Bình Thuận huy động mọi nguồn lực, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
TCCS - Du lịch Bình Thuận được biết đến kể từ sự kiện nhật thực toàn phần năm 1995 với địa danh Mũi Né - Phan Thiết. Sau gần 15 năm hình thành và phát triển, du lịch Bình Thuận đã từng bước khẳng định thương hiệu và vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn dân đang từng bước thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tiềm năng và lợi thế
Là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Thuận có vị trí địa lý cùng rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nói chung, kinh tế du lịch nói riêng. Giao thông từ Bình Thuận đến các trung tâm du lịch lớn như Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Lạt chỉ trong vòng bán kính từ 200 km đến 250 km. Trong đó, quốc lộ 1A và đường sắt Thống Nhất đi qua nối Bình Thuận với các tỉnh phía Bắc và phía Nam; quốc lộ 28 nối Bình Thuận với các tỉnh phía nam Tây Nguyên; quốc lộ 55 nối Bình Thuận với trung tâm dịch vụ dầu khí và du lịch Vũng Tàu. Bình Thuận có địa hình đa dạng, gồm đồng bằng, núi, đồi; có ao hồ, biển đảo; cùng rất nhiều di tích văn hóa - lịch sử, như: Trường Dục Thanh - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy học vào những năm 1910 - 1911; chùa Hang, chùa Cổ Thạch, dinh Thầy Thím, dinh Vạn Thủy Tú; núi Tà Cú, tháp Chăm Pô-sa-nư v.v.. Trong cộng đồng cư dân Bình Thuận đang bảo tồn và lưu giữ nhiều di sản, sắc thái văn hóa đặc thù của đồng bào Chăm và một số dân tộc thiểu số khác. Đặc biệt, với hơn 190 km bờ biển, bên cạnh những cảnh quan thơ mộng nổi tiếng như: Đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng, làng cổ Mũi Né... Bình Thuận là một trong 3 ngư trường lớn của cả nước có trữ lượng thủy, hải sản vô cùng phong phú, với những sản vật biển quý hiếm như tôm hùm, mực một nắng, ốc hương v.v.. Cùng với môi trường trong lành, thời tiết ấm áp, du khách có thể đến du lịch quanh năm - Bình Thuận đang được ví là “thủ đô resort” của Việt Nam, với nhiều khu du lịch sinh thái đẹp và nổi tiếng thế giới như: Pandanus, Victoria, Làng Thụy Sĩ, Sài Gòn - Mũi Né, Novotel, Seahorse... tọa lạc bên những bãi biển trong xanh tuyệt đẹp.
Đó chính là những yếu tố quan trọng và là điều kiện lý tưởng để Bình Thuận có thể cùng lúc phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch trên biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao - giải trí, du lịch dã ngoại, du lịch cộng đồng v.v..
Trong sự ngổn ngang, bộn bề công việc và không kém phần bỡ ngỡ trước một tiềm năng mới được đánh thức, với tinh thần “vừa học, vừa làm”, những năm qua, Bình Thuận đã từng bước xây dựng và hoàn thiện dần quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các vùng, các khu du lịch trên địa bàn; từng bước định hướng rõ dần các loại sản phẩm du lịch; ban hành các chính sách, các quy định, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi, khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển, mở rộng liên kết với các vùng, các tỉnh lân cận, chăm lo đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường các biện pháp bảo đảm môi trường... Tiềm năng du lịch của Bình Thuận, theo đó, dần dần được khai thác ngày càng tốt hơn.
“Đất lành chim đậu”
Tính đến cuối tháng 8-2009, toàn tỉnh BìnhThuận đã có 409 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 41.862 tỉ đồng; trong đó có 30 dự án đầu tư nước ngoài. Đã có 119 dự án đi vào hoạt động với 134 “resort” và cơ sở lưu trú, với trên 5.000 buồng, phòng; hơn 300 cơ sở nhà nghỉ, nhà trọ đang hoạt động tốt. Các dự án được chấp thuận đầu tư càng về sau càng có quy mô lớn với chất lượng cao cùng với sản phẩm và chất lượng các loại dịch vụ phục vụ du lịch ngày càng phát triển đa dạng, phong phú hơn. Ngoài các lễ hội truyền thống như lễ Nghinh Ông, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Dinh Thầy Thím, lễ hội Katê, Ramwan... mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa được duy trì và nâng dần về chất lượng, các hoạt động du lịch thể thao khác như đua thuyền trên sông, hội thi chạy vượt đồi cát, leo núi được tổ chức hằng năm. Riêng những cơ sở ven biển có điều kiện cũng tận dụng lợi thế địa hình để kinh doanh các loại hình thể thao như lướt ván buồm, lướt ván diều, mô-tô nước... khá hiệu quả và thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước.
Các tổ chức, doanh nghiệp tìm đến đầu tư ngày càng nhiều, với các dự án lớn từng bước phát huy hiệu quả như: sân golf Sealinks, khu vui chơi giải trí Suối Cát, nhà hàng Hoa viên, vũ trường Hoàng Ngọc, Siêu thị Coop - mart, xe buýt công cộng... Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đã chủ động tìm kiếm dịch vụ mới lạ đưa vào hoạt động. Có resort mở lớp học gói bánh chưng hoặc tổ chức tết Việt cho khách nước ngoài tham gia ăn ở cùng gia đình các nhân viên. Hay có cơ sở hình thành đội ca múa Chăm tại chỗ, hoặc đưa “sô” ca nhạc từ các trung tâm du lịch lớn về phục vụ du khách. Tại khu du lịch Sài Gòn - Mũi Né, dịch vụ cắt may trang phục “tốc hành” ngay trong resort bắt đầu được du khách chú ý và lựa chọn.
Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ bổ trợ cho hoạt động du lịch như kinh doanh lữ hành, vận chuyển cũng có bước phát triển nhanh chóng. Hiện toàn tỉnh có 15 cơ sở hoạt động kinh doanh lữ hành (13 cơ sở nội địa, 2 cơ sở quốc tế). Dịch vụ kinh doanh vận chuyển khách du lịch ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, tham quan và mua sắm ở nhiều địa điểm khác nhau với gần 30 cơ sở hoạt động kinh doanh, vận chuyển liên tỉnh chất lượng cao, 5 hãng taxi gần 100 xe và 6 tuyến xe buýt từ trung tâm Phan Thiết tỏa đi nhiều nơi.
Cảm nhận được sự hấp dẫn và thú vị từ những lợi thế và đặc trưng riêng có của Bình Thuận, du khách tìm đến với mảnh đất được mệnh danh “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” này ngày càng tăng. Nếu năm 2003, bình quân mỗi người dân Bình Thuận đón 0,73 du khách, thì hiện nay con số này là 1,6; với thời gian lưu trú của du khách trong nước là 1,55 ngày/khách, du khách nước ngoài là 3,2 ngày/khách, tăng 1,12 ngày so với trước. Theo đó, lượng du khách tăng bình quân mỗi năm là 30%; trong đó du khách quốc tế chiếm 10%; kéo theo doanh thu du lịch tăng bình quân 32% - 35%/năm. Ngay cả những tháng đầu năm 2009, mặc dù bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng lượng du khách cả trong và ngoài nước đến Bình Thuận vẫn tiếp tục tăng gần 12%. Công suất buồng, phòng thường xuyên đạt từ 55% - 58%; vào các dịp lễ, tết, các kỳ nghỉ hè... tỷ lệ đó thường đạt trên 90%.
Như vậy, có thể nói, so với 9 năm về trước, du lịch Bình Thuận đã có một bước tiến dài. Những cái tên Mũi Né, Hòn Rơm, đồi cát bay Mũi Né, Bàu Trắng... đã trở nên quen thuộc và là điểm đến của các du khách trong và ngoài nước.
Có được những kết quả bước đầu nói trên là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ, kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành và địa phương thông qua hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch; cùng với sự nỗ lực, năng động, sáng tạo trong hoạt động của Hiệp hội Du lịch tỉnh và sự tâm huyết của các doanh nghiệp trong việc tạo dựng nên thương hiệu du lịch Bình Thuận hôm nay.
Nhận rõ những bất cập, đề ra những giải pháp phù hợp
Những kết quả nêu trên chưa thể nói là tương xứng với tiềm năng và những lợi thế so sánh của du lịch BìnhThuận. Du lịch Bình Thuận vẫn đang đứng trước những thách thức và áp lực không nhỏ. Về khách quan, đó là sự cạnh tranh gay gắt từ những trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước, khu vực và quốc tế như: Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt (Việt Nam) hay Pa-tay-a, Phu-ket (Thái Lan), Ba-li (In-đô-nê-xi-a) v.v.. Về chủ quan, kết cấu hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, yếu kém, thiếu toàn diện, số dự án chưa tác động vẫn còn nhiều. Việc thuê đất, đền bù, giao đất, lập hồ sơ thủ tục để xây dựng chưa được giải quyết triệt để... dẫn đến tâm lý ngại đầu tư. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường sinh thái chưa được quan tâm đúng mức; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị văn hóa đặc trưng của tỉnh chưa được khai thác và phát huy đúng mức; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thấp. Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tuy có cố gắng song chưa thực sự hấp dẫn du khách. Công tác quản lý nhà nước về du lịch còn lúng túng, thiếu tính chuyên nghiệp.
Để phát huy những lợi thế về du lịch, phấn đấu đến năm 2010, Bình Thuận có thể đón 3 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế trên 10%; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.500 tỉ đồng; trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đang tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện có hiệu quả một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, rà soát lại quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh và từng khu vực, xử lý tốt các mâu thuẫn đặt ra giữa phát triển du lịch với phát triển thủy sản và công nghiệp, bảo đảm kinh tế tỉnh nói chung và du lịch nói riêng cùng với các ngành khác phát triển một cách hài hòa, bền vững và đạt hiệu quả cao nhất. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thuê đất, đền bù, giao đất, lập hồ sơ thủ tục triển khai xây dựng, nhằm huy động tối đa các nguồn lực, đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng và phát triển du lịch, nhất là các khu và điểm du lịch trọng điểm.
Tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thực tế để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án còn lại; kiên quyết thu hồi những dự án xét thấy chủ đầu tư không có năng lực thực sự. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí; ưu tiên khuyến khích đầu tư để hình thành các tổ hợp du lịch - thể thao quốc tế hoặc các dự án gắn với du lịch sinh thái và các dịch vụ thể thao trên biển như lặn biển, mô-tô nước, ván trượt, dù lượn. Chú trọng tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, khôi phục bảo tồn và phát triển các lễ hội truyền thống một cách chính quy và đồng bộ.
Hai là, trước mắt, tập trung củng cố, nâng chất lượng khu du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né; khuyến khích các dự án mới đầu tư vào các vùng đang có tiềm năng như: Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, La Gi, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh... Chú trọng thu hút đầu tư để cải thiện kết cấu hạ tầng du lịch như: nâng cấp tuyến đường bộ nối các điểm, các khu du lịch (Phan Thiết - ga Mương Mán, Phan Thiết - Hàm Thuận - Đông Giang - Đa Mi...). Kêu gọi đầu tư xây dựng các tuyến xe buýt nội tỉnh; đầu tư xây dựng ga Phan Thiết hiện đại để đón du khách đến Bình Thuận bằng xe lửa. Xây dựng hệ thống vận tải thủy, cầu tàu phục vụ khách du lịch.
Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; cảng nước sâu Kê Gà; sân bay ở khu vực Hòa Thắng để rút ngắn thời gian du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phan Thiết và có khả năng đón trực tiếp khách quốc tế qua sân bay và cảng. Nâng cao chất lượng khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né thành khu du lịch cao cấp và là khu du lịch quốc gia. Tiếp tục triển khai các dự án ở khu vực La Gi, Thuận Quý, Tân Thành (Hàm Thuận Nam), Tiến Thành (Phan Thiết), Hòa Thắng (Bắc Bình) và khu vực Hàm Thuận - Đa Mi (Hàm Thuận Bắc); Thác Bà (Tánh Linh) v.v..
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch; trong đó tập trung tuyên truyền về các cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nhằm tiếp tục thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư phát triển du lịch với hướng ưu tiên các dự án có quy mô lớn, chất lượng cao. Tăng cường đầu tư xúc tiến quảng bá du lịch, nhất là tích cực tham gia các hội thảo, hội chợ quảng bá sản phẩm du lịch Bình Thuận cả trong và ngoài nước. Đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm du lịch gắn với không ngừng nâng cao chất lượng các loại dịch vụ phục vụ trên cơ sở đi sâu khai thác và phát huy tối đa các lợi thế so sánh về biển, đồi, rừng; những giá trị văn hóa, những nét đặc trưng riêng có của địa phương như các nét độc đáo về ẩm thực, các di tích lịch sử, những lời ca, điệu múa... Bên cạnh phát triển các dịch vụ cao cấp, cần đi sâu nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của du khách cả về ăn uống, vui chơi, mua sắm hướng đến phục vụ cho số đông du khách.
Bốn là, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Đây là nhiệm vụ vừa có tính cấp bách, vừa có tính thường xuyên và lâu dài. Để có một đội ngũ làm du lịch “chính quy - tinh nhuệ - hiện đại”, cần có kế hoạch đào tạo bài bản, “dài hơi” và khả thi; trong đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp du lịch và nhân dân trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng. Phương pháp, nội dung giảng dạy cần ngắn gọn, thiết thực và gắn với thực tế hơn. Xác lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các tổ chức gồm nhà trường, nhà doanh nghiệp du lịch; từ đó có tiếng nói chung trong đào tạo và thực hành, giúp sinh viên có việc làm ngay khi ra trường, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành du lịch.
Năm là, chú trọng bảo vệ môi trường, bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa - xã hội, môi trường đầu tư và môi trường kinh doanh, nhất là vấn đề vệ sinh, an ninh trật tự, quản lý giá cả, bảo vệ cảnh quan, hình thành nếp sống văn hóa, thói quen ứng xử văn minh của cộng đồng... Xây dựng môi trường lành mạnh, thân thiện là một nhân tố cốt yếu để duy trì và phát triển bền vững du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; mở các lớp tập huấn phổ biến Luật Du lịch, Luật Môi trường và các nghị định hướng dẫn cho cộng đồng lẫn các nhà kinh doanh du lịch. Quy hoạch, khôi phục và mở rộng diện tích cây xanh, thảm thực vật vùng ven biển, đi đôi với xây dựng và thực hiện quy chế quản lý riêng về kiến trúc, diện tích khuôn viên cây xanh, thảm thực vật v.v..
Sáu là, đẩy mạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch một cách đồng bộ, toàn diện theo hướng ngày càng hiện đại; đi đôi với hoàn thiện cơ chế, chính sách thuê đất, đền bù, giao đất, lập hồ sơ thủ tục triển khai xây dựng... nhằm huy động tối đa các nguồn lực vào đầu tư xây dựng và phát triển các loại hình du lịch, trước hết là tại các khu vực trọng điểm đã được quy hoạch.
Với sự ưu đãi của thiên nhiên, nhất là trên cơ sở những lợi thế so sánh của địa phương; cùng với những kinh nghiệm được tích lũy trong những năm qua và sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân; các nhà đầu tư và đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong ngành; tin tưởng rằng, “ngành công nghiệp không khói” của Bình Thuận sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh, mạnh và bền vững hơn, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhanh chóng hội nhập vào khu vực miền Trung và cả nước cũng như quốc tế./.
WTO đặt mục tiêu kết thúc vòng đàm phán Đô-ha năm 2010  (04/12/2009)
Liên hợp quốc dự báo kinh tế thế giới tăng 2,4% năm 2010  (04/12/2009)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam cam kết nỗ lực nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA  (04/12/2009)
Đã đến lúc cần đổi mới Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu  (04/12/2009)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay