Đã đến lúc cần đổi mới Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu
TCCSĐT - Ngày 2-12-2009, tại A-phin (Hy Lạp), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã kết thúc với trọng tâm thảo luận là các vấn đề an ninh trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương.
Sự cần thiết phải đổi mới OSCE
Tiền thân của OSCE được thành lập vào đầu những năm 1970 theo sáng kiến của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, với tên gọi ban đầu là Hội nghị An ninh và hợp tác châu Âu, một diễn đàn đa phương để đối thoại và thương lượng giữa Đông Âu và Tây Âu. Đến năm 1994, tại Hội nghị thượng đỉnh Bu-đa-pét, diễn đàn này được đổi tên thành Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE - Organization For Security and Cooperation in Europe). Với 56 quốc gia thành viên, bao gồm các nước ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Á, có vị trí địa lý trải dài từ Van-cô-vơ (Ca-na-đa) tới Vla-đi-vô-xtốc (Nga), OSCE không chỉ là công cụ của khu vực nhằm cảnh báo sớm, ngăn chặn xung đột, kiểm soát khủng hoảng và khôi phục sau xung đột mà còn là một trong những tổ chức an ninh và hợp tác lớn nhất thế giới, có vai trò thúc đẩy an ninh thông qua hợp tác ở châu Âu.
Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của OSCE là kiểm soát vũ khí, ngoại giao phòng ngừa, các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh, nhân quyền, giám sát bầu cử, an ninh kinh tế, an ninh môi trường. Các nước thành viên đều bình đẳng và mọi quyết định đều dựa trên cơ sở đồng thuận. Về cơ cấu tổ chức, OSCE gồm: Hội đồng thường trực - cơ quan tư vấn chính trị và ra quyết định (họp hằng tuần); Hội đồng cấp cao và Hội đồng ngoại trưởng (họp mỗi năm một lần); Hội nghị thượng đỉnh (họp 2 năm một lần); Chủ tịch luân phiên - chịu trách nhiệm chung về điều hành (luân phiên hằng năm giữa các nước thành viên); Tổng Thư ký - đại diện cho Chủ tịch luân phiên quản lý các cơ cấu và hoạt động chung (nhiệm kỳ 3 năm); Ban Thư ký - cơ quan soạn thảo văn kiện và thu thập thông tin. Ngoài ra còn một số cơ quan khác như Văn phòng liên lạc ở Trung Á, Văn phòng phụ trách các thể chế dân chủ và nhân quyền, Cao ủy phụ trách vấn đề dân tộc thiểu số của các quốc gia.
Sau khi Liên Xô tan rã, “chiến tranh lạnh” kết thúc, các nguy cơ an ninh và tính chất hợp tác ở châu Âu đã thay đổi căn bản, lẽ ra OSCE đã phải được đổi mới. Tuy nhiên, do Mỹ và các nước NATO vẫn chưa chịu từ bỏ di sản tư duy từ thời đối đầu giữa hai hệ thống chính trị thế giới, NATO tiếp tục mở rộng sang phía đông, nên tổ chức này vẫn duy trì hoạt động theo lối cũ. Gần đây, sau hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Nga V.Pu-tin, nước Nga đã lấy lại vị thế của một cường quốc và dưới thời Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép, nước Nga tiếp tục phát triển, bắt đầu có tiếng nói và ảnh hưởng nhất định ở châu Âu. Đặc biệt, vừa qua, sau khi Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đề xuất Hiệp ước An ninh châu Âu, nhiều nước ở châu Âu nhận thấy đã đến lúc phải đổi mới tổ chức và hoạt động của OSCE.
Tạo bước chuyển biến mới
Trong hai ngày Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp, đại diện của Liên bang Nga, đưa ra đề nghị tiếp tục tiến trình đổi mới OSCE và phục hồi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (viết tắt là CFE - Treaty on Conventional Armed Forces in Europe).
Về đổi mới OSCE, theo tin của Hãng thông tấn “Novosti” của Nga, trong khuôn khổ cuộc hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao lần này, Nga đề nghị thảo luận về vai trò của OSCE trong cuộc đấu tranh chống lại các nguy cơ an ninh và gây mất ổn định xuyên quốc gia, phối hợp hoạt động nhằm thống nhất các nguyên tắc ngăn ngừa và giải quyết xung đột, không để xảy ra các vụ việc tương tự như cuộc chiến tranh ở Nam Cáp-ca. Trong hội nghị lần này, các bên thảo luận Hiệp ước An ninh châu Âu do Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đề xuất, nhằm xóa bỏ tàn dư của “chiến tranh lạnh” và xây dựng hệ thống duy trì ổn định mới ở châu Âu.
Về CFE, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp đề nghị, đại diện các nước tham dự hội nghị OSCE lần này thảo luận thẳng thắn và công khai, nhằm phục hồi hiệu lực của Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu. Hiệp ước CFE từng được 16 nước thành viên NATO và 6 nước thành viên khối quân sự Hiệp ước Vác-xa-va ký kết ngày 19-12-1990 ở Pa-ri và có hiệu lực từ ngày 9-11-1992. Hiệp ước này quy định sự cân bằng lực lượng của các nước thành viên tham gia hai liên minh quân sự ở mức thấp nhất, đồng thời, hạn chế các nước triển khai lực lượng thông thường dọc biên giới giữa hai khối quân sự để tránh một cuộc tiến công quân sự bất ngờ và ngăn chặn chiến tranh quy mô lớn ở châu Âu.
Trước sức ép NATO không ngừng mở rộng sang phía đông, ngày 12-12-2007, theo sắc lệnh do Tổng thống Nga V.Pu-tin đã ký, Nga chính thức tuyên bố ngừng tham gia CFE nhưng vẫn cam kết không có kế hoạch tăng quân trên quy mô lớn. Việc tạm ngừng tham gia CFE có nghĩa là quân đội Nga có thể được di chuyển khắp trên lãnh thổ quốc gia mà không cần thông báo với NATO. Bộ Ngoại giao Nga nói rằng, Nga không còn bị hạn chế trong việc triển khai vũ khí trên các đường biên giới của nước này. Về lý thuyết, Nga có thể tái tham gia CFE bất kỳ lúc nào một khi căng thẳng trong quan hệ Nga - NATO được tháo gỡ. Lý do để Nga ngừng tham gia CFE là các thành viên NATO không phê chuẩn phiên bản CFE sửa đổi năm 1999 có tính tới những thay đổi lớn sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Các nước thuộc NATO nói rằng, họ không thể phê chuẩn phiên bản sửa đổi 1999 do quân đội Nga vẫn hiện diện ở Gru-di-a và Môn-đô-va, vi phạm CFE. Nga đã bác bỏ cáo buộc này và cho rằng, hai việc này không liên quan tới nhau.
Trong hội nghị lần này, các bên vẫn chưa hóa giải được những bất đồng đã từng buộc Nga phải ngừng tham gia CFE năm 2007. Tuy nhiên, kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao các nước OSCE đã thống nhất, trong giai đoạn tiếp theo sẽ thể chế hoá các cuộc đối thoại về nền an ninh tương lai của châu Âu cũng như vì lợi ích của tất cả các nước trên châu lục này./.
Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép công bố Dự thảo Hiệp ước An ninh châu Âu  (04/12/2009)
Bắc Ninh tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (03/12/2009)
Cần có sự chung tay, góp sức của tất cả các quốc gia trên thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu  (03/12/2009)
Nghị quyết về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại Tập Ðoàn, Tổng công ty nhà nước  (03/12/2009)
Bắc Giang làm theo lời Bác  (03/12/2009)
Sự phục hưng của nước Nga: Dự báo trong 15-20 năm tới  (03/12/2009)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay