Những lắt léo trong “cuộc chiến tỷ giá” Mỹ - Trung
TCCSĐT - Càng gần đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào Quốc hội Mỹ, “cuộc chiến tỷ giá” Mỹ - Trung càng thêm căng thẳng. Số phận tỷ giá NDT/USD sẽ ra sao phụ thuộc rất nhiều vào những lắt léo tiềm ẩn trong căn nguyên của cuộc chiến này.
Vì sao tỷ giá trở thành vấn đề?
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sụt giảm mạnh, sản xuất đình đốn và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Các chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng, nguyên nhân của tình trạng đó là do đồng USD quá mạnh khiến giá cả hàng hoá Mỹ trở nên cao và khó bán. Theo tính toán, nếu giá trị đồng USD tăng 10 điểm %, thì thâm hụt kim ngạch xuất khẩu tăng 200 - 250 tỉ USD một năm. Cứ mỗi một khoản thâm hụt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD thì nền kinh tế Mỹ mất đi 6.000 - 10.000 chỗ làm. Như vậy, việc đồng USD bị đánh giá cao 10% dẫn đến mỗi năm kinh tế Mỹ mất trên dưới 2 triệu việc làm.
Đồng USD mạnh đồng nghĩa với đồng tiền các nước khác yếu. Vì vậy, giải pháp được đưa ra là gây áp lực buộc các nước khác phải nâng giá đồng tiền của họ. Trung Quốc trở thành tâm điểm chịu áp lực này vì thâm hụt kim ngạch xuất khẩu Mỹ - Trung là ấn tượng nhất. Quốc hội Mỹ thời Tổng thống Bush cũng đã từng yêu cầu Trung Quốc nâng giá đồng NDT và trong vòng 3 năm (từ tháng 7-2005 đến đầu năm 2008), Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng tiền của mình theo hướng tăng lên hơn 20% so với đồng USD.
Người ta cho rằng, trong lúc đồng USD lao đao với khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc đã tranh thủ thi hành một chính sách đồng tiền yếu, neo đồng NDT vào đồng USD với tỷ giá thấp và do đó, đã góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng sản xuất trong nuớc, làm động lực cho tăng trưởng. Chính sách này đã đẩy cán cân thương mại Mỹ - Trung lệch về phía bất lợi cho Mỹ. Hàng hoá Mỹ mất lợi thế cạnh tranh vì giá quá cao dẫn đến sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng.
Một số người Mỹ đã đổ trách nhiệm sang Trung Quốc. Nhà kinh tế nhận giải Nobel Pôn Kruc-man (Paul Krugman) lo ngại thặng dư thương mại của Trung Quốc năm 2010 sẽ vượt quá 450 tỉ USD, bằng 10 lần năm 2003; thâm hụt kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đạt 18,3 tỉ USD năm ngoái có thể sẽ tăng lên vài lần.
Những dự đoán và số liệu thống kê nói trên khiến người Mỹ muốn quy hết trách nhiệm về những khó khăn của họ cho Trung Quốc. Dưới sức ép của các nghiệp đoàn trong khi cuộc vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ vào Quốc hội Mỹ bắt đầu khởi động, chính quyền của đảng Dân chủ đã phải “mạnh tay” với các tranh chấp thương mại quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc. Tháng 9-2009, lốp xe nhập từ Trung Quốc mở màn cho căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ này. Tiếp đến ngày 11-3, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố sẽ yểm trợ cho việc xúc tiến xuất khẩu, đặc biệt vào các nước đang xuất siêu sang Mỹ. Cốt lõi của chiến lược yểm trợ xuất khẩu này là gây áp lực buộc Trung Quốc nâng giá đồng NDT.
Tỷ giá có thực sự là vấn đề?
Để phân tích cuộc “chiến tranh tỷ giá” đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, trước hết, chúng ta cần tìm hiểu quyền lợi của từng nước trong vấn đề này.
Với Mỹ, việc Trung Quốc không chịu nâng giá đồng NDT sẽ làm cán cân thương mại lệch về hướng bất lợi cho các nhà xuất khẩu Mỹ, làm gia tăng thất nghiệp (chỉ số kinh tế quan trọng nhất đối với các kỳ bầu cử). Đó là lý do chính khiến chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma phải lên tiếng mạnh mẽ với vấn đề này khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần.
Tuy nhiên, giới tư bản Mỹ (“Thái thượng hoàng” của bất cứ chính quyền nào) lại dành sự chú ý nhiều hơn cho các khoản đầu tư vào Trung Quốc, nơi giá nhân công rẻ một cách đáng kinh ngạc so với giá nhân công ở Mỹ và chính quyền sở tại đang nỗ lực cao nhất để chuyển tài sản và bất động sản nhà nước thành nguồn thu ngân sách trong một chương trình đồ sộ có tên là cổ phần hoá. Việc nâng giá đồng NDT đồng nghĩa với việc tư bản Mỹ sẽ phải bỏ vào đây nhiều USD hơn để mua được cùng một nhà máy hay mảnh đất rao bán. Đương nhiên, vì mong muốn mua rẻ được những tài sản này, tư bản Mỹ không muốn đồng NDT được nâng giá ngay. Họ muốn đồng tiền của Trung Quốc chỉ được nâng giá sau khi họ đã mua xong những tài sản đó.
Như vậy, chính quyền Mỹ phải tham gia một “cuộc chiến kỳ quặc”: Một mặt, họ phải làm như là đang gây sức ép một cách mạnh mẽ nhất buộc Trung Quốc phải nâng giá đồng NDT để thu phục lá phiếu cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội tới đây, đặc biệt là trong bối cảnh đảng Dân chủ của Tổng thống B. Ô-ba-ma đang mất điểm trông thấy. Mặt khác, họ lại không muốn Trung Quốc nâng giá đồng NDT ngay lập tức, mà đợi cho các cuộc IPO (bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc tiến hành xong về cơ bản đã.
Còn đối với Trung Quốc, đồng NDT tăng giá sẽ tác động mạnh tới ngành xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động của nước này. Chẳng hạn, hàng lắp ráp điện tử chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong khi suất lợi nhuận của ngành chỉ vỏn vẹn có 3%. Nếu đồng NDT tăng giá trên 3%, toàn bộ lợi nhuận của ngành này sẽ bằng 0. Một ví dụ khác: chỉ cần đồng NDT tăng 1%, giá xe máy Trung Quốc sẽ tăng 1%, và thị phần tại châu Phi của Trung Quốc mất đứt 20%.
Để tránh những biện pháp trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, cũng như những vụ kiện cáo lên IMF, WB hay WTO từ phía Mỹ, Trung Quốc sẽ phải ưu tiên nhiều hơn cho việc nhập khẩu hàng Mỹ vào Trung Quốc để giúp cán cân thương mại hai nước ít nhiều cân bằng lại. Bên cạnh đó, việc trì hoãn IPO các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc cũng là một phương sách tốt để giữ được sự “đồng tình ngầm” đối với chính sách tỷ giá hiện nay của Trung Quốc.
Như vậy, việc giữ tỷ giá NDT/USD như hiện nay là một chiến lược quan trọng thúc đẩy kinh tế Trung Quốc vượt qua suy trầm. Nó sẽ tiếp tục phải chịu sức ép từ phía Mỹ, nhưng xét về bản chất, sức ép đó được cho là mang tính “giơ cao đánh khẽ”. Cuộc “chiến tranh tỷ giá” sẽ còn tiếp diễn, nhưng nó sẽ không tuân theo những quy luật tranh chấp thương mại thông thường bởi những lắt léo tiềm ẩn trong căn nguyên của nó./.
Thông báo Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa X)  (29/03/2010)
Khai mạc phiên họp lần thứ 122 Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới  (28/03/2010)
Kênh truyền hình 3 NTV - Cùng nông dân hội nhập  (26/03/2010)
Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh  (26/03/2010)
Về vấn đề khủng hoảng kinh tế và phát triển đầu thế kỷ XXI  (26/03/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên