Trách nhiệm xã hội của nhà báo trong các bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới

Nguyễn Thị Trường Giang TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
14:12, ngày 20-06-2014

TCCSĐT - Thông tin báo chí là một loại hàng hóa mang tính xã hội. Trách nhiệm xã hội của nhà báo đòi hỏi nhà báo trong mọi trường hợp phải tuân thủ ý thức đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp.

1- Trách nhiệm đối với số phận của con người. Một câu hỏi nhiều lần được đặt ra đối với mỗi người làm báo là trong tình huống phải chọn lựa giữa tin tức và số phận con người, điều gì quan trọng hơn? Trong cuốn sách Thư gửi nhà báo trẻ, tác giả Xa-mu-en Phri-đam (Samuel G.Freedam) đã sử dụng câu chuyện về hai bức ảnh của hai nhà báo Ních Út và Ke-vin Can-tơ để minh họa cho quan điểm của ông về tính nhân đạo đúng đắn của nghề báo. Hai tác giả trên không có mối quan hệ gì với nhau nhưng thường xuyên được nhắc đến cùng nhau trong các câu chuyện về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của người làm báo. Họ có nhiều điểm giống nhau, như cùng là tác giả của hai bức ảnh đoạt Giải thưởng Pulitzer danh giá, tác phẩm của họ cùng gây ra những tiếng vang lớn trong làng báo thế giới. Nhưng họ lại có điểm khác nhau căn bản, đó là thái độ và ứng xử trước số phận con người.

Bức ảnh thứ nhất có tên “Em bé Na-pan”. Nhân vật chính trong ảnh là em bé Phan Thị Kim Phúc - nạn nhân của đợt ném bom na-pan của quân đội Mỹ xuống Trảng Bàng (Tây Ninh), ở trần, vừa chạy, vừa la khóc kinh hoàng. Hình ảnh đau thương đó đã góp phần không nhỏ làm dấy lên làn sóng dư luận phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời đem lại Giải thưởng Pulitzer cho tác giả - phóng viên ảnh Ních Út của tờ Associated Press. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng ngay sau khi chụp ảnh, Ních Út đã đưa cô bé lên xe buýt, yêu cầu chở đến bệnh viện. Chỉ khi cô bé Phúc lên bàn phẫu thuật, phóng viên Ních Út mới về tòa soạn để nộp cuộn phim đã chụp. Hai mươi tám năm sau, trong một buổi lễ trước mặt Nữ hoàng Anh, Kim Phúc đã nói về Ních Út: “Anh ấy đã cứu sống tôi”. Cho đến bây giờ, người chụp ảnh và người được chụp ảnh vẫn giữ quan hệ thân thiết với nhau.

Bức ảnh khác có tên “Kền kền chờ đợi” phản ánh về nạn đói ở Xu-đăng năm 1993: một em bé đang lả người vì sắp chết đói nhưng vẫn cố lết tới trạm phân phát lương thực, trong khi đó ở phía sau, một con kền kền đang chờ sẵn. Giống như ảnh của Ních Út, bức ảnh này đã làm dấy lên làn sóng công luận mạnh mẽ. Ke-vin Ca-tơ - nhà báo tự do, người chụp bức ảnh này vinh dự nhận Giải thưởng Pulitzer. Tuy nhiên khác với Ních Út, Ke-vin Ca-tơ đã không can thiệp để cứu em bé trong bức ảnh. Chưa đầy 4 tháng sau khi nhận Giải thưởng Pulitzer, K. Ca-tơ đã tự sát.

Bình luận về hai tác phẩm ảnh này, Xa-mu-en Phri-đam cho rằng, Ních Út đã cứu sống Kim Phúc và đồng thời cứu vớt chính tâm hồn anh ấy. Ních Út là minh chứng cho một nhà báo nhân đạo, bởi trước khi trở thành một nhà báo, anh đã là một con người chân chính, có tấm lòng cao cả. Còn Ca-tơ, phải chăng khi quyết định tự kết liễu đời mình, anh đã thú nhận một điều rằng, cái ngày mà anh chụp bức ảnh, anh đã đặt phẩm chất nhà báo trong anh cao hơn lòng nhân đạo? (1)

Trong cuốn sách “100 bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới”, nguyên tắc thứ ba khẳng định: “Thông tin báo chí là một loại hàng hóa mang tính xã hội chứ không phải hàng hóa vật chất, có nghĩa là các nhà báo cùng nhau có trách nhiệm truyền tải thông tin và đó không chỉ là trách nhiệm đối với những người quản lý các phương tiện truyền thông đại chúng mà còn là trách nhiệm với công chúng, với nhiều lợi ích xã hội khác nhau. Trách nhiệm xã hội của nhà báo đòi hỏi nhà báo trong mọi trường hợp phải tuân thủ ý thức đạo đức cá nhân”.

2- Trách nhiệm xã hội của nhà báo. Khi bàn về trách nhiệm xã hội của nhà báo, các bản quy tắc đạo đức (95 bản /100 bản quy tắc đạo đức) của của các nước đều nhắc đến cụm từ “lợi ích công chúng”. Các bản quy tắc đạo đức nghề báo (An-ba-ni, Anh, Áo, Bun-ga-ri, Xri Lan-ca,...) đều cho rằng, không thể mang lợi ích chính đáng của công chúng để bào chữa cho những bài báo mang tính giật gân, đặc biệt không được nhầm lẫn giữa thông tin “vì lợi ích công chúng” và thông tin “làm công chúng chú ý” hoặc “vì sự tò mò của công chúng”. Có thể nêu ở đây một số tình huống mà nhiều bản quy tắc đạo đức nghề báo của các nước lưu ý và nhấn mạnh đến trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Một là, đưa tin về tai nạn, thảm họa, chiến tranh, khủng bố. Trong tình huống này, “thông tin cần chính xác, đáng tin cậy, luôn trích nguồn thông tin, lời bình cần kiềm chế, không tạo ra những sản phẩm phản ứng kích động thái quá; Cần tinh tế, nhạy cảm với cảm xúc, nỗi sợ của người xem trong quá trình đưa tin” (Quy tắc tác nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam).

Quy tắc đạo đức nghề báo của Ấn Độ yêu cầu: “Các loại tin tức giúp ích cho hoà bình, hòa hợp và giúp lập lại hoặc duy trì luật pháp và trật tự nên được ưu tiên trước các loại tin khác”. Khi tai nạn, thiên tai xảy ra, báo chí phải luôn ưu tiên việc cứu hộ các nạn nhân và những người đang gặp nguy hiểm lên trên quyền tiếp nhận thông tin của công chúng. Nhà báo cần có cách tiếp cận và xử lý thông tin hết sức tế nhị, cẩn trọng, cảm thông và phù hợp với hoàn cảnh cũng như tránh mọi hành động có thể làm tăng thêm đau buồn. Thông tin nên được miêu tả, tường thuật và đặt tít trong điều kiện nghiêm khắc, khách quan và không nên thể hiện một cách nặng nề. Nhà báo không được trình bày bất kỳ vấn đề nào nhằm khuyến khích sự tàn ác, bạo lực, dâm ô hoặc bất hòa tôn giáo, đi ngược với phong tục và tiêu chuẩn đạo đức chung của xã hội; phải tuân theo các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội ngay cả ở những tác phẩm trào phúng và châm biếm “để tránh tạo ra cảm xúc mạnh mẽ hoặc sự thù hận giữa các tộc người”.

Khi thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn hằng ngày, nhà báo phải tránh đưa những tin đồn độc hại, kích động hận thù, gây chia rẽ (tôn giáo, vùng miền, hay sắc tộc) cũng như ủng hộ bất kỳ giá trị cực đoan nào (Quy tắc đạo đức của nhà báo Công-gô). Nhà báo không được công bố, truyền tải những thông tin (văn bản, hình ảnh…) giật gân, sai lạc, mang tính kích động có thể gây ra những tác động xấu đến trật tự xã hội chỉ với mục đích tăng số lượng phát hành của tờ báo.

Quy tắc đạo đức của các nhà báo Bồ Đào Nha cho rằng: “Nhà báo phải đấu tranh chống lại xu hướng đưa tin giật gân”.

Quy tắc đạo đức của Liên đoàn các Nhà báo ASEAN cho rằng: “Các nhà báo ASEAN không được thông tin hay đưa ra các bình luận làm nguy hại đến an ninh của nước mình hay khiêu khích xung đột vũ trang giữa nước mình với các nước khác trong ASEAN, phải cố gắng hết mình thúc đẩy mối quan hệ thân thiện hơn giữa các nước”.

Hai là, đưa tin về vụ án và tội phạm. Nhiều bản quy tắc đạo đức nghề báo trên thế giới đều nhất trí rằng, báo chí nên hạn chế đăng tải thông tin về các vụ phạm tội và bê bối. Việc nhà báo cố tình công bố các tin tức độc hại là hành vi vi phạm đạo đức và được cho là nghiêm trọng hơn so với việc công bố các tin tức sai sót mà không có mục đích độc hại.

Các bản quy tắc đạo đức nghề báo của Anh, Cam-pu-chia, Hy Lạp, Phi-líp-pin, Ấn Độ, Tây Ban Nha, In-đô-nê-xi-a, Ba Lan, Bồ Đào Nha… yêu cầu, trong khi tường thuật, thông tin về tội phạm trong các vụ án hình sự, nhà báo phải thận trọng và dành sự quan tâm đặc biệt đến những người dễ bị tổn thương, phụ nữ, trẻ em, nhân chứng hoặc nạn nhân của tội ác. Nhà báo phải tránh nêu tên người thân và bạn bè của cá nhân bị buộc tội hoặc bị tuyên án vì phạm tội, nếu không có sự đồng ý của họ, trừ khi họ liên quan đến vụ án hoặc đây là những dữ liệu cần thiết để thông tin được toàn diện và công bằng (Quy tắc đạo đức dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông của Dim-ba-bu-ê). Quy tắc đạo đức nghề báo quốc gia của Đan Mạch quy định: “Không đề cập đến tiền án, tiền sự của những kẻ tình nghi, bị cáo, hoặc những người bị kết án nếu những thông tin đó không liên quan đến tội mà anh ta bị tình nghi, buộc tội hoặc kết án. Trong các tin có liên quan khác cũng không được phép đề cập đến tiền án, tiền sự của người khác”. Tránh đề cập đến hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, tư cách hội viên, tiền án, tiền sự của những kẻ tình nghi, bị cáo hoặc những người bị kết án nếu những thông tin đó không liên quan tội mà anh ta bị tình nghi, buộc tội hoặc kết án.

Nhà báo không nên đưa những thông tin mô tả cụ thể sự độc ác hoặc bạo lực về thể xác và tình dục. Khi vạch trần những hành vi phạm tội và thông tin về kẻ tình nghi, hoặc đưa tin về các vụ tự tử, nhà báo cần cẩn thận và tránh mô tả chi tiết, cận cảnh, đặc biệt về cách thức thực hiện có thể khiến người khác bắt chước (nhất là trẻ em và thanh thiếu niên).

Nếu báo chí đã đưa tin về một vụ việc, thì nên tiếp tục theo dõi để đưa tin về các diễn biến của vụ việc ở các giai đoạn tiếp theo và công bố phán quyết cuối cùng của tòa án về vụ việc (nếu có). Tuy nhiên, nhà báo không được đưa ra nhận xét, ý kiến nếu nó có khả năng ảnh hưởng đến nhận định, phán quyết cuối cùng của tòa án. Nhà báo không được đưa ra ý kiến, quan điểm hoặc buộc tội người khác nếu sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra hoặc tòa chưa đưa ra phán xét. Các bản tin phải phân biệt rõ ràng giữa nghi ngờ và bằng chứng xác thực. Nhà báo phải tôn trọng và duy trì nguyên tắc giả định vô tội, không dự đoán các phán quyết của tòa án cho đến khi có bằng chứng và phán quyết rõ ràng.

Nhà báo phải luôn ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của mình khi thông tin về vấn đề hôn nhân, tình dục. Những chương trình có nội dung liên quan đến tình dục phải thực sự có tính chất giáo dục, giúp ích cộng đồng. Tuy nhiên, các biên tập viên cần cân nhắc mức độ đưa thông tin và những hình ảnh đi kèm. Những hình ảnh minh họa cần được sử dụng có chọn lọc và cẩn trọng, không minh họa một cách không có căn cứ xác đáng hoặc có thể gây hiểu nhầm.

Ba là, thông tin về sức khỏe, y tế. Các bản quy tắc đạo đức nghề báo của Đức, Anh, I-ta-li-a, Việt Nam... đều cho rằng, nhà báo phải thật cẩn trọng và có trách nhiệm khi đưa những thông tin về y tế, sức khỏe vì có thể dẫn đến những nỗi sợ hãi hoặc hy vọng vô căn cứ của công chúng. Nhà báo không được sử dụng các bằng chứng khoa học quan trọng để lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng; phải kịp thời thông báo tên của những sản phẩm thuốc đã bị thu hồi hoặc cấm lưu hành vì có hại cho sức khỏe của con người (Điều lệ về nhiệm vụ của nhà báo I-ta-li-a). Đặc biệt, một số bản quy tắc đạo đức nhấn mạnh, nhà báo phải luôn lưu ý rằng, chỉ cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có quyền công bố bệnh dịch.

Bốn là, không phân biệt đối xử. 86/100 bản quy tắc đạo đức nghề báo cho rằng nhà báo phải đối xử công bằng với mọi công dân. Nhà báo không được có thái độ căm ghét, thành kiến và phân biệt đối xử cũng như truyền bá sự phỉ báng, kích động, xúi giục hận thù, bất bình đẳng hoặc cố ý hủy hoại danh tiếng của bất kỳ cá nhân nào vì sự khác nhau về nguồn gốc, quốc tịch, chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, tuổi tác, giới tính, tầng lớp, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế hoặc nghề nghiệp... Quy tắc đạo đức của nhà báo Bỉ nhấn mạnh: “với điều kiện là những giá trị được thừa nhận ấy không đi ngược lại các quyền cơ bản của con người”. Bất cứ lúc nào nhà báo cũng phải nhận thức được nguy cơ phát sinh nếu báo chí cố ý hoặc vô tình khuyến khích phân biệt đối xử và không khoan dung.

Các bản quy tắc đạo đức nghề báo đặc biệt lưu ý rằng khi sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhà báo phải tuân theo những giới hạn về đạo đức và trách nhiệm xã hội để tránh vi phạm các quyền cơ bản khác. Tự do ngôn luận phải đi liền với trách nhiệm đối với bất kỳ thông tin được công bố trên báo, đài phát thanh, truyền hình hoặc In-tơ-nét (Quy tắc đạo đức của nhà báo Ba Lan, Quy tắc đạo đức nghề báo của Liên đoàn báo chí Tây Ban Nha). Nghĩa vụ nghề nghiệp của nhà báo Pháp yêu cầu nhà báo: “Không được lợi dụng tự do báo chí để mưu lợi riêng”. Quy tắc đạo đức của Hội Báo chí Ô-xtrây-li-a nhấn mạnh việc “lợi dụng sự sợ hãi của nguồn tin để trục lợi được coi là tội nặng nhất trong việc lạm dụng quyền tự do báo chí”.

Nếu báo chí đứng ngoài pháp luật, bỏ qua các nguyên tắc về đạo đức và trách nhiệm xã hội rất dễ gây nên xung đột, dẫn đến bất ổn xã hội. Thế giới vẫn không quên bộ phim “Sự ngây thơ của các tín đồ Hồi giáo” với nội dung báng bổ đạo Hồi do một nhà làm phim Mỹ tung ra thị trường đã ngay lập tức gây nên làn sóng biểu tình, bạo động. Hơn 1,2 tỷ tín đồ đạo Hồi trên khắp thế giới phẫn nộ, phản kháng dữ dội, dẫn đến cảnh máu đổ, nhà thờ bị phá, đại sứ quán Mỹ ở nhiều nước bị vây hãm… Trước sự kiện đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã lên tiếng: “Tự do ngôn luận được bảo vệ khi nó được sử dụng vào mục đích công lý và cộng đồng… Khi một số người sử dụng quyền tự do này để khiêu khích hoặc sỉ nhục các giá trị niềm tin của người khác thì hành động đó sẽ không được bảo vệ”.

Trong chương trình giao lưu kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-2010, nhà báo Hữu Thọ đã chia sẻ: “Mỗi bài báo như một thông điệp của tác giả, có khi là sự yêu thương, nhưng có lúc là sự hủy hoại”. Báo chí phải hoàn thành trách nhiệm xã hội cao cả của mình trong việc đưa tin đến với công chúng. Nhà báo cần luôn nhớ rằng, đằng sau tin tức là những số phận con người!

------------------------------------

(1) Xem: Samuel G.Freedam: Thư gửi nhà báo trẻ, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2009