TCCSĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII; Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014; Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ biển và đảo Việt Nam năm 2014… là những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần qua.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII

Từ ngày 02 đến ngày 08-6, Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy. Quốc hội đã nghe, thảo luận, cho ý kiến về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; Phương án bảo đảm cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013; Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; Giải pháp để kinh tế Việt Nam tránh phụ thuộc vào nước ngoài cũng như hỗ trợ ngư dân bám biển trong điều kiện hiện nay; Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006; Các dự án luật liên quan đến quyền công dân là: Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và các Báo cáo thẩm tra; Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

Ngày 04-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo thông tin tổng hợp về tình hình tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2014. Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp năm nay có nhiều điểm mới nhưng do công tác chuẩn bị chu đáo và sự chỉ đạo sát sao, kỳ thi đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đáp ứng bước đầu yêu cầu đổi mới thi.

Điểm mới của kỳ thi năm nay là điều chỉnh môn thi xuống còn 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn học sinh tự chọn trong số các môn thi Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ. Đồng thời, kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn với kết quả học tập tất cả các môn của lớp 12 theo trọng số 50% + 50% để xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp.

Tổng hợp tình hình coi thi trên cả nước, có 64 đơn vị tổ chức thi (gồm 63 Sở Giáo dục và Đào tạo và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng), thành lập 2.352 hội đồng coi thi, huy động 115.905 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tổng số thí sinh dự thi các môn so với đăng ký dự thi đều đạt trên 99,5%. Toàn quốc có 11 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật, đình chỉ thi; không có giám thị bị đình chỉ làm công tác coi thi.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2014

Ngày 05-6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức ở Hà Nội với chủ đề “Từ chương trình tới hành động - Chuẩn bị cho các hiệp định thương mại mới”. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận những tác động, cơ hội và thách thức sau khi Việt Nam ký kết một số hiệp định quan trọng như Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu… Các đại biểu đã kiến nghị và đề xuất các giải pháp liên quan đến các lĩnh vực: ngân hàng và thị trường vốn, đầu tư và thương mại, thuế và hải quan, lao động và việc làm, kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, du lịch,…

Khai mạc Hội nghị lần thứ 4 khóa XI Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Trong hai ngày 06 và 07-6, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị lần thứ tư khóa XI Ban Chấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Hội nghị đã tập trung thảo luận về những nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn những tháng cuối năm, trong đó ra Nghị quyết về “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động” và Nghị quyết về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới”.

Đặc biệt, tại Hội nghị lần này Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã ra Tuyên bố phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2014

Ngày 07-6, tại Khu du lịch biển Đồ Sơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2014 với chủ đề “Chung tay bảo vệ đại dương xanh” và thông điệp “Đồng lòng bảo vệ biển, đảo quê hương, chúng ta sẽ có sức mạnh to lớn để vượt qua mọi thách thức, bảo vệ biển khơi”.

Tuần lễ biển và hải đảo là dịp khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng biển, đảo bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam góp phần tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.

Khánh thành cây cầu dài nhất Việt Nam

Ngày 08-6, Cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C - cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, vượt sông có chiều dài lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, nối thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã được khánh thành.

Dự án cầu Vĩnh Thịnh có tổng mức đầu tư trên 137 triệu USD. Tổng thể cầu và đường dẫn có chiều dài 5.487 m (trong đó cầu dài 4.480 m và đường hai đầu cầu dài 1.007 m), tốc độ thiết kế 80 km/h, cho 4 làn xe chạy. Cầu Vĩnh Thịnh được đưa vào sử dụng sẽ kết nối 2 trục hướng tâm (Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2), các tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm Thủ đô với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang; đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm thành phố Hà Nội để đi các tỉnh phía Nam và ngược lại./.