TCCSĐT - Ngày 05-6-2014, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 tại Brúc-xen (Bỉ), các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự ủng hộ với ban lãnh đạo mới ở U-crai-na và lên kế hoạch tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và biến đổi khí hậu.

Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương về cộng đồng ASEAN và an ninh Biển Đông

Ngày 04-6-2014, tại Cua-la Lăm-pơ (Ma-lai-xia) diễn ra Hội nghị bàn tròn châu Á -Thái Bình Dương lần thứ 28. Tại phiên họp về ASEAN, diễn giả Ong Keng Ong, Cao ủy Xin-ga-po tại Ma-lai-xi-a và là cựu Tổng Thư ký ASEAN, cho rằng tầm nhìn chiến lược quan trọng cho Cộng đồng ASEAN là xây dựng một khu vực kết nối, bền vững và có tính cạnh tranh hơn, hòa bình và thịnh vượng. Ông kêu gọi các nước ASEAN phải có ý chí chính trị đầy đủ để bảo đảm tiến độ đạt được các mục tiêu năm 2015, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên, tăng cường kết nối giữa các nước trong khối và giữa các nước trong khối và các nước ASEAN, đẩy mạnh hợp tác văn hóa, tăng cường trao đổi và giao lưu nhân dân và nâng cao nhận thức của người dân về ASEAN.

Tại phiên họp về giải quyết các thách thức an ninh chung trên Biển Đông, các diễn giả đề cập đến vấn đề xây dựng cơ chế trên biển để thúc đẩy các nỗ lực phối hợp trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia. Các cơ chế bảo đảm an toàn hàng hải và hợp tác trong tìm kiếm cứu nạn trong khu vực Biển Đông cũng được các đại biểu sôi nổi thảo luận. Giáo sư Can Thay-ơ (Carl Thayer), chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a, cho rằng để giải quyết các thách thức an ninh trên Biển Đông, các nước ASEAN cần thiết lập một Hội đồng an ninh - chính trị hiệu quả; các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cần chủ động hơn nữa trong việc đưa ra các ưu tiên cho các cơ quan cấp dưới, tăng cường hơn nữa vai trò của Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng...

Hội nghị G7 bàn về vấn đề U-crai-na và hợp tác chống biến đổi khí hậu

 

G7 ra tuyên bố chung về U-crai-na và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và biến đổi khí hậu. Ảnh: vov.vn

Ngày 05-6-2014, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 tại Brúc-xen (Bỉ), các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự ủng hộ với ban lãnh đạo mới ở U-crai-na và lên kế hoạch tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thương mại và biến đổi khí hậu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Hô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) cho biết, G7 sẵn sàng ủng hộ ban lãnh đạo mới của U-crai-na trên cả phương diện chính trị và kinh tế. Ông H. Ba-rô-xô cũng kêu gọi Nga có những biện pháp cụ thể và đáng tin cậy nhằm giúp xoa dịu tình hình ở U-crai-na.

Ngoài vấn đề U-crai-na, các nhà lãnh đạo G7 cũng tập trung vào triển khai chính sách cụ thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó hai ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Về vấn đề biến đổi khí hậu, G7 vẫn duy trì cam kết một nền kinh tế các-bon thấp và giới hạn mức tăng nhiệt độ không quá 2°C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp, giới hạn mà các nhà khoa học cho là có thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. G7 nêu rõ sẽ trao đổi về các khoản đóng góp của từng nước trước khi diễn ra Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 21 (COP21), dự kiến diễn ra tại Pháp trong quý đầu năm sau.

Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu lần thứ 24

Ngày 05-6-2014, Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu lần thứ 24 đã khai mạc tại Thủ đô Pa-ri (Pháp) với mục đích tìm ra các giải pháp để tăng cường và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc, bà I-ren Na-ti-vi-đát (Irene Natividad), Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2014, cho rằng chính vào lúc cả thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, vai trò của phụ nữ lại càng quan trọng khi họ đóng góp rất tích cực vào quá trình phục hồi kinh tế. Thực tế cho thấy, những mô hình kinh doanh mới của phụ nữ cùng với các sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề xã hội hay cộng đồng đã góp phần rất quan trọng vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Theo bà I. Na-ti-vi-đát, phụ nữ đang thể hiện xứng đáng khả năng của họ ở tất cả các lĩnh vực, ở nhiều cấp khác nhau. Vì sự phát triển chung và bình đẳng, phụ nữ cần được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để có thể làm tốt hơn vai trò trong gia đình cũng như trong xã hội trong thời đại công nghệ hiện nay.

Thủ tướng Pháp Ma-nu-en Van-xơ (Manuel Valls) bày tỏ tự hào khi Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp. Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính đã khiến cho phụ nữ chịu thêm gánh nặng, phải nỗ lực nhiều hơn. Thủ tướng H. Van cho rằng, Hội nghị lần này là dịp để bày tỏ sự ủng hộ dành cho các doanh nhân nữ, những người có vai trò quan trọng đưa thế giới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Tỷ phú P. Pô-rô-sen-cô chính thức đắc cử Tổng thống U-crai-na

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi cuối tháng 5 vừa qua với trên 54% số phiếu ủng hộ, ngày 07-6-2014, ông Pi-ốt Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko) đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống U-crai-na. Đọc lời tuyên thệ, ông P. Pô-rô-sen-cô, tổng thống thứ năm kể từ khi nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây này tuyên bố độc lập vào năm 1991, cam kết bảo vệ chủ quyền và sự độc lập của U-crai-na cũng như bảo đảm sự thịnh vượng của đất nước U-crai-na và an sinh xã hội của người dân nước này. Tân tổng thống khẳng định trên cương vị mới với nhiều trọng trách, Chính phủ Ki-ép sẽ bảo đảm các quyền và sự tự do của người dân U-crai-na, tôn trọng Hiến pháp và luật pháp, song song với việc nâng cao uy tín của quốc gia này.

Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, “Ông hoàng sô-cô-la” đề cập đến tình hình bất ổn tại miền Đông - Nam nước này, nơi phong trào đòi liên bang hóa và quyền tự chủ nhiều hơn đang bùng phát và nhấn mạnh cam kết duy trì thống nhất đất nước. Ông P. Pô-rô-sen-cô khẳng định với người dân tại Đôn-bát, khu vực phần lớn nằm trong sự kiểm soát của lực lượng đòi liên bang hóa, rằng chính quyền mới sẽ sớm phi tập trung hóa quyền lực và bảo đảm tự do sử dụng tiếng Nga. Đặc biệt, tân Tổng thống U-crai-na tuyên bố quyền chủ quyền đối với bán đảo Crưm, khẳng định Crưm đã, đang và sẽ là một phần của lãnh thổ U-crai-na./.