Xuân Thủy - nhà báo tiêu biểu của nền báo chí cách mạng Việt Nam

Nguyễn Thị Giang Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
14:09, ngày 20-06-2014

TCCSĐT - Kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2014), những người làm báo hôm nay tưởng nhớ nhà báo Xuân Thủy - cây bút có nhiều đóng góp xuất sắc cho nền báo chí cách mạng nước nhà.

Con đường đến với báo chí cách mạng Việt Nam

Đồng chí Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 02-9-1912 tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình nhà nho, trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, Xuân Thủy sớm bộc lộ tố chất thông minh và tài thơ văn của mình.

Thừa hưởng nền nếp của một gia đình nho học, với bản tính ham tìm tòi, học hỏi, Xuân Thủy không chỉ học chữ quốc ngữ, mà còn chủ động tiếp cận và chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề về đấu tranh giai cấp, Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917), đặc biệt là tư tưởng cách mạng vô sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá. Theo thời gian, nhận thức của đồng chí về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, con đường cách mạng Việt Nam ngày càng sâu sắc.

Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, rời làng quê ra đi làm cách mạng, mang trong mình tinh thần và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Xuân Thủy là đại diện tiêu biểu của lớp thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ trong việc giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lý tưởng cách mạng vô sản. Đến Phúc Yên (nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay), thời gian đầu, khi chưa bắt được liên lạc với các tổ chức cộng sản, đồng chí Xuân Thủy chủ động nghiên cứu và tiếp tục truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lý tưởng cộng sản theo sự hiểu biết của bản thân. Đồng chí và các cộng sự đã tiến hành tổ chức những lớp học chữ quốc ngữ vào ban đêm; lập những nhóm đọc sách, báo tiến bộ; tổ chức các cuộc mít-tinh chống sưu cao, thuế nặng, đòi cơm áo, hòa bình,… cho nhân dân. Những hoạt động do đồng chí Xuân Thủy tổ chức đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nhân dân trong vùng. Từ đó, phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân vùng Phúc Yên phát triển mạnh mẽ, khiến bọn thực dân cai trị ở đây đứng ngồi không yên. Để ngăn chặn tình hình này, thực dân Pháp đã lùng sục đồng chí Xuân Thủy rất gắt gao. Năm 1938, đồng chí bị bắt và giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Bị chính quyền thực dân bắt giam khi bước vào hoạt động cách mạng không lâu là một cú sốc lớn đối với chàng trai trẻ Xuân Thủy. Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong gian khổ, khó khăn, khí phách cách mạng của đồng chí càng được nhân lên gấp bội. Gông sắt và xiềng xích trong nhà tù không lay chuyển nổi ý chí chiến đấu của đồng chí. Sau khi hết hạn giam giữ, Xuân Thủy tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1939, đồng chí bị địch bắt lần thứ hai và bị đày đi nhà tù Sơn La.

Vẫn với khí phách cách mạng, khi đến nhà tù Sơn La, Xuân Thủy sớm hòa mình vào cuộc đấu tranh của những chiến sĩ trong lao ngục. Tại nhà tù, đồng chí có dịp được tiếp xúc với những chiến sĩ cách mạng kiên trung lúc bấy giờ là Tô Hiệu và Trần Huy Liệu. Do cùng chung lý tưởng cách mạng là tìm cách đấu tranh chống lại thực dân xâm lược, đem lại độc lập, tự do cho đồng bào, Xuân Thủy và các đồng chí trong nhà tù Sơn La sớm tìm ra những hình thức và phương pháp đấu tranh cách mạng mới. Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, năm 1941, khi Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập bí mật tại nhà tù Sơn La, Xuân Thủy được đồng chí Tô Hiệu và Trần Huy Liệu giới thiệu kết nạp đặc biệt vào Đảng, đồng thời được đặc cách công nhận là đảng viên chính thức. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Xuân Thủy, mà còn là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức và hành động của đồng chí; là điểm nhấn quyết định của quá trình từ một thanh niên yêu nước trở thành một đảng viên cộng sản.

Sau 6 năm bị giam tại nhà tù Sơn La, đầu năm 1944, đồng chí Xuân Thủy ra tù cũng là lúc tình hình cách mạng Việt Nam đang diễn biến hết sức khẩn trương. Trước tình hình đó, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng đã giao cho đồng chí Lê Quang Đạo, đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách khu vực Hà Nội đến gặp đồng chí Xuân Thủy bàn phương hướng hoạt động cách mạng trong thời gian tiếp theo. Sau đó, đồng chí Xuân Thủy có buổi gặp gỡ, làm việc trực tiếp với Tổng Bí thư Trường Chinh và được giao nhiệm vụ phụ trách báo Cứu quốc - một trong những tờ báo bí mật của cơ quan Tổng bộ Việt Minh. Từ đây và nhiều năm sau đó, đồng chí Xuân Thủy dành nhiều tâm lực cho việc tổ chức và phát triển báo Cứu quốc, mở ra một trang sử mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Nhà tổ chức báo chí tài ba

Phụ trách báo Cứu quốc, đồng chí Xuân Thủy nhanh chóng đề ra một chiến lược mới cho việc phát triển của báo, trong đó luôn chú trọng đến nhiệm vụ chính trị quan trọng là tuyên truyền đường lối cách mạng, cổ vũ nhân dân đứng lên đấu tranh. Từ những thông tin mà báo Cứu quốc cung cấp, những chủ trương, đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng sớm đến được với nhân dân, được nhân dân đón nhận và tổ chức thực hiện rất hiệu quả, tạo nên sức mạnh vô địch trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng vào tháng 8-1945.

Ngày 02-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đồng chí Xuân Thủy được Chính phủ phân công nhiệm vụ tham gia Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ, trực tiếp phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền và báo chí. Trên cương vị là người tổ chức các hoạt động báo chí, đồng chí Xuân Thủy đã có nhiều đóng góp trong việc chỉ đạo và trực tiếp tham gia chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước, như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam,…

Trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, đồng chí Xuân Thủy vừa trực tiếp điều hành hoạt động báo Cứu quốc, vừa giữ vai trò tổ chức, kiến tạo hệ thống báo chí của mặt trận, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về thông tin, tuyên truyền. Trên tinh thần đó, tháng 3-1947, đồng chí Xuân Thủy tổ chức một hội nghị tại Phú Thọ, bàn về việc thành lập các chi nhánh báo Cứu quốc tại các chiến khu. Đây là quyết định hết sức đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của đồng chí Xuân Thủy trong việc phát triển và mở rộng hệ thống báo chí phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta. Giải thích chủ trương này, đồng chí Xuân Thủy đã viết bài báo có tựa đề Một bước tiến đăng trên báo Cứu quốc ra ngày 01-01-1948, nhấn mạnh: “Từ ngày ra đời, Cứu quốc luôn là người lính xung phong tranh đấu cho Việt Nam độc lập và thống nhất. Vẫn nhiệm vụ ấy, từ ngày toàn quốc kháng chiến, Cứu quốc ngày càng thấy mình không được phép một lúc nào vắng mặt nơi mũi súng, đường gươm, cũng như nơi luống cày, giá bút, nơi xưởng máy, nhà hàng. Bởi vậy, mặc dầu gặp khó khăn trong thời chiến, chúng tôi cũng quyết thành lập cho bằng được các chi nhánh Cứu quốc ở hầu khắp các chiến khu trên toàn cõi nước nhà”(1). Theo chủ trương đó, một số cán bộ của tòa soạn báo Cứu quốc Trung ương được điều động đi tăng cường cùng cán bộ tại các địa phương để tổ chức ra các chi nhánh báo Cứu quốc. Các đồng chí Hoàng Phong, Hải Ly được cử đi Khu 3; Lê Hữu Kiều (tức Sơn Hùng) đi Khu 2, Như Phong đi Khu 12 ở Bắc Giang; Tô Hoài, Nam Cao, Trần Đình Thọ phụ trách chi nhánh Việt Bắc; Khu 4 được giao cho Lưu Quý Kỳ và Khu 5 giao cho đồng chí Phan Thao phụ trách. Báo Cứu quốc Trung ương đóng tại căn cứ cũ của cụ Đề Thám, vùng Thượng Yên Thế (Bắc Giang).

Dưới sự điều hành trực tiếp của đồng chí Xuân Thủy, các chi nhánh báo Cứu quốc ở các chiến khu hoạt động rất hiệu quả, phản ánh kịp thời tình hình chiến sự và cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta trên khắp các nẻo đường cách mạng. Trong mưa bom bão đạn, các phóng viên của Báo vẫn miệt mài trên các chiến trường. Với tinh thần làm việc quên mình đó, báo Cứu quốc kịp thời cho ra mắt 3.000 bản/ngày. Sự phát triển rộng khắp của báo Cứu quốc đã đáp ứng tốt nhu cầu của cuộc kháng chiến, là nơi thể hiện ý Đảng, lòng dân trong cuộc chiến chống quân thù. Đây là kết quả đáng tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam những năm đầu non trẻ.

Không chỉ là người tổ chức, phát triển hệ thống báo chí, ở đồng chí Xuân Thủy còn toát lên tinh thần nhân văn cao thượng. Trong những năm kháng chiến, dù ở gần hay xa tòa soạn, đồng chí vẫn luôn quan tâm đến công việc của báo và đời sống của cán bộ, công nhân viên. Trên tình đồng chí anh em, Xuân Thủy luôn chan hòa, quan tâm đến tất cả mọi người, chính vì vậy, đồng chí là ngọn cờ quy tụ và phát huy tài năng của tất cả cán bộ trong tòa soạn. Về vấn đề này, nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Thành Lê, người có thời gian làm việc cùng đồng chí Xuân Thủy trong kháng chiến chống Pháp sau khi hòa bình lập lại, đã nhận xét: “Phong cách của anh khá độc đáo. Về đường lối chính trị của báo, anh rất chặt chẽ và đòi hỏi cán bộ biên tập phải nghiêm túc thực hiện… Về lề lối làm việc, anh mạnh dạn khuyến khích tinh thần chủ động của mọi người, nhất là những anh em phụ trách tòa soạn và trị sự”(2).

Trong trang lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Xuân Thủy để lại dấu ấn là một trong những người đặt nền móng xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày 27-12-1946, đồng chí đã chỉ đạo việc thành lập Đoàn Báo chí cách mạng Việt Nam. Đầu năm 1947, Đoàn Báo chí kháng chiến cũng được thành lập do đồng chí Xuân Thủy trực tiếp phụ trách. Ngày 21-4-1950, trên cơ sở Đoàn Báo chí kháng chiến, Hội những người viết báo Việt Nam ra đời (3). Đây được xem là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đầu tiên của những người viết báo. Với uy tín của mình, đồng chí Xuân Thủy được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 1950 đến 1962. Đồng chí Xuân Thủy còn là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia Ban Chấp hành Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) và nhận được giải thưởng của tổ chức này.

Từ năm 1962 trở đi, do yêu cầu của cách mạng, đồng chí Xuân Thủy không trực tiếp phụ trách Hội Nhà báo, và được giao nhiều trọng trách quan trọng của Đảng. Tuy vậy, tùy theo vị trí công tác của mình, đồng chí luôn quan tâm và có những đóng góp không nhỏ cho nền báo chí cách mạng nước nhà.

Đánh giá về sự cống hiến của nhà báo Xuân Thủy, Tổng Bí thư Trường Chinh viết: Tôi và anh Xuân Thủy làm việc với nhau từ những ngày sôi động trước khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, bắt đầu từ những trang Báo Cứu quốc ở một ngôi chùa cổ ven sông Hồng. Chúng tôi kết gắn với nhau từ đấy và suốt cả chặng đường cách mạng sau này. Ông Xuân Thủy được Đảng phân công phụ trách Báo Cứu quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật và suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chúng ta có Báo Cứu quốc Trung ương, lại có Báo Cứu quốc địa phương ở khắp các liên khu kháng chiến. Đó là tờ báo hằng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn cũng có thể nói, đó cũng là một kỳ tích của nhân dân ta. Báo Cứu quốc là niềm tự hào của Báo Đại đoàn kết ngày nay và cũng là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng nước ta. Với những kết quả làm được, đồng chí Xuân Thủy thực sự là một nhà tổ chức báo chí tài ba của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Một cây bút sắc sảo

Không chỉ là một nhà tổ chức báo chí tài ba, đồng chí Xuân Thủy còn là một cây bút sắc sảo. Những tác phẩm của đồng chí chứa đựng tính nhân văn, tính dân tộc và tính chiến đấu cao, ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân ta, kêu gọi nhân dân đoàn kết, ủng hộ cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc; lên án tội ác và vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.

Trong những giờ phút quan trọng nhất của lịch sử dân tộc, đồng chí Xuân Thủy luôn kịp thời cho ra mắt những bài viết độc đáo. Tối ngày 19-12-1946, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng là lúc báo Cứu quốc chuẩn bị cho ra số đặc biệt với lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời khắc đó, đồng chí Xuân Thủy đã viết bài xã luận trên trang nhất của báo Cứu quốc. Bài viết của đồng chí cùng với lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh đã trở thành những tư liệu vô cùng quý giá đối với nền báo chí cách mạng những năm đầu kháng chiến.

Những năm sau đó, trên báo Cứu quốc liên tục xuất hiện những bài báo của đồng chí Xuân Thủy viết về những vấn đề cấp bách, những sự kiện có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của đất nước. Các bài báo không chỉ bám sát tình hình thời cuộc, thể hiện một cách sinh động những chủ trương, quan điểm của Đảng và mặt trận, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong hướng dẫn, chỉ đạo đối với cán bộ và nhân dân ta kháng chiến. Tập Hồi ký Những chặng đường báo Cứu quốc là tác phẩm báo chí cuối cùng của đồng chí Xuân Thủy. Nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Thành Lê đã viết về đồng chí Xuân Thủy với những dòng ca ngợi: “Loạt bài anh viết về Báo Cứu quốc cung cấp cho chúng ta không những nhiều tư liệu quý về báo Cứu quốc mà cả về một giai đoạn then chốt của cách mạng Việt Nam, giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Loạt bài ấy cho thấy rõ tinh thần lạc quan cách mạng, đã tạo cho các cán bộ hoạt động mật lúc bấy giờ một sức mạnh phi thường, giúp anh em chịu đựng mọi gian khổ, khắc phục mọi gian nguy, phát huy tính năng động, đưa cách mạng phát triển những bước nhảy vọt”.

Đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ với nhiều chủng loại, nhưng những bài viết, những tác phẩm báo chí của nhà báo Xuân Thủy vẫn vẹn nguyên tính thời sự; tên tuổi và sự nghiệp của nhà báo Xuân Thủy sống mãi cùng non sông đất nước. Cuộc đời hoạt động báo chí của đồng chí là một điểm nhấn quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Những kinh nghiệm làm báo, những tác phẩm báo chí mà nhà báo Xuân Thủy để lại là một di sản vô cùng quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, luôn được các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau học tập và noi theo./.

------------------------------------

(1) Báo Cứu quốc, số ra ngày 01-01-1948

(2) Nguyễn Thành Lê: Nhà báo cộng sản Xuân Thủy, tuyển tập Xuân Thủy, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr. 905

(3) Khi mới thành lập, Hội có hơn 300 hội viên với các chi hội ở Liên khu 3, 4, 5 và Nam Bộ