Các nước ASEAN 5 với vấn đề an ninh con người
Cùng với sự kết thúc của "chiến tranh lạnh", sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó yếu tố con người được đặt vào vị trí trung tâm khiến thế giới quan tâm nhiều hơn đến việc xem xét đối tượng, cách tiếp cận về an ninh con người khái niệm chứa đựng nhiều nội dung hết sức nhạy cảm như vấn đề chủ quyền và nhân quyền, thay đổi chức năng của nhà nước trong bối cảnh mới hiện nay...
Khái quát về thuyết "an ninh con người" và những đặc điểm của nó
Thuật ngữ an ninh con người, tuy được diễn giải bằng nhiều cách, nhưng chung quy là sự sinh tồn, của cải vật chất và sự tự do của con người không bị uy hiếp và xâm phạm. Nói cách khác, nguy cơ đe dọa sự sinh tồn, cuộc sống thường ngày và phẩm giá của con người được loại khỏi đời sống xã hội của con người(1). Trong bối cảnh quốc gia - dân tộc là chủ thể chính, chi phối đời sống trong nước và quốc tế, khái niệm an ninh con người không phủ nhận vai trò của nhà nước và các quan niệm an ninh truyền thống, mà chỉ là sự bổ sung, đổi mới cách tiếp cận và là một bộ phận cấu thành quan trọng của quan niệm an ninh quốc gia mới.
Khái niệm an ninh con người được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1994 trong "Báo cáo hằng năm về sự phát triển con người" của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Theo bản báo cáo này, có 7 phương diện liên quan đến an ninh con người, bao gồm:
- An ninh kinh tế (bảo đảm việc làm và thu nhập);
- An ninh lương thực (không bị thiếu ăn);
- An ninh sức khỏe (không bị dịch bệnh);
- An ninh môi trường (không bị ô nhiễm về không khí, nguồn nước);
- An ninh thân thể (không bị đe dọa hay dùng vũ lực);
- An ninh cộng đồng (duy trì bản sắc văn hóa, đặc trưng của dân tộc);
- An ninh chính trị (bảo đảm quyền tự do cơ bản của con người).
Từ các phương diện trên, có thể khái quát những đặc điểm chính của thuyết an ninh con người như sau:
1- Khái niệm an ninh con người được đưa ra là một thách thức đối với quan niệm an ninh truyền thống (coi quốc gia - dân tộc và chính quyền nhà nước là chủ thể chính, đóng vai trò trọng tâm trong bảo đảm an ninh). Giờ đây, thuyết mới lại đặt con người là trung tâm, coi an ninh và tôn nghiêm con người là chính. Mục tiêu hàng đầu mà an ninh đạt tới là bảo đảm cho con người (cá nhân và cộng đồng) có một đời sống an bình, thịnh vượng, không bị đe dọa từ các phía.
2 - Tuy khái niệm an ninh con người được xem xét trên bình diện rộng, bao gồm hầu như toàn bộ các khía cạnh đời sống của con người và xã hội, nhưng điểm nhấn và tập trung nhất của nó là vấn đề nhân quyền, trong đó đặc biệt coi trọng "chủ quyền cá nhân".
Đặt an ninh con người vào vị trí cao hơn an ninh quốc gia, coi nhân quyền cao hơn chủ quyền như vậy sẽ xem nhẹ hay thậm chí bỏ qua tiến trình lịch sử của dân tộc và nhân loại, xóa bỏ những nguyên tắc cơ bản của hệ thống quan hệ quốc tế, trong đó quốc gia - dân tộc và nhà nước là chủ thể chính, đối tượng an ninh hàng đầu cần được bảo vệ. Vì vậy, tuyệt đối hóa an ninh con người sẽ là nguy hiểm, làm suy yếu nhà nước, quốc gia - dân tộc, tạo ra sự bất ổn, nhất là đối với các nước có trình độ dân trí thấp, kinh tế kém phát triển. |
3 - Từ việc nhấn mạnh đến "an ninh cho ai", "an ninh của ai", thuyết này đã góp phần quan trọng trong việc xác định ranh giới giữa an ninh truyền thống và phi truyền thống, giữa sử dụng bạo lực và phi bạo lực trong duy trì an ninh. Từ đó có thể đưa ra một chương trình hành động mang tính chính trị nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các thực thể trong xã hội, nhất là giữa chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, giữa cá nhân và tập thể, giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế vì sự phát triển của con người. Tính chủ động và tích cực cũng như những ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau giữa các thực thể trong xã hội mà thuyết an ninh con người đã chỉ ra là một đóng góp quan trọng trong việc điều chỉnh và thực thi chính sách an ninh mới cho mỗi quốc gia - dân tộc và phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, thuyết an ninh con người đề cập quá rộng phạm vi an ninh con người. Vì vậy, rất khó cho chính phủ trong việc xác định cụ thể lĩnh vực ưu tiên. Các tổ chức phi chính phủ khó có thể thông hiểu và bao quát tất cả các vấn đề an ninh. Còn cá nhân lại càng khó hơn khi đặt mục tiêu nào vừa có lợi cho mình lại vừa có tính khả thi cao.
Tóm lại, khái niệm an ninh con người do UNDP đưa ra, có tính khả thi không cao trong thực hiện một giải pháp tổng thể gồm 7 nhóm vấn đề. Thêm vào đó, thuyết này đặt an ninh con người vào vị trí cao hơn an ninh quốc gia, coi nhân quyền cao hơn chủ quyền; như vậy sẽ xem nhẹ hay thậm chí bỏ qua tiến trình lịch sử của dân tộc và nhân loại, xóa bỏ những nguyên tắc cơ bản của hệ thống quan hệ quốc tế, trong đó quốc gia - dân tộc và nhà nước là chủ thể chính, đối tượng an ninh hàng đầu cần được bảo vệ. Vì vậy, tuyệt đối hóa an ninh con người sẽ là nguy hiểm, làm suy yếu nhà nước, quốc gia - dân tộc, tạo ra sự bất ổn, nhất là đối với các nước có trình độ dân trí thấp, kinh tế kém phát triển. Và hệ quả cuối cùng rất có thể dẫn tới việc hạn chế các khả năng bảo đảm an ninh cho chính con người.
Cách tiếp cận của các nước ASEAN 5(2) về an ninh con người
Xuất phát từ truyền thống, "triết lý" văn hóa chiến lược, văn hóa chính trị(3) và thực tiễn lịch sử cũng như đặc điểm về địa - chính trị, sinh thái nhân văn của mỗi nước, ASEAN và các nước thành viên dần hình thành quan điểm của mình về an ninh nói chung, an ninh con người nói riêng.
In-đô-nê-xi-a đất nước của hàng ngàn hòn đảo với sự phức tạp về sắc tộc và tôn giáo luôn bị ám ảnh bởi sự thống nhất lãnh thổ, đã cho ra đời khái niệm sức đề kháng dân tộc, tự cường dân tộc (ketahanan national), theo đó, an ninh được nhìn nhận đa chiều và toàn diện, từ an ninh con người đến ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm chủ quyền quốc gia - dân tộc. Điều này được ghi trong luật pháp của nước này như sau: "ý chí, lòng quyết tâm, tính kiên định mạnh mẽ kết hợp với khả năng tạo dựng sức mạnh dân tộc để đối mặt và vượt qua mọi đe dọa bên trong lẫn bên ngoài, trực tiếp hay gián tiếp gây nguy hiểm cho bản sắc dân tộc In-đô-nê-xi-a hay phong cách sống của dân tộc và nhân dân"(4). Với quan điểm trên, cách nhìn nhận của In-đô-nê-xi-a nghiêng về "an ninh toàn diện" (comprehensive security) do Nhật Bản đưa ra từ thập niên 70 của thế kỷ XX; theo đó, an ninh không chỉ là theo đuổi một nền hòa bình và phát triển bền vững ở tất cả các phương diện của đời sống con người, xã hội và tự nhiên, mà còn nhấn mạnh đến tính chất phi bạo lực trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp.
Tuy nhiên, trong thập niên gần đây, khi các vấn đề của an ninh phi truyền thống nổi lên, đe dọa nhiều hơn đến an ninh quốc gia, In-đô-nê-xi-a đã điều chỉnh cách tiếp cận về an ninh, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố hay đối tượng con người. Điều này được thể hiện khá rõ qua các bài phát biểu của Tổng thống B.G. Su-li-lô liên quan đến xây dựng cộng đồng an ninh ASEAN: ngày nay "khái niệm an ninh đã được mở rộng nhiều hơn. Không còn chỉ là bảo vệ Tổ quốc chống lại xâm lược của quân đội nước ngoài..., mà khái niệm an ninh được mở rộng tới cái được gọi là "an ninh con người". Do vậy, nhà nước "có trách nhiệm chung bảo vệ sự toàn vẹn con người về thể chất và phẩm giá của họ, dù họ chỉ có một mình hoặc là một bộ phận của một nhóm, chống lại các cuộc tấn công, dù chúng là bọn khủng bố, tội phạm thông thường hay cúm gia cầm hoặc sóng thần". Tiếp đến, Ông Su-li-lô còn đi xa hơn khi cho rằng: "Con người phải được bảo vệ ngay, và đặc biệt là khi kẻ tấn công là chính quyền nhà nước"(5). Có thể nói, đây là một thông điệp mới, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Su-li-lô đối với khái niệm an ninh con người mà các tổng thống trước đó của In-đô-nê-xi-a chưa có dịp bày tỏ quan điểm. Chính cách tiếp cận mới này đã và đang thổi một luồng gió mới thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa ở In-đô-nê-xi-a, góp phần hiện thực hóa cộng đồng ASEAN.
Ma-lai-xi-a là một quốc gia có hai miền Đông - Tây bị chia cắt bởi khoảng cách biển rộng lớn; hết sức đa dạng và phức tạp về sắc tộc và tôn giáo, nên trong cách nhìn về văn hóa chiến lược và an ninh cũng luôn nhấn mạnh đến an ninh toàn diện. Quan điểm đó được phản ánh trong "Học thuyết an ninh toàn diện của Ma-lai-xi-a" do Phó Thủ tướng Đa-túc Mu-sa Hi-tam đưa ra vào tháng 3-1984. Quốc gia này cho rằng, muốn có an ninh, cùng lúc phải coi trọng phát triển kinh tế, thống nhất quốc gia - dân tộc và cải thiện các mối đe dọa phi quân sự. Để đạt được điều này cần tạo ra 3 trụ cột: thứ nhất, bảo đảm an ninh cho Đông - Nam Á; thứ hai, bảo đảm cho "một cộng đồng ASEAN vững mạnh và hoạt động có hiệu quả"; thứ ba, xây dựng một đất nước "Ma-lai-xi-a an ninh vững mạnh". Cách nhìn nhận này cũng được cựu Thủ tướng Ma-ha-thia Mô-ha-mét chia sẻ, rằng: "nền an ninh quốc gia không thể tách rời sự ổn định về chính trị, thành công về kinh tế và hòa hợp về xã hội. Không có những yếu tố này thì tất cả các loại súng trên thế giới đều không thể ngăn chặn hay đánh bại được kẻ thù của mình"(6).
Trong những năm gần đây, do nhu cầu xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nước này đã từng bước điều chỉnh cách tiếp cận an ninh của mình, coi yếu tố con người là một trong những thành tố chính cấu thành an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập khu vực và thế giới. Điều này được thể hiện qua bản Hiến chương ASEAN được thông qua tháng 11-2007. |
Nhấn mạnh thuyết an ninh toàn diện, Ma-lai-xi-a có phần "không mặn mà" với khái niệm an ninh con người. Điều này được thể hiện một phần qua bài phát biểu của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ma-lai-xi-a Sy-ét Ha-mít An-ba nhân dịp nước này thành lập ủy ban nhân quyền vào tháng 10 năm 1999. Cựu Bộ trưởng cho rằng, khái niệm an ninh con người mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Cô-phi An-nan đưa ra, quá nhấn mạnh đến "chủ quyền cá nhân" (individual sovereignty), và như vậy là "mỗi cá nhân quan trọng hơn nhà nước và xã hội". Theo luận điểm đó, "nhà nước là đày tớ của nhân dân. Lý lẽ đó sẽ là lý do để Liên hợp quốc hoặc bất cứ nước nào (đúng nhưng khó tin) vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của bất cứ nước nào khác vì lợi ích chủ quyền cá nhân"(7). Mặc dầu không trực tiếp chỉ trích khái niệm an ninh con người, nhưng Ma-lai-xi-a đã gián tiếp bày tỏ quan điểm của mình, không tán thành quan điểm coi nhân quyền cao hơn chủ quyền, chủ quyền cá nhân cao hơn chủ quyền quốc gia - dân tộc và lợi ích toàn xã hội.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Ma-lai-xi-a cũng trở nên mềm dẻo hơn trong việc tiếp cận khái niệm an ninh con người. Điều này được thể hiện qua lời phát biểu của Thủ tướng Ba-đa-uy nhân dịp kỷ niệm 39 năm thành lập ASEAN: "nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ các nước ASEAN là phải nâng cao tri thức và kỹ năng cho thế hệ trẻ, làm cho họ trở thành nguồn nhân lực có chất lượng và giá trị...", và "an ninh của cộng đồng sẽ được cải thiện khi đói nghèo và dịch bệnh được kiểm soát"(8).
Ám ảnh bởi "hội chứng nước nhỏ", lại nằm ở vị trí địa - chiến lược đa dạng về tộc người và văn hóa nên Xin-ga-po lựa chọn chiến lược "An ninh tổng lực". Cũng giống như hai nước trên, an ninh tổng lực hay an ninh tổng hợp bao gồm mọi khía cạnh của đời sống, từ "phòng vệ tâm lý" cho đến "phòng vệ xã hội" và "phòng vệ kinh tế", nhằm bảo đảm "mọi lĩnh vực trong xã hội đều được huy động và đều có vai trò trong nền an ninh của Xin-ga-po"(9). Chính cách tiếp cận trên, cho nên ngoài việc củng cố khả năng phòng thủ nội địa như thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, phát huy vai trò của lực lượng quốc phòng dự bị, mua sắm và nâng cấp các vũ khí, thiết bị hiện đại, mở rộng một cách có ý thức mối quan hệ với bên ngoài, Xin-ga-po còn coi trọng an ninh con người, nhưng không đặt chủ quyền cá nhân cao hơn chủ quyền quốc gia như một số nước phương Tây từng đưa ra. Nói tóm lại, cách tiếp cận của Xin-ga-po cũng thiên về an ninh toàn diện (hay tổng hợp) hơn là an ninh con người.
Quan niệm của Phi-lip-pin về an ninh con người cơ bản giống các nước thành viên ASEAN, ban đầu nghiêng về cách tiếp cận an ninh toàn diện; trong đó, an ninh được nhìn nhận trên tất cả phương diện từ an ninh con người đến an ninh cộng đồng xã hội, từ an ninh quốc gia đến ổn định của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, giới tinh hoa của Phi-lip-pin đề cao an ninh tương tác và sự phụ thuộc lẫn nhau trong bảo đảm an ninh chung, không quá đề cao chủ quyền quốc gia như nhiều nước Đông - Nam Á khác. Tổng thống G.A-rô-giô đã từng lập luận rằng: "trong một thế giới bấp bênh về an ninh và biến động liên tục về kinh tế, cá thể các nước Đông - Nam Á, ngay cả nước rộng lớn như In-đô-nê-xi-a hay tiên tiến như Xin-ga-po cũng không thể có hòa bình, phát triển và thịnh vượng được nếu không cùng nhau, đứng bên cạnh nhau, góp chung của cải, chia sẻ ngày càng nhiều mối quan tâm chung, tin tưởng lẫn nhau và ngày càng có chung một tiếng nói trong cộng đồng quốc tế"; rằng "chúng ta phải từ bỏ loại tư duy vốn tiếp tục đè nặng lên nhiều người, rằng chỉ cần tốt trong giới hạn các đường biên giới quốc gia, trong đó thị trường nội địa được bảo vệ và bảo đảm an ninh... Điều này không còn phù hợp trong thế giới hôm nay, ngay dù nó đã từng như vậy"(10).
Trong số các nước ASEAN, Thái Lan là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất khái niệm an ninh con người, nhất là từ thời Thủ tướng Chuôn Lệch-phai nắm quyền. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Su-rin Pit-su-oan tham dự hội nghị Lysoen năm 1999 đã kêu gọi các nước tham gia đi đến "một phương thức thống nhất để xử lý vấn đề an ninh con người một cách hài hòa và toàn diện". Ông nhấn mạnh rằng, "dù chúng ta nhận thức an ninh con người theo cách nào thì những mong muốn và những nỗi lo sợ cần phải được tính đến để có một cách hiểu đúng đắn về khái niệm an ninh con người. Trước đó, Thái Lan là nước khởi xướng "Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về an ninh con người" được tổ chức tại Ma-ni-la năm 1998. Tại diễn đàn này, ngài Su-rin đã nhấn mạnh đến an ninh con người và cho rằng: "biến động kinh tế và xã hội, nghèo khổ, bệnh tật, mù chữ, sự xa lánh, mất phương hướng của con người chắc chắn sẽ dẫn đến bạo lực, phiến loạn, bất ổn định và thiếu an ninh. Tất cả những điều trên sẽ ảnh hưởng đến những thành tựu mà chúng ta đạt được từ trước tới nay. Và những điều này chắc chắn sẽ đe dọa toàn khu vực nói chung". Khi ASEAN thông qua tuyên bố chung về vấn đề này, tên hội nghị đã được đổi thành "Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về mạng lưới an toàn xã hội". Điều này cho thấy, một số nước ASEAN lúc đó không "thoải mái" với một vài nội dung của khái niệm "an ninh con người", đặc biệt trong đó đề cao nhân quyền và chủ quyền cá nhân(11).
Sự nhất quán của Thái Lan trong việc ủng hộ thuyết an ninh con người được biểu hiện khá rõ nét trong các bài phát biểu của các nhân vật cấp cao nhà nước liên quan đến xây dựng cộng đồng ASEAN. Ngài Ka-vi Chong-ki-ta-vôn, một quan chức cấp cao trong Chính phủ Thái Lan cho rằng, vấn đề cản trở ASEAN trở thành một xã hội đùm bọc lẫn nhau là "các nước thành viên của nó không tôn trọng quyền con người và an ninh con người. Một vài nước thành viên ASEAN đã hầu như không quan tâm đến vấn đề này. Về phần mình, ASEAN vẫn chưa có sự đồng thuận về an ninh con người, ngay cả khi thế giới đã chấp nhận khái niệm này và thỏa thuận về cách tiếp cận chung"(12).
Điều gì khiến Thái Lan nhiệt tình ủng hộ khái niệm an ninh con người? Nguyên nhân trực tiếp có lẽ là do nước này trong khoảng một thập niên trở lại đây rơi vào khủng hoảng khá trầm trọng, cả về kinh tế và chính trị - xã hội. Sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng hoảng tài chính-tiền tệ năm 1997 - 1998, xung đột tôn giáo, sắc tộc ở các tỉnh phía Nam bùng phát từ đầu thế kỷ XXI đã làm cho Thái Lan từ một nước khá yên bình thành một nước bất ổn chính trị nhất khu vực, làm chia rẽ, phân rã sự thống nhất của xã hội, các vùng lãnh thổ và cộng đồng sắc tộc trong cả nước. Điều này đòi hỏi nước này phải quan tâm hơn đến đầu tư phát triển con người, nhất là các vùng dân tộc thiểu số. Còn nguyên nhân sâu xa, mang tính nền tảng có lẽ là người Thái có tính thiên di cao, mềm dẻo và cởi mở trong cách ứng xử, tiếp nhận tư tưởng cải cách dân chủ kiểu phương Tây khá sớm. Hơn nữa, nền độc lập dân tộc tuy bị tổn thương bởi sự chèn ép của các thế lực bên ngoài, nhưng về đại thể, Thái Lan chưa bị mất nước hay bị ngoại bang đô hộ. Chính vì vậy, vấn đề chủ quyền quốc gia - dân tộc của Thái Lan tuy luôn đặt ưu tiên, nhưng không phải mạnh mẽ hay cấp bách như các nước khác ở Đông - Nam Á.
*
* *
Việc coi nhẹ chủ quyền quốc gia và vai trò của nhà nước, tuyệt đối hóa nhân quyền hay chủ quyền cá nhân, hiện tại không phù hợp với truyền thống và thực tiễn lịch sử của các nước ASEAN. Trừ Thái Lan, các nước này mới giành được độc lập từ sau 1945. Sự ám ảnh của quá khứ thuộc địa cùng với những bất ổn trong nước thường xảy ra (như xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, khủng bố v.v..) khiến các nước trong khu vực vẫn đề cao chủ quyền quốc gia.
Thành tựu đột phá trong chương trình vũ trụ nhiều kỳ vọng của Trung Quốc  (30/09/2008)
Khoang đổ bộ Thần Châu 7 trở về trái đất an toàn  (30/09/2008)
Huy động mọi lực lượng khắc phục hậu quả bão số 6  (30/09/2008)
Đồng chí Trường Chinh, tấm gương chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc và thời đại.  (29/09/2008)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần từ 22-9 đến 28-9-2008  (29/09/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần từ 22-9 đến 28-9-2008  (29/09/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên