Ba năm chưa phân định

Phan Lang
21:27, ngày 25-06-2014

TCCSĐT - So với những nơi khác xảy ra chính biến ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông, biến động chính trị - an ninh ở Xy-ri bùng nổ muộn hơn nhưng lại kéo dài lâu hơn. Sau ba năm, tình hình ở đây vẫn dền dứ giữa giao tranh vũ trang và đàm phán, giữa chủ ý tiêu diệt và khiên cưỡng đối thoại với nhau, giữa can thiệp trực tiếp và dàn xếp từ bên ngoài. Kết cục đến nay là chưa có gì được phân định.

Nội chiến vẫn tiếp diễn cho dù khuôn khổ diễn đàn đàm phán trực tiếp nhằm vươn tới giải pháp chính trị đã được định hình. Các phe liên quan ở trong cũng như ngoài Xy-ri đều có cái để coi là được và mất, đều lợi dụng lẫn nhau và biến nhau thành con tin. Hàng triệu người bỗng dưng trở thành dân tỵ nạn chiến tranh đến mức Liên hợp quốc coi đó là thảm họa tỵ nạn lớn nhất trong lịch sử ở khu vực này. Tất cả những điều trên là thực trạng hiện tại ở Xy-ri sau ba năm. Kết quả cụ thể đáng kể nhất sau khoảng thời gian ấy xem ra có lẽ chỉ là triển vọng giải quyết dứt điểm vấn đề vũ khí hóa học ở nước này.

Ba năm chưa được phân định bởi vấn đề Xy-ri không đơn thuần chỉ là chuyện tranh giành quyền lực giữa phe nổi dậy chống chính phủ và phía chính phủ của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát mà còn là chuyện ganh đua ảnh hưởng và vai trò của các đối tác bên ngoài. Hai phe phái ở Xy-ri không thể tự phân định cuộc đối địch này bởi không bên nào đủ mạnh để đánh bại bên kia cả về quân sự lẫn chính trị và bởi họ đều đã trở thành con bài trong cuộc chơi của các đối tác bên ngoài.

Không có sự hậu thuẫn của Mỹ, EU và một số đồng minh khác ở khu vực, phe chống Chính phủ ở Xy-ri sẽ ngày càng thất thế trước ưu thế quân sự của phía chính phủ. Nhưng nếu không có chỗ dựa là Nga thì phe Chính phủ ở Xy-ri chắc chắn đã không tránh khỏi chuyện phải đương đầu với cuộc chiến tranh như những nước thành viên NATO và đồng minh ở khu vực đã từng tiến hành ở Li-bi. Vì thế, cho tới khi dàn xếp được với nhau về thoả thuận cho giải pháp chính trị, các đối tác bên ngoài này sẽ còn để cho hai phía đối địch nhau ở Xy-ri tiếp tục dền dứ cả trên chiến trường lẫn trong đàm phán hoà bình.

Khác với Li-bi, kết cục ở Xy-ri có tác động mạnh mẽ, sâu sắc và cơ bản hơn nhiều đến toàn bộ cục diện chính trị an ninh ở khu vực này. Kết cục ấy tác động trực tiếp đến tương quan lực lượng trong nội bộ thế giới A-rập, tới an ninh của I-xra-en và triển vọng tiến trình hòa bình ở Trung Đông, tới triển vọng ổn định chính trị - xã hội ở các vương triều trong Vùng Vịnh, tới vị thế và ảnh hưởng tương lai của ba quốc gia đang muốn nhân cơ hội này vươn tới tầm vóc cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ, I-ran và A-rập Xê út. Cũng vì thế mà nó còn có tác động mạnh mẽ tới việc giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran và mối quan hệ giữa Iran với Mỹ, EU và các đồng minh của họ trong khu vực.

Sau ba năm, điều nổi bật hơn cả là việc Mỹ và Nga cùng nhau tạo nên cơ chế dàn xếp quyết định nhất mà giải pháp cho vấn đề vũ khí hoá học ở Xy-ri mới chỉ là sự khởi đầu. Tất cả các đối tác khác, dù đứng ở phía Mỹ hay về phe Nga, đều chỉ sắm vai phụ. Hai phía đối địch nhau ở Xy-ri đều nhìn vào mức độ đồng thuận hay dị biệt giữa Mỹ và Nga để quyết định mức độ tiếp tục đối địch quân sự với nhau hay buộc phải đàm phán với nhau. Chuyện ở Xy-ri dai dẳng ba năm vẫn chưa phân định chính vì tình trạng đó và mọi dấu hiệu đến nay đều cho thấy cả trong thời gian tới vẫn chưa có thể khác.

Làn sóng chính biến ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông đã đưa lại những kết cục rất khác nhau, có thay đổi và đảo ngược. Ở Xy-ri sau ba năm, chiều hướng diễn biến nào cũng đều có khả năng xảy ra như nhau trong thời gian tới./.