Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - quyết định lịch sử của Đảng ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
TCCSĐT - Mở chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết định lịch sử của Đảng ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố: sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo, quyết đoán, kịp thời của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh; là sự đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Con đường đến Điện Biên Phủ
Chiến dịch tiến công Biên giới Thu - Đông 1950 giành thắng lợi to lớn đã khẳng định quyền chủ động chiến lược của ta trên chiến trường chính Bắc Bộ. Đến Thu - Đông 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ đã trải qua 8 năm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đưa cuộc kháng chiến từ thế phòng ngự chuyển sang thế giằng co và phát triển sang thế tiến công và phản công. Điều này có nghĩa là bộ đội chủ lực của ta có thể mở các chiến dịch tiến công quân Pháp và tay sai ở hướng chiến trường do ta lựa chọn, chủ động xác định quy mô lực lượng tham gia chiến dịch, chủ động về thời gian mở màn và kết thúc chiến dịch. Đây là sự phát triển vượt bậc của cuộc kháng chiến về mặt thế trận trong khi so sánh lực lượng về quân sự, vũ khí, trang bị… ta vẫn còn thua kém địch khá nhiều.
Bằng chiến thắng trong chiến dịch tiến công địch ở Hòa Bình, Đông - Xuân 1951 - 1952; ở Tây Bắc, Thu - Đông 1952, đặc biệt là chiến thắng trong chiến dịch vận động tiến công, truy kích địch ở Thượng Lào (phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Lào) tháng 4-1953, quyền chủ động chiến lược của ta đã mở rộng ra toàn miền Bắc Đông Dương. Trong khi đó, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự, bị động đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta. Tình thế cuộc chiến tranh ngày càng bi đát và bế tắc, khiến Chính phủ Pháp phải tính đến việc tìm cách kết thúc, thoát ra khỏi cuộc chiến ở Đông Dương sao cho đỡ mất mặt nhất. Tướng Hen-ri Na-va đã được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng Chỉ huy đạo quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương (thay tướng Xa-lăng bị triệu hồi) để gánh vác "sứ mệnh" nặng nề đó.
Hen-ri Na-va đã nhanh chóng tìm hiểu tình hình và đề ra một kế hoạch tổng thể cả về chính trị và quân sự nhằm giành lại quyền chủ động chiến trường, đánh một đòn quyết định trước khi bước vào đàm phán trên thế mạnh với ta để kết thúc chiến tranh. Kế hoạch của Hen-ri Na-va về quân sự dự kiến chia làm hai bước: Bước một, từ Thu Đông 1953 đến Xuân Hè 1954 tránh giao chiến với chủ lực ta, tập trung xây dựng khối cơ động chiến lược ở miền Bắc, tiến hành bình định miền Nam và các tỉnh tự do ở Liên khu 5. Bước hai, từ mùa Thu 1954, sau khi đã bình định Nam Bộ, Trung Bộ và đã xây dựng được khối cơ động chiến lược, sẽ tổ chức giao chiến lớn với chủ lực ta ở miền Bắc nhằm tạo nên một cục diện quân sự có lợi cho Pháp khi xúc tiến một giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh.
Vào cuối tháng 8-1953, sau khi nắm được nội dung cơ bản của Kế hoạch Na-va, Tổng Quân ủy đã trình Bộ Chính trị Trung ương Đảng bản Đề án “Tình hình địch - ta ở Bắc Bộ sau khi địch rút khỏi Nà Sản và chủ trương tác chiến của ta trong Thu Đông 1953”. Bản Đề án chỉ rõ, Bộ Chỉ huy Pháp quyết định rút bỏ tập đoàn cứ điểm Nà Sản (từ ngày 9 đến ngày 12-8-1953) nhằm tập trung lực lượng về đồng bằng Bắc Bộ, tiến tới giành lại chủ động trên chiến trường trọng yếu này. Về lực lượng của ta ở Bắc Bộ, Tổng Quân ủy đánh giá là chưa chiếm ưu thế so với địch nên cũng chưa có khả năng thể hiện được ưu thế binh lực tuyệt đối trên hướng chính trong một chiến dịch ở đồng bằng. Vì thế, muốn tổ chức đánh lớn ở đồng bằng, bộ đội chủ lực cần phải giải quyết về mặt chiến thuật và tư tưởng vì phải tác chiến với quân cơ động của Pháp có phi pháo yểm trợ, phải đánh cả ban ngày và đánh địch cố thủ trong công sự kiên cố… Đây là những khó khăn đối với bộ đội chủ lực, nên Tổng Quân ủy chỉ nêu yêu cầu bộ đội chủ lực dùng những phương thức hoạt động thích hợp để tiêu diệt từng bộ phận nhỏ sinh lực địch, hỗ trợ chiến tranh du kích phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động ở Thượng Lào và ở các chiến trường khác để phân tán khối cơ động chiến lược của địch đang co cụm ở đồng bằng Bắc Bộ.
Các đại đoàn chủ lực như 308, 320 nhận được lệnh bố trí lực lượng sẵn sàng đề phòng địch đánh lên Việt Bắc, đánh ra Chi Nê, Nho Quan, đồng thời tập trung huấn luyện bộ đội đánh công kiên và đánh vận động, đánh ban ngày trong điều kiện quân địch có máy bay, pháo binh yểm trợ.
Để triển khai Kế hoạch Na-va, Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương đề nghị Chính phủ Pháp tăng viện 2 sư đoàn (rút từ khối Bắc Đại Tây Dương - NATO). Chính phủ Mỹ đã dành khoản viện trợ đặc biệt 385 triệu đô la cho đạo quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Đến giữa tháng 9-1953, số quân cơ động của Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ đã lên tới 8 binh đoàn bộ binh và dù; 7 binh đoàn xe thiết giáp, 2 binh đoàn xe lội nước. Bộ Chỉ huy Pháp chủ động mở hàng loạt cuộc hành quân ở đồng bằng Bắc Bộ như Clốt, Cá Măng, trù tính đánh ra Tây Nam Ninh Bình, vùng tự do Liên khu 5… Tổng Chỉ huy Hen-ri Na-va yêu cầu cấp dưới: phải hành động nhanh hơn đối phương, phải điều khiển chiến trận… nắm quyền chủ động bằng cách phóng ra những cuộc hành quân chớp nhoáng, đúng lúc, cho đến khi Việt Minh thật sự cảm thấy là họ bị săn đuổi.
Trước kế hoạch và hành động của địch, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh nghiên cứu xác định phương án tác chiến mới thích hợp, tập trung vào việc phân tán lực lượng cơ động của địch. Bộ Tổng tham mưu đã xây dựng phương án tác chiến, nội dung chính là: đẩy mạnh chiến tranh du kích trên các chiến trường để giam chân, tiêu hao địch; mở một số chiến dịch tiến công trên các địa bàn chiến lược hiểm yếu nhưng địch sơ hở, buộc chúng phải điều lực lượng cơ động đến đối phó. Nếu địch tiến công ra vùng tự do, tập trung chủ lực đánh tiêu diệt lớn.
Trên cơ sở của phương án tác chiến mới, Bộ Chính trị đã họp mở rộng tại núi Hồng, Định Hóa, Thái Nguyên vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-1953, bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh trình bày chủ trương: đưa một số đơn vị chủ lực lên hoạt động ở Tây Bắc, phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào mở các đợt hoạt động, tiến công tại những nơi địch sơ hở để buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích trên các chiến trường, đặc biệt là ở đồng bằng Bắc Bộ. Phương châm tác chiến được Bộ Chính trị xác định là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 là: sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng địch tạm kiểm soát. Cụ thể: trên chiến trường miền Bắc, sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công đánh lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Đề nghị phối hợp với Pa-thét Lào mở cuộc tiến công ở Trung Lào, tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Vì hành động của quân địch chưa rõ rệt nên trước mắt bố trí bộ phận quan trọng chủ lực tại một địa điểm cơ động, giấu kín lực lượng, sẵn sàng hành động. Nếu địch tăng cường lực lượng cho Tây Bắc, sẽ điều chủ lực lên để tiêu diệt…
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp, kết luận: Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động thì có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa. Trên cơ sở phương án tác chiến được xác định, Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng kế hoạch sử dụng các đơn vị chủ lực và phối hợp tác chiến trên các chiến trường.
Như vậy, đến trung tuần tháng 10 - 1953, Kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 đã được thông qua và xúc tiến triển khai. Đại đoàn 316 (thiếu Trung đoàn 176) nhận được lệnh tiến công tiêu diệt quân Pháp ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc. Sau khi giải phóng Lai Châu, sẽ phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào tiến công giải phóng Phong-xa-lỳ. Giữa tháng 11-1953, Đại đoàn 316 hành quân lên Tây Bắc. Tình báo Pháp phát hiện sự chuyển quân này, ngay lập tức báo cáo cho Hen-ri Na-va. Sự phản ứng tức thời của Bộ Chỉ huy Pháp, cụ thể là của Hen-ri Na-va là đưa quân dù lên chốt chặn ở Điện Biên Phủ, vừa ngăn không cho chủ lực ta tiến lên Lai Châu, đặc biệt là tiến sang Lào, đã tạo nên một bước ngoặt có lợi cho cuộc kháng chiến và gây ra hậu quả tồi tệ cho cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Từ đây, Điện Biên Phủ từ chỗ không được nhắc đến trong kế hoạch của Hen-ri Na-va cũng như kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 của ta, lại nhanh chóng trở thành tâm điểm trong kế hoạch điều hành của cả hai bên.
Chọn Điện Biên Phủ - Một quyết định lịch sử
Ngày 20-11-1953, trong khi cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên, được Bộ Tổng tư lệnh triệu tập, đang dự cuộc họp phổ biến kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, thì Hen-ri Na-va vội vã tung 6 tiểu đoàn lên chiếm đóng Điện Biên Phủ. Sự bị động đối phó của Pháp bắt đầu bộc lộ. Mặc dù Bộ Chỉ huy Pháp lúc đó vừa kết thúc chiến dịch Hải Âu với 32 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh, thiết giáp tham chiến, có cả hải quân và không quân yểm trợ, đánh vào khu vực Rịa, Nho Quan và phía Bắc Thanh Hóa, đang tỏ ra chủ quan về cái gọi là giành lại được “sự chủ động” trên chiến trường, nhưng chỉ cần một hoạt động tác chiến của ta đang triển khai một cách bình thường như vậy đã khiến kế hoạch của Bộ Chỉ huy Pháp bị đảo lộn hoàn toàn, buộc phải quay sang đối phó với hoạt động của ta. Động thái này của quân Pháp, với việc bị động chấp nhận cuộc quyết đấu ở Điện Biên Phủ, càng minh chứng cho chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt, nhạy bén khi đề ra kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, lại càng tỏ rõ sự đúng đắn, quyết đoán kịp thời khi quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, dồn toàn lực cho trận đánh quyết định này.
Quyết định chọn Điện Biên Phủ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua báo cáo và sự chuẩn bị, xây dựng kế hoạch chiến dịch của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu, dựa trên các căn cứ sau:
Một là, cuộc kháng chiến đã lớn mạnh, đang ở giai đoạn liên tiếp mở ra các chiến dịch chủ động tiến công quân Pháp. Thế và lực của cuộc kháng chiến đến thời điểm đó cho phép mở trận quyết chiến chiến lược để giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh.
Hai là, mặc dù so sánh lực lượng về quân sự còn thua kém địch cả về quân số (ta 290.000/địch 449.000), vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh, nhưng trình độ và kinh nghiệm tác chiến của bộ đội đã được nâng lên rất nhiều.
Ba là, Bộ Chỉ huy quân Pháp đã tỏ rõ sự bị động về chiến lược và chiến dịch khi đem một lực lượng lớn quân cơ động tinh nhuệ lên địa bàn Điện Biên Phủ xa xôi, chỉ có thể tiếp tế bằng đường không, tổ chức phòng ngự, chờ bộ đội ta tiến công để đối phó lại. Đây là một tính toán sai lầm của Tổng Chỉ huy Hen-ri Na-va dựa trên sự đánh giá sai lầm và chủ quan về khả năng tiến công của đối phương, mà ta có thể lợi dụng để đánh bại kẻ thù bằng ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm của toàn quân, toàn dân.
Bốn là, chủ trương của Đảng, căn cứ vào thực tiễn chiến trường, không phải và không thể đánh tiêu diệt hoàn toàn đạo quân Pháp xâm lược, mà tập trung lực lượng vào một đòn quyết định nhằm đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh, buộc Bộ Chỉ huy Pháp phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng Việt Nam bằng sức mạnh quân sự.
Năm là, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân, toàn dân đều thể hiện sự quyết tâm chiến đấu cao, lòng tin vào thắng lợi. Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh đã dự kiến các tình huống, những hạn chế, khó khăn có thể xảy ra cũng như những yêu cầu thực tế đặt ra phải giải quyết cả về cách đánh tập đoàn cứ điểm, huy động tập trung lực lượng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho tác chiến dài ngày, đường sá, cũng như việc kéo pháo vào trận địa…Đây là kết quả của những cố gắng nằm ngoài sức tưởng tượng của Bộ Chỉ huy Pháp nhưng lại nằm trong khả năng thực hiện của quân và dân ta.
Sáu là, quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” là một quyết định lịch sử, góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng.
Bảy là, quyết định chọn Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược còn mang ý nghĩa lịch sử ở chỗ: đây là đòn phối hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao rất nhịp nhàng, đúng lúc và hiệu quả. Tháng 11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo Thụy Điển “Expressen”, đưa ra khả năng đàm phán ngoại giao để giải quyết cuộc chiến tranh. Tháng 1-1954, hội nghị bốn nước lớn họp tại Béc-lin quyết định triệu một hội nghị quốc tế tại Giơ-ne-vơ vào ngày 26-4-1954 để bàn việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và cuộc chiến tranh Đông Dương. Một sự tình cờ thú vị, theo lịch trình, hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về chiến tranh Đông Dương sẽ họp vào ngày 8-5-1954, thì chiều ngày 7-5, quân và dân ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho cuộc đàm phán.
Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và giành được thắng lợi vang dội trong chiến dịch đó sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, còn là một đòn đánh mang tính quyết định vào ý đồ của Chính phủ Pháp ở Pa-ri và Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương hòng giành một thắng lợi quân sự để bước vào đàm phán trên thế mạnh, rút ra khỏi cuộc chiến tranh hao người, tốn của “trong danh dự”./.
Văn hóa - giáo dục trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ  (30/04/2014)
Liên minh đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào trong kháng chiến chống Pháp  (30/04/2014)
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với giai cấp, dân tộc và xã hội  (30/04/2014)
Huyện Lang Chánh triển khai nhiều giải pháp cụ thể làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (30/04/2014)
Huyện Lang Chánh triển khai nhiều giải pháp cụ thể làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (30/04/2014)
Đẩy mạnh giải ngân dự án đầu tư gắn với đảm bảo chất lượng  (29/04/2014)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay