Kiểm tra chặt các thủy điện nhỏ chây ỳ tiền dịch vụ môi trường rừng
Hội nghị do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các sở, ngành, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của 36 tỉnh, thành.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, sau ba năm thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khẳng định sự phù hợp với xu hướng quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, được các bên liên quan thực hiện tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.
Chính sách đã tạo lập một nguồn lực tài chính mới, ổn định, bền vững phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng; góp phần nâng cao đời sống người dân sống gắn bó với rừng.
Đến nay, hệ thống văn bản quy dịnh, hướng dẫn thực hiện chính sách đã dần được hoàn chỉnh với trên 20 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có bốn thông tư hướng dẫn chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được ban hành.
Đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng, dựa vào đó các đơn vị, địa phương hoàn toàn có thể chủ động triển khai vận hành, tiến hành ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng để thu nộp, có kế hoạch triển khai chi trả tiền dịch vụ cho các chủ rừng.
Đến nay, đã có 36 tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 32 tỉnh đã ổn định tổ chức bộ máy hoạt động. Toàn quốc đã ký được 351 hợp đồng ủy thác với các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng thu tiền dịch vụ để chi trả cho chủ rừng.
Sau hơn ba năm, cả nước đã thu được hơn 3.329 tỷ đồng chi trả cho chù rừng. Tỷ lệ giải ngân bình quân chung đến các chủ rừng đạt trên 70%. Nguồn tiền này đã đóng góp rất lớn vào công tác bảo vệ và phát triển rừng; bảo đảm kinh phí duy trì bảo vệ diện tích rừng bình quân đạt từ 2,8 - 3,37 triệu ha rừng/năm.
Bên cạnh đó, chính sách đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Mức thu nhập bình quân hằng năm của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của cả nước đạt 1,8 triệu đồng/hộ/năm.
Tại một số nơi, đơn giá chi trả bình quân trên 01 ha rừng cao hơn cả mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng (200.000 đồng/ha/năm).
Tỉnh Lâm Đồng cho biết mức thu nhập bình quân của hộ gia đình nhận khoán trên địa bàn là trên 8 triệu đồng/hộ/năm, con số này ở Bình Phước là 7,2 triệu đồng/hộ/năm, Kon Tum là trên 5,7 triệu đồng/hộ/năm.
Không chỉ có ý nghĩa với đời sống đồng bào, nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng còn góp phần giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các Ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp, giúp các công ty khôi phục sản xuất, thoát khỏi nguy cơ bị giải thể, phá sản trong bối cảnh nhà nước có chủ trương hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác gỗ từ rừng tự nhiên.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một sáng kiến được quốc tế đánh giá cao và được xã hội rất ủng hộ, mặc dù diện tích rừng chưa nhiều nhưng Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện chính sách này.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có tác dụng nâng cao nhận thức của người sử dụng, giúp cho người trồng rừng được cải thiện đời sống, công tác bảo vệ rừng được tăng thêm nguồn vốn đầu tư, đưa dịch vụ môi trường trở thành dịch vụ hàng hóa. Kết quả đó góp phần phát triển bền vững việc sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường.
Việt Nam là quốc gia rất thiếu nước và chịu tác động ngày càng nặng nề của môi trường. Do đó, hơn ai hết, chính chúng ta phải tích cực bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thủy của mình.
Tuy nhiên, trong số năm loại dịch vụ môi trường rừng, hiện mới chỉ thu được ba loại dịch vụ là thủy điện, nước sạch và du lịch, còn hai dịch vụ là hấp thụ, lưu giữ cácbon và cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn con giống sử dụng nguồn nước từ rừng tự nhiên trong nuôi trồng thủy sản vẫn chưa triển khai thu theo quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP, trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh triển khai chính sách hơn nữa.
Chỉ rõ việc một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, công suất dưới 30 MW thuộc sở hữu tư nhân cố tình chây ỳ, tìm nhiều lý do để trì hoãn việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, Phó Thủ tướng khẳng định thực tế mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện là quá nhỏ, các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc, phải tuyên truyền để doanh nghiệp thấy được trách nhiệm trong việc sử dụng cả nguồn nước và lưu vực.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty thủy điện rà soát, ký kết lại các hợp đồng mua bán điện có tiền dịch vụ môi trường trong cơ cấu giá điện; kiểm tra chặt các nhà máy thủy điện nhỏ chây ỳ, không chịu nộp tiền dịch vụ môi trường rừng cho các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, hướng dẫn thực hiện nghiêm theo quy định.
Các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, tuyên truyền phổ biến chính sách, đôn đốc các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng thực hiện nghiêm việc thu nộp tiền theo quy định; kiện toàn tổ chức bộ máy Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo hướng gọn nhẹ; lồng ghép thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với việc bảo vệ, phát triển rừng và các chính sách khuyến khích, phát triển lâm nghiệp khác có liên quan.
Với những bất cập trong chính sách dẫn đến chênh lệch về mức chi trả, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa huy động hết các nguồn thu, Phó Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2010/NĐ-CP hợp lý.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá các vướng mắc, trên cơ sở đó có các giải pháp để thực hiện trong những năm tiếp theo; phối hợp với Bộ Tài chính có giải pháp xử lý về chi phí quản lý và nguồn thu với diện tích rừng tự quản theo Thông tư 62/TTLT-BNNPTNT-BTC; rà soát, sửa đổi, bảo đảm sự thống nhất giữa quy định tại Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng và Thông tư 85/2012/TT-BTC về hướng dẫn chế độ tài chính cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch quy định tiêu chí thành lập, mô hình tổ chức và phân cấp quản lý các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp./.
Sẵn sàng tạo điều kiện để doanh nghiệp Séc đầu tư vào Việt Nam  (20/09/2014)
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thăm chính thức Singapore  (20/09/2014)
Xem xét thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch đô thị du lịch Sa Pa  (20/09/2014)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad  (20/09/2014)
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2014 - 2019  (20/09/2014)
Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa Armenia  (20/09/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên