Nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Park Geun-hye, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm cấp Nhà nước tại Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) từ ngày 01 đến ngày 04-10.

Hàn Quốc là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 4 ở châu Á và thứ 15 trên thế giới.

Để có được nền kinh tế phát triển được cả thế giới biết đến với cái tên “Kỳ tích sông Hàn,” Hàn Quốc đã áp dụng Chiến lược phát triển kinh tế định hướng đối ngoại, sử dụng xuất khẩu làm động lực tăng trưởng và đóng góp nhiều cho sự chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế của quốc gia này.

Hiện nay, Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy phát triển chính sách kinh tế định hướng đối ngoại. Các tập đoàn, công ty Hàn Quốc tích cực xúc tiến đầu tư và tham gia vào các dự án hay liên doanh ở nước ngoài.

Đặc biệt trong bối cảnh bất ổn định của thị trường năng lượng hiện nay, trọng điểm phát triển hợp tác kinh tế của Hàn Quốc là tài nguyên-năng lượng.

Hàn Quốc chú trọng đầu tư và tham gia vào các dự án khai thác, sản xuất và mua bán tài nguyên-năng lượng.

Sau 22 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và đặc biệt sau 5 năm kể từ khi nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược” vào năm 2009, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu.

Về chính trị, hai nước duy trì các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao hàng năm. Các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước được tiến hành thường xuyên trong những năm gần đây, có thể kể tới như chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm và dự Lễ nhậm chức của Tổng thống Park Geun-hye (tháng 2-2013); Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kang Chang Hi thăm Việt Nam vào tháng 1-2013; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Hàn Quốc (7-2013); Tổng thống Hàn Quốc thăm Việt Nam (9-2013); Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hàn Quốc (01-2014).

Về kinh tế, Hàn Quốc tiếp tục là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Sau khi nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược,” hợp tác kinh tế giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Tính lũy kế đến tháng 6-2014, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất về số lượng dự án (3.687 dự án) và thứ hai về vốn đăng ký (31,2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2008).

Hàn Quốc là đối tác thương mại thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2007.

Hai nước đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 70 tỷ USD vào năm 2020 và đang tích cực chuẩn bị để có thể sớm ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt-Hàn.

Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc; xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như hàng dệt may, dầu thô, thủy sản...

Hàn Quốc là đối tác cung cấp ODA song phương lớn thứ hai của Việt Nam (sau Nhật Bản) với cam kết trị giá 1,2 tỷ USD cho giai đoạn 2012-2015.

Năm 2011, Hàn Quốc tuyên bố coi Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA, là 1 trong 26 nước thuộc “đối tác chiến lược hợp tác ODA” với ba trọng tâm là: tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Là nước có lượng khách du lịch vào Việt Nam lớn thứ hai, trong năm 2013 đã có tới 750.000 lượt khách Hàn Quốc tới Việt Nam, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2007. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam.

Về văn hóa-giáo dục, hai nước đã ký Hiệp định văn hóa, Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch cùng nhiều thỏa thuận hợp tác giáo dục, giao lưu thanh niên...

Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn Hàn Quốc làm đối tác chiến lược thông tin giáo dục-đào tạo; hiện có trên 5.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước bạn, đa phần là học đại học và cao học.

Giao lưu nhân dân hai nước diễn ra sôi động với gần 100 chuyến bay trực tiếp mỗi tuần kết nối các thành phố lớn của hai nước.

Mỗi nước hiện có hơn 120.000 kiều dân sinh sống và làm việc ở nước kia, trong đó có gần 50.000 cặp vợ chồng Việt-Hàn tại Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc hiện có hai dòng họ Lý của Việt Nam sinh sống là dòng họ Lý Tinh Thiện và dòng họ Lý Hoa Sơn.

Nhằm góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và giao lưu nhân dân, ở cả Việt Nam và Hàn Quốc đã thành lập Hội hữu nghị Việt-Hàn và Hội hữu nghị Hàn-Việt. Hai hội này đã và đang là cầu nối thúc đẩy các hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại, du lịch, giao lưu tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm đẩy mạnh toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc với trọng tâm là tăng cường hợp tác kinh tế, đồng thời mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Chuyến thăm góp phần tăng cường hiểu hiểu và tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy hợp tác giữa Đảng ta với Đảng cầm quyền Saenuri và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước./.