TCCSĐT - Từ ngày 09-6 đến ngày 13-6-2014, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở Niu Oóc (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị lần thứ 24 các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hội nghị các nước thành viên UNCLOS

 

Đại sứ Lê Hoài Trung dẫn đầu Đoàn Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị lần thứ 24 các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) diễn ra tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở Niu Oóc (Mỹ) từ ngày 09-6 đến ngày 13-6-2014, Việt Nam tiếp tục lên tiếng phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên UNCLOS phản đối các hành vi đơn phương của Trung Quốc gây căng thẳng tại Biển Đông.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đã có trên 30 cuộc giao thiệp ở các cấp và qua các kênh khác nhau để yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống nhằm tạo một môi trường thuận lợi cho việc đối thoại. Đến nay, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu của Việt Nam cũng như lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế mà còn tiếp tục những hành vi sai trái của mình. Trong phần thảo luận, Đoàn Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tiếp tục chỉ ra tính bất hợp pháp của việc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời bác bỏ những quan điểm sai trái và xuyên tạc của Trung Quốc trình bày tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a… cũng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS, đồng thời đề nghị các bên nghiêm túc chấp hành Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nhanh chóng kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Diễn đàn kinh tế Brúc-xen năm 2014

Ngày 10-6-2014, Diễn đàn kinh tế Brúc-xen năm 2014 diễn ra tại Thủ đô Brúc-xen (Bỉ) nhằm thảo luận và phân tích một cách sâu rộng những thách thức hiện nay của nền kinh tế EU. Với chủ đề “Duy trì sự phục hồi, chiến lược và chính sách cho sự tăng trưởng ổn định”, các đại biểu tập trung thảo luận về kinh nghiệm của các quốc gia thành viên thoát khỏi suy thoái kinh tế thành công và từng bước phát triển ổn định; tiềm năng phát triển kinh tế của châu Âu trong khuôn khổ nền kinh tế được toàn cầu hóa; những đóng góp của khu vực tài chính châu Âu cho quá trình phục hồi kinh tế của EU.

Các đại biểu chung nhận định trong bối cảnh hiện nay, mặc dù kinh tế EU đã lấy lại đà phục hồi nhưng còn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tăng trưởng mong manh, vấn đề năng lượng và vấn đề thất nghiệp. Do đó, điều quan trọng với toàn khối là phải xây dựng nền kinh tế mang tính cạnh tranh, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng, chỉnh đốn lại hệ thống tài chính công. Trong bối cảnh hiện nay khi toàn châu Âu phải đối mặt với thách thức về năng lượng thì EU cần phải xây dựng hệ thống thị trường năng lượng chung, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy các sáng kiến đổi mới…

Nghị định thư mới về xóa bạo lực tình dục trong xung đột

Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế chống bạo lực tình dục trong xung đột, diễn ra tại Luân Đôn (Anh), ngày 11-6, Ngoại trưởng Anh Uy-li-am Ha-gơ (William Hague) và đặc phái viên Liên hợp quốc, diễn viên điện ảnh Mỹ Ăng-giê-li-na Giô-li (Angelina Jolie) đã công bố một nghị định thư mới nhằm góp phần hướng tới “xóa sổ” vấn nạn bạo lực này. Nghị định thư quốc tế nói trên có vai trò thiết lập tiêu chuẩn quốc tế trong cách thức điều tra và thu thập chứng cứ về các vụ bạo lực tình dục trong xung đột, qua đó tạo dựng một công cụ để khởi tố nhiều hơn nữa các vụ phạm tội như vậy trên toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, có tới 50.000 phụ nữ là nạn nhân của các vụ bạo lực tình dục trong cuộc chiến tranh ở Bô-xni-a Héc-xê-gô-vi-na (Bosnia-Herzegovina) giai đoạn 1992 - 1995, song chỉ khoảng 60 người tìm được công lý. Tại Kê-ni-a, gần một nửa phụ nữ và trẻ em gái độ tuổi từ 15 tới 49 từng bị bạo hành hoặc phải hứng chịu bạo lực tình dục. Trong khi đó, một số quốc gia châu Phi, từ Xu-đăng đến Xy-ri và Ai Cập còn chưa đưa ra con số thống kê đầy đủ do hầu hết các nạn nhân đều giữ im lặng. Chính điều này đã vô tình tiếp tay cho những kẻ phạm tội tiếp tục hoành hành./.