà soát các doanh nghiệp đã quyết toán thuế rượu, bia, kịp thời xử lý thu hồi ngân sách số tiền chiếm đoạt và tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng nhập lậu mặt hàng không bảo đảm chất lượng, đặc biệt là hoa quả, thực phẩm các loại...
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra của các đoàn cho thấy, mặc dù các ngành, các lực lượng đã rất quyết liệt đấu tranh, bắt giữ nhiều vụ nhưng thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn nhiều, diễn biến phức tạp trên tuyến đường bộ, đường sắt. Các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả có thủ đoạn tinh vi, sẵn sàng chống đối lại cơ quan chức năng bằng mọi cách. Nguy hiểm hơn là hầu hết hàng hóa Trung Quốc nguyên đai, nguyên kiện, mang từ bên kia biên giới về Việt Nam nhưng lại đội lốt hàng Việt, mang made in Vietnam, có cả giấy bảo hành, dấu hàng Việt Nam chất lượng cao in trên bao bì. Nguyên nhân của thực trạng trên có phần do lực lượng phối hợp chưa chặt chẽ ở các tuyến, một số địa phương chưa coi trọng công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Các ý kiến tại cuộc họp đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, không tiếp tay cho hàng giả, hàng lậu, thành lập trạm kiểm soát cố định về buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến đường bộ, các tổ kiểm tra đặc biệt liên ngành, có giải pháp căn cơ và chiến lược hơn để đánh tận gốc các đối tượng đầu nậu. Từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều, cần tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm buôn lậu qua biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Quảng Trị với một số mặt hàng trọng điểm như thuốc lá điếu, pháo nổ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định: Đảng và Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động, những kết quả và các giải pháp của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhấn mạnh đến diễn biến, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại sẽ ngày càng phức tạp trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, đặc biệt tình hình buôn lậu gắn liền với tình hình tham nhũng tiêu cực, Phó Thủ tướng đề nghị: Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương cần xác định, coi nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại là nhiệm vụ đầu tiên, ưu tiên và thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh việc tiếp tục lên các phương án cụ thể về chống buôn lậu và gian lận thương mại, cần nắm chắc địa bàn, làm tốt công tác điều tra từng cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp để phát hiện những thủ đoạn mới trong phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Các bộ, ngành các thành viên phải đôn đốc quyết liệt hơn nữa từ nay đến Tết Ất Mùi phải tiến thêm một bước để lập lại trật tự kỷ cương trong việc chống buôn lậu. Chúng ta phải có quyết tâm chính trị cao hơn nữa nhất là trong những việc còn tồn tại hạn chế, mặc dù không thể làm hết được 100% nhưng rõ ràng chúng ta cần có giải pháp rõ ràng và quyết liệt hơn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ./.
Kỷ niệm 45 năm ngành hóa chất Việt Nam  (25/10/2014)
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các tầng lớp nhân dân  (25/10/2014)
Thông cáo số 5 Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII  (25/10/2014)
Lễ phát động hưởng ứng Mục tiêu 90-90-90 hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030  (25/10/2014)
Lễ phát động hưởng ứng Mục tiêu 90-90-90 hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030  (25/10/2014)
Điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 59 Quốc khánh Cộng hòa Áo  (25/10/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên