Triệu trái tim chung nhịp đập bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước được xây đắp bằng tình yêu nước nồng nàn với quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, vốn đã tạo nên cốt cách và niềm tự hào dân tộc, luôn thấm đẫm trong tâm trí mỗi người dân đất Việt.
Hôm nay, trước sự đe dọa của ngoại bang, triệu triệu con tim đất Việt lại cùng đập chung một nhịp kết đoàn, đồng thuận, kiên định bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc thân yêu.
Ngang ngược và bất ngờ
Những ngày đầu tháng 5-2014, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) tại vị trí có tọa độ 15 độ 29 phút 58 giây vĩ Bắc - 111 độ 12 phút 06 giây kinh Đông, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý.
Ngang ngược hơn, liên tiếp trong nhiều ngày qua, Trung Quốc đã đưa đến hiện trường hơn 80 tàu các loại để tham gia hộ tống giàn khoan, trong đó có nhiều tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa và tàu tuần tiễu tấn công nhanh cùng nhiều tàu chiến khác. Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngăn chặn hành vi trái phép của phía Trung Quốc, các tàu bảo vệ được sự yểm trợ của máy bay Trung Quốc có hành động hung hăng, đâm thẳng vào tàu của Việt Nam, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước làm hư hỏng nhiều trang thiết bị trên các tàu của Việt Nam và gây thương tích cho kiểm ngư viên Việt Nam.
Ngay lập tức, vụ việc đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới; khiến người dân cả nước và cộng đồng quốc tế hết sức bất bình, kịch liệt phản đối. Trên phương diện công pháp quốc tế, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Mạnh mẽ và kiên quyết
Lần đầu tiên chính thức lên tiếng về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Song Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Tuyên bố mạnh mẽ và đanh thép của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị Cấp cao ASEAN có tác động lớn, nhân lên niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của triệu triệu con tim người Việt, đồng thời nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trên khắp thế giới.
Triệu trái tim chung nhịp đập
Những ngày này, trên khắp các trang mạng xã hội tràn ngập một màu đỏ, màu cờ Tổ quốc và dòng chữ “hướng về biển Đông” và hình ảnh người chiến sĩ hải quân vững tay súng bên tượng đài Trường Sa, Hoàng Sa.
Hàng ngàn facebooker (người sử dụng mạng xã hội Facebook) mọi lứa tuổi, dân tộc, thành phần xã hội cùng bày tỏ quan điểm kịch liệt phản đối vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam, thể hiện khí thế quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Không chỉ có những “cư dân mạng”, người ta có thể nghe thấy câu chuyện phản đối vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 ở bất cứ nơi đâu, từ quán cà phê, đến trường học, công sở, từ ông giáo già đến bà nội trợ, từ học sinh phổ thông, sinh viên, đến nhân viên công sở, nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ… đều chung một mối quan tâm, hướng về biển đảo của Tổ quốc.
Từ các đoàn thể, hiệp hội nghề nghiệp đại diện cho các tầng lớp xã hội, đến các tổ chức tôn giáo đều ra Tuyên bố bày tỏ chính kiến phản đối kịch liệt hành động sai trái của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, để giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
Trang nhất của tất cả các tờ báo giấy, trang báo điện tử tràn ngập những hình ảnh mới nhất, được cập nhật liên tục về tình hình khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981.
Các chuyên gia, học giả, các cựu tướng lĩnh, nhân sĩ, trí thức, luật gia đến mọi người dân trên khắp các vùng miền Tổ quốc đều lên tiếng lên án hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông.
Bằng những biện pháp hòa bình, tỉnh táo và sáng suốt, hàng triệu người dân Việt Nam luôn đồng lòng, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Không chỉ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phía Trung Quốc còn ngang nhiên tấn công các tàu chấp pháp của Việt Nam và cả tàu cá của ngư dân đang hành nghề trên ngư trường truyền thống.
Thế nhưng, bất chấp hành động ngang ngược của phía Trung Quốc, tinh thần quyết tâm bám biển của ngư dân không hề lay chuyển. Ra khơi không đơn giản là để khai thác, mà còn để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chính họ, những ngư dân ngày đêm bám biển là những “cột mốc sống” chủ quyền trên biển, hiên ngang đạp sóng vươn khơi giữ vững ngư trường. Những ngày qua, các đội tàu cá của ngư dân ven biển miền Trung: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định... vẫn hối hả cho những chuyến ra khơi khai thác vụ cá năm 2014.
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, ngư dân quyết tâm bám biển Hoàng Sa khẳng định chủ quyền, vì Hoàng Sa là một phần xương máu của thế hệ cha ông.
Với ngư dân ven biển miền Trung, con tàu là nhà, biển khơi là nơi đã nuôi sống bao thế hệ. Vùng ngư trường truyền thống Hoàng Sa xưa là lối đi về thì nay vẫn thế, không có thế lực nào ngăn cản ngư dân. Ngư dân vươn khơi, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ là vấn đề mưu sinh mà còn là sự chung sức, chung lòng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương./.
Việt Nam sử dụng mọi biện pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền  (15/05/2014)
Hội Việt Nam - ASEAN phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan  (15/05/2014)
Cựu thanh niên xung phong phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan  (15/05/2014)
Chuyên gia Đức: Trung Quốc có động cơ chính trị ở Biển Đông  (15/05/2014)
Khai mạc phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (15/05/2014)
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực chuẩn bị cho Đại hội VIII  (15/05/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên