Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh
TCCSĐT - Ngày 14-10-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổ đại biểu Quốc hội số 1 đã có buổi tiếp xúc với hơn 300 cử tri quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch báo cáo cử tri một số nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII dự kiến diễn ra từ ngày 20-10 đến ngày 30-11-2014, trong đó, những nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung xem xét thông qua 12 luật và 3 nghị quyết, đáng chú ý có nhiều luật quan trọng như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam… Đồng thời, Quốc hội sẽ nghe báo cáo, thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014, một số kết quả của công tác giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, đề án đổi mới sách giáo khoa, chủ trương xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành, dự án tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh. Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu.
Tại buổi tiếp xúc, cùng với việc bày tỏ ý kiến trước những vấn đề nổi cộm diễn ra trong thời gian qua, các cử tri mong muốn Kỳ họp Quốc hội sắp tới cần làm rõ hơn một số vấn đề như:
Tâm tư với Chủ tịch nước, cử tri Trần Quang Tuấn, phường Bến Nghé cho biết: tâm trạng chung của người dân có sự lo lắng bởi nền kinh tế chúng ta còn nhiều khó khăn, trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu không ổn định, thậm chí có mặt hàng tăng cao. Cử tri này đặt ra một loạt vấn đề như: Các chuyên gia nhận định phải thị trường hóa, để thị trường tự điều tiết, thế nhưng thực tế cho thấy thị trường tự điều tiết bằng cách “xóa bỏ” chợ truyền thống để làm trung tâm thương mại. Các công ty chứng khoán “chết” la liệt, hàng chục ngân hàng đang trở thành gánh nặng của nền kinh tế thì làm sao nợ xấu, nợ công không cao, tăng trưởng tín dụng không chậm?
Tiếp đó, cử tri Phạm Thị Cát cho rằng, để Luật phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì nhất thiết phải đề ra luật bảo vệ người tố cáo, đồng thời nên chăng có một phần thưởng xứng đáng để họ dám đấu tranh bảo vệ sự công bằng cho xã hội. Khi nói về việc xây dựng Luật khiếu nại, tố cáo cử tri Phạm Thị Cát cho rằng: Luật đưa ra phải thật sự nghiêm khắc khi xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài mà không giải quyết được. Cùng quan điểm này, cử tri Trần Đăng Trâm, phường Đa Kao nhấn mạnh “chúng tôi mong rằng, Đảng và Nhà nước ta cần xem xét và sớm có những biện pháp thiết thực để bảo vệ những người tố cáo tham nhũng, cũng như xử lý nghiêm những cán bộ có thẩm quyền nhưng cố tình thờ ơ, chậm giải quyết bức xúc của người dân”. Tiếp đó, cử tri Trần Đăng Trâm còn phản ánh về thái độ, nghiệp vụ của cán bộ, công chức tiếp xúc với dân hiện nay mặc dù đã có sự chuyển biến khá tích cực, nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng cán bộ khi tiếp dân ở một số nơi chưa thật sự hòa nhã, thiếu sự gần gũi với người dân.
Lo lắng trước những vấn đề nổi cộm xảy ra trong thời gian qua, cử tri Võ Thiện Tính phản ánh: Tình trạng người nghiện ma túy ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất đáng lo ngại, đáng nói nhất là các đối tượng này có biểu hiện sinh hoạt dọc khắp hè phố và công viên làm mất an ninh trật tự, nếu không có giải pháp khả thi, kịp thời thì rất nguy hiểm. “Tôi cho rằng, người nghiện ma túy không phải là bệnh mãn tính, cai nghiện không thể nào tự nguyện được, phải sử dụng biện pháp hành chính để đưa họ đi cai nghiện. Hiện nay, người già, trẻ em không dám bước chân ra công viên 23-9 vì rất sợ người nghiện, vì thế chúng ta phải sớm có giải pháp để giải quyết tình trạng này”, cử tri Võ Thiện Tính trăn trở.
Góp ý về công tác nhân sự của Quốc hội, cử tri Hoàng Như Khương, phường Bến Nghé kiến nghị: Quốc hội nên tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách trong việc xây dựng Luật, để khi ban hành Luật bảo đảm cơ sở khoa học, phù hợp với thực tế. Điều cần thiết của đại biểu Quốc hội là phải phát huy tính đấu tranh trong chất vấn đối với những người đứng đầu các bộ, ngành… để làm rõ được mặt mạnh, yếu cũng như trách nhiệm cụ thể của họ đối với xã hội. Bên cạnh đó, cùng với hai kỳ tiếp xúc cử tri hằng năm, các đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát hoạt động của địa phương, tích cực đi thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa để tìm ra các giải pháp thiết thực, cũng như bảo đảm các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến được với người dân.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hoan nghênh sự thẳng thắn, trách nhiệm và ghi nhận các ý kiến đóng góp của cử tri. Chủ tịch nước cho biết Tổ đại biểu Quốc hội số 1 sẽ tổng hợp các ý kiến thu được để phản ánh với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan. Chủ tịch nước cho biết, “thách đố lớn” đối với Trung ương hiện nay là những vướng mắc trong đầu tư công, vì thế để giảm đầu tư công mà vẫn tăng tổng đầu tư xã hội là bài toán không đơn giản. Do đó, giải pháp trước mắt là tạo ra việc làm, nâng cao chất lượng công nghệ để tăng năng suất lao động, góp phần giải phóng sức sản xuất của xã hội, bảo đảm tăng trưởng nhanh nhưng bền vững. Giai đoạn 2016 - 2020, nền kinh tế đất nước sẽ là nền kinh tế mở cửa rộng, sức ép cạnh tranh sẽ lớn, đòi hỏi cần có sự quyết tâm cao, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch nước lưu ý.
Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chủ tịch nước nêu rõ: thời gian qua chúng ta đã đạt được những hiệu quả nhất định trong phòng, chống tham nhũng. Nhưng, nếu đem những kết quả đó đối chiếu với mục tiêu đề ra của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thì chưa đáp ứng được. Vì thế, chúng tôi mong rằng thời gian tới, cử tri cần tiếp tục phát huy chính kiến, tinh thần dân chủ, phản ánh thường xuyên, kịp thời những tiêu cực cho đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí để xây dựng đất nước vững mạnh hơn./.
Báo chí Bỉ đưa tin về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  (15/10/2014)
Việt Nam kêu gọi IPU bảo vệ và thúc đẩy bình đẳng giới  (15/10/2014)
Chiếc xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam  (15/10/2014)
Chiếc xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam  (15/10/2014)
Việt Nam là trọng tâm trong chính sách mở rộng quan hệ của Iran  (14/10/2014)
Thủ tướng bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức  (14/10/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên