Trần Phú - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trần Minh Trưởng PGS, TS, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
21:11, ngày 30-04-2014

TCCSĐT - Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Từ tư tưởng cách mạng yêu nước chuyển sang lập trường cách mạng vô sản...

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01-5-1904, tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nguyên quán là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống yêu nước cách mạng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Sinh ra khi đất nước ta đang đắm chìm trong vòng nô lệ của ngoại bang, tận mắt chứng kiến những nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến, năm 1922, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc học Huế, với mục đích góp phần đào tạo lớp người có chí hướng, làm lợi cho dân, cho nước, Trần Phú chọn nghề dạy học tại Trường tiểu học Cao Xuân Dục (thành phố Vinh, Nghệ An). Là một thanh niên trí thức giàu tinh thần yêu nước và đức tính cảm thông, sẻ chia với nhân dân, Trần Phú suy nghĩ phải làm cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng cho những người dân bị áp bức. Khi Hội Phục Việt(1) - một tổ chức của những người yêu nước vừa được thành lập ở Vinh, Trần Phú tham gia và sớm trở thành một trong những người lãnh đạo của tổ chức này.

Bước ngoặt trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú là vào cuối năm 1926, đồng chí được tổ chức cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tham gia vào lớp huấn luyện cán bộ do Người trực tiếp giảng dạy. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại khóa huấn luyện đã trang bị cho đồng chí Trần Phú những kiến thức cơ bản về cách mạng vô sản và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, để từ một thanh niên có tư tưởng cách mạng yêu nước, đồng chí đã chuyển sang lập trường cách mạng vô sản.

Một trong những ảnh hưởng sâu sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với Trần Phú, là tư tưởng về xây dựng một chính đảng cách mạng vững mạnh. Những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về đảng cách mạng, về công tác tổ chức và vận động quần chúng... đã trang bị cho đồng chí về nhận thức, tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, để bước vào hoạt động cách mạng với một niềm tin vào thắng lợi của cách mạng.

Sau khi kết thúc khóa học (tháng 10-1926), đồng chí Trần Phú được cử về nước hoạt động. Mặc dù không thành công trong việc thuyết phục Ban Lãnh đạo của tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng(2) thực hiện kế hoạch hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhưng đồng chí đã làm cho Ban Lãnh đạo Việt Nam cách mạng Đảng đồng ý đưa toàn bộ nội dung, chương trình, phương pháp huấn luyện, cách thức tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đem áp dụng vào huấn luyện cho tổ chức này.

Như vậy, có thể nói, đồng chí Trần Phú là một trong những người đầu tiên có công tiếp thu và đưa lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh truyền bá vào trong nước, đồng thời hướng hoạt động của Việt Nam cách mạng Đảng - một tổ chức yêu nước tự phát, đi theo quỹ đạo của cách mạng vô sản.

Năm 1927, với sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí được cử sang học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, ở thành phố Mát-xcơ-va (Liên Xô). Sau khi hoàn thành khóa học tại Trường Đại học Phương Đông, đầu năm 1930, theo Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động. Trong thời gian này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

... đến bản Luận cương chính trị lịch sử

Đầu tháng 02-1930, đồng chí Trần Phú về đến Sài Gòn, mật thám Pháp nghe tin, tổ chức truy bắt ráo riết, đồng chí phải bí mật sang Hồng Công. Tại đây, đồng chí đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người thông báo về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và tình hình cách mạng trong nước. Sau một thời gian nắm tình hình, ráp nối được với các cơ sở cách mạng trong nước, tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động. Được sự giới thiệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời giao nhiệm vụ dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng.

Chuẩn bị cho việc xây dựng bản Dự thảo Luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu thực tiễn ở các địa phương, như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh... để tìm hiểu rõ thêm về tình hình công nhân, nông dân; về tổ chức và hoạt động của các cơ sở đảng, về tinh thần và thái độ cách mạng của các giai tầng trong xã hội.

Tháng 7-1930, kết thúc chuyến khảo sát, trở về Hà Nội, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, đồng thời tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất. Đồng chí Trần Phú đã hoàn thành bản Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng và được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10-1930).

Nội dung chủ yếu của Luận cương chính trị trình bày những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, gồm 03 phần lớn: (1) Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương ; (2) Những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương; (3) Tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương.

Trong đó, vấn đề có tính cốt lõi nhất về đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng và mối quan hệ giữa 02 nhiệm vụ cách mạng dân tộc và dân chủ, được thể hiện trong văn kiện đã đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của Đảng ta, khẳng định tư duy và tài năng của đồng chí Trần Phú trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để có những đánh giá, luận giải đúng đắn và khoa học. Tư tưởng: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3) trong Chánh cương, một lần nữa được khẳng định trong Luận cương chính trị. Đó là: sau khi hoàn thành cách mạng tư sản dân quyền: “xứ Đông Dương sẽ nhờ vô sản giai cấp chuyên chánh các nước giúp sức cho mà phát triển, bỏ qua thời kì tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”(4).

Luận cương phân tích mối liên hệ mật thiết giữa cuộc đấu tranh chống phong kiến và chống đế quốc, giữa hai mục tiêu: dân chủ “thổ địa cách mạng” và dân tộc “Đông Dương hoàn toàn độc lập”. Như vậy, những vấn đề cơ bản về con đường, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng... của Đảng đã được thể hiện một cách đúng đắn, xuyên suốt và nhất quán ngay từ khi Đảng mới thành lập đến nay.

Những vấn đề cơ bản trong đường lối cách mạng của Đảng được thể hiện qua 02 văn kiện: Chính cương và Luận cương, đồng thời cũng khẳng định tư tưởng chiến lược cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và người học trò xuất sắc Trần Phú cơ bản có sự thống nhất. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường”(5).

Luận cương chính trị đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau này khẳng định là “văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Những văn kiện đó đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng xã hội cộng sản”(6).

Trên ý nghĩa đó, có thể khẳng định, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10-1930) đã thành công tốt đẹp. Kết quả của Hội nghị đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng và cá nhân đồng chí Trần Phú. Với việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức (thay cho Ban Chấp hành Trung ương lâm thời), Bộ Chỉ huy cao cấp của Đảng lần đầu tiên được kiện toàn về mặt tổ chức, có đủ đại diện của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, thể hiện sức chiến đấu của Đảng ngày càng lớn mạnh và rộng khắp. Vì thế, uy tín của Đảng không những được nhân lên trong phạm vi cả nước, mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng của toàn cõi Đông Dương. Mặt khác, với sự ra đời của Ban Chấp hành Trung ương do đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư, Đảng ta đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc tế Cộng sản. Tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (lần thứ XI), ngày 11-4-1931 (phiên họp thứ 25), đã ra Quyết định công nhận: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là một chi bộ của Đảng Cộng sản Pháp, từ nay được công nhận là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản”(7). Đó là một trong những yếu tố thuận lợi, tạo điều kiện cho Đảng ta củng cố và phát triển trong tình hình vô cùng khó khăn lúc bấy giờ.

Đối với cá nhân đồng chí Trần Phú, việc tổ chức thành công Hội nghị Trung ương lần thứ nhất trong bối cảnh, điều kiện khó khăn, hiểm nguy lúc bấy giờ, đã chứng tỏ năng lực lãnh đạo và trí tuệ mẫn tiệp của đồng chí Tổng Bí thư. Mặt khác, sự trưởng thành vượt bậc của đồng chí Trần Phú, cũng đồng thời khẳng định sự sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong công tác lựa chọn, đào tạo, huấn luyện, sử dụng cán bộ, nhất là việc lựa chọn và sử dụng cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trong đó Trần Phú là một học trò tiêu biểu.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (tháng 10-1930), Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trần Phú, đã nghiên cứu, đánh giá tình hình cách mạng, kịp thời đưa ra chủ trương, đường lối chỉ đạo phù hợp với thực tiễn, như trong việc tổ chức và tập hợp lực lượng cách mạng; về đoàn kết dân tộc; về công tác tuyên truyền lý luận, công tác tư tưởng của Đảng...

Đánh giá cao những cống hiến to lớn và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú cho Đảng, cho cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”(8); “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”(9).

Bản Luận cương chính trị của Đảng do đồng chí Trần Phú khởi thảo ra đời cách đây 84 năm, nhưng những ký ức về cuộc đấu tranh hào hùng, oanh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, và tinh thần dũng cảm hy sinh của đồng chí Trần Phú không bao giờ nhạt phai trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Đồng chí đã trở thành tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, người cộng sản kiên trung bất khuất, hy sinh trọn đời vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân./.

--------------------------------

(1) Hội Phục Việt thành lập ngày 14-7-1925, tại thành phố Vinh - Nghệ An. Đầu năm 1926, đổi tên thành Hội Hưng Nam; đến tháng 7-1926, đổi thành Việt Nam cách mạng Đảng; tháng 01-1930, đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam

(2) Đến tháng 7-1928, Việt Nam cách mạng Đảng đổi tên thành Tân Việt cách mạng Đảng

(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 2

(4) Văn kiện Đảng đã dẫn, t. 2, tr. 94

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 10, tr. 9

(6) Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, Báo Nhân dân, ngày 13-01-1999

(7) Văn kiện Đảng đã dẫn, t. 3, tr. 309

(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 11, tr. 255

(9) T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 55