Đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI
TCCSĐT - Nguồn lực con người luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của mỗi quốc gia, đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, khi nền kinh tế dựa vào tri thức sẽ tạo ra được nhiều cơ hội phát triển. Ngày 4-11-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, không chỉ của thời kỳ này.
Quan điểm của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực
Quan điểm về phát triển nguồn nhân lực của Đảng ta được thể hiện sâu sắc trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Các nội dung cơ bản đó là:
Một là, đặc trưng về con người xã hội chủ nghĩa nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được diễn đạt gọn hơn song vẫn bảo đảm đúng bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng, đó là: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.
Để phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và thực hiện được mục tiêu phát triển con người mà Cương lĩnh năm 2011 đề ra, Đảng ta nhấn mạnh: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”(1). Quan điểm này là sự tiếp nối tư tưởng nhất quán của Đảng, coi con người là chủ thể và là nguồn lực quan trọng nhất, quyết định sự phát triển xã hội và sự nghiệp cách mạng Việt Nam; mọi quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải hướng tới mục tiêu nhân văn cao cả là vì con người.
Điểm mới trong tư duy của Đại hội Đảng lần thứ XI là, một mặt, khẳng định vai trò chủ thể của con người; mặt khác, chỉ rõ để con người có điều kiện phát triển toàn diện và thực sự là chủ thể, cần phải có cơ chế thích hợp. Cơ chế đó là mở rộng dân chủ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình. Bởi lẽ, dân chủ là một trong những điều kiện căn bản nhất để phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của con người. Đồng thời, một khi dân chủ được bảo đảm sẽ tạo ra sự đồng thuận xã hội cao, đó là yếu tố không thể thiếu để tạo động lực phát triển đất nước.
Hai là, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020. Đại hội X của Đảng, cũng như các kỳ đại hội trước chưa xác định đó là khâu đột phá, là những khâu trọng yếu của sự phát triển. Lựa chọn đúng khâu đột phá sẽ tạo ra những tiền đề, điều kiện và môi trường thuận lợi để giải phóng mọi tiềm năng và khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
Ba là, phải “gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Trong điều kiện khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức phát triển nhanh chóng, những nước có trình độ phát triển thấp vẫn có thể tận dụng thời cơ, ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại để vươn lên tránh nguy cơ tụt hậu và tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững. Điều đó chỉ trở thành hiện thực nếu có sự gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư gia tăng nhanh chóng vào chất lượng nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến.
Đối với Việt Nam, một nước có xuất phát điểm thấp thì sự gắn kết này là yêu cầu nghiêm ngặt và càng phải được coi trọng, thậm chí là vấn đề sống còn của sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Do vậy, “gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” là một nội dung mới thể hiện định hướng của Đảng ta trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững.
Nguồn nhân lực nước ta hiện nay
Việt Nam được đánh giá là có lợi thế về dân số đông, đang trong thời kỳ “dân số vàng” nên lực lượng trong độ tuổi lao động khá dồi dào. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để đất nước ta thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay, ở Việt Nam đang tồn tại 2 loại hình nhân lực: nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Nhân lực phổ thông hiện tại vẫn chiếm số đông, trong khi đó, nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Cơ cấu phân bổ lao động theo ngành nghề cũng mất cân đối. Lao động trong các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư nghiệp ít và chiếm tỷ trọng thấp, trong khi đó các ngành xã hội, gồm: luật, kinh tế, ngoại ngữ... lại quá cao. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu nhân lực. Những lĩnh vực hiện đang thiếu lao động trình độ cao, như: kinh doanh tài chính, ngân hàng, kiểm toán, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo...
Nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có các đặc điểm sau:
- Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, dẫn đến tình trạng thừa về số lượng, thiếu về chất lượng.
- Sự kết hợp, bổ sung, đan xen giữa nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức,… chưa tốt, còn chia cắt, thiếu sự cộng lực để cùng phối hợp thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo các chuyên gia, để phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam trước mắt và lâu dài cần phải tính đến yếu tố chất lượng trẻ sơ sinh. Không thể nói đến phát triển nguồn nhân lực khi sinh ra những đứa trẻ còi cọc, ốm yếu; không thể nói đến phát triển nguồn nhân lực khi sức dân không được bồi dưỡng. Vấn đề này liên quan đến hàng loạt các yếu tố khác như chính sách xã hội, chính sách y tế, chính sách tiền lương, chính sách giáo dục…. Các vấn đề này hiện vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Đặc biệt, không thể nói đến nhân lực chất lượng cao khi chất lượng giáo dục - đào tạo ở các cấp học còn thấp; trình độ ngoại ngữ, khả năng sử dụng máy tính, công nghệ thông tin kém…
Kinh nghiệm một số nước về đào tạo nguồn nhân lực
Tại Mỹ, với một chiến lược dài hạn, kinh phí cho giáo dục đại học của Mỹ đến từ các nguồn khác nhau, như các công ty, tổ chức nhà nước, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo, nhà từ thiện... đã mang lại cho các trường khả năng xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, điều kiện thuê giảng viên giỏi, cũng như xây dựng quỹ hỗ trợ sinh viên. Trong giáo dục đại học ở Mỹ, tính cạnh tranh giữa các trường rất cao. Nếu sinh viên vào được các trường đại học tốt, nổi tiếng và học giỏi, cơ hội có việc làm sẽ tăng lên rất nhiều.
Tại Cộng hòa Séc, để đón trước cơ hội và thúc đẩy hội nhập thành công vào Liên minh châu Âu (EU), nước này đã xây dựng và hoàn thành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực (từ tháng 12-2000). Chiến lược này là một bộ phận cấu thành của Chương trình Thị trường lao động và phát triển nguồn nhân lực. Trong các chiến lược thành phần, đáng chú ý có chiến lược phổ cập tiếng Anh, chiến lược cải thiện nhân lực hành chính công, chiến lược phát triển giáo dục đại học - cao đẳng và liên kết với hoạt động nghiên cứu, chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên, chiến lược phát triển học suốt đời...
Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong phát triển nguồn nhân lực. Xuất phát từ việc xác định rằng, nước Nhật nghèo tài nguyên thiên nhiên, để phát triển, chỉ có thể trông chờ vào chính mỗi người dân, Chính phủ nước này đã đặc biệt chú trọng tới giáo dục - đào tạo, thực sự coi đây là quốc sách hàng đầu. Theo đó, chương trình giáo dục đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở là bắt buộc; tất cả học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi được học miễn phí. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ở nước này ngày càng nhiều và Nhật Bản đã trở thành một trong những cường quốc giáo dục của thế giới.
Tại Hàn Quốc, chính sách giáo dục được xây dựng phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế. Năm 1950, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương xóa mù chữ cho toàn dân. Những năm sau đó, hệ thống giáo dục dần được đẩy mạnh bằng nhiều biện pháp, như: phát triển giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học (năm 1960); các trường dạy nghề kỹ thuật (năm 1970); đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và giáo dục trên lĩnh vực khoa học cơ bản và công nghệ, nâng cao chất lượng giáo dục và học suốt đời. Năm 1992, Hàn Quốc thực hiện cải cách giáo dục với mục tiêu tái cấu trúc hệ thống giáo dục hiện có thành một hệ thống giáo dục mới, bảo đảm cho người dân được học suốt đời. Tháng 12-2001, Chính phủ Hàn Quốc công bố Chiến lược quốc gia lần thứ nhất về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2001 - 2005. Tiếp đó, Chiến lược quốc gia lần thứ hai về phát triển nguồn nhân lực thời kỳ 2006 - 2010 được xây dựng và thực hiện hiệu quả. Nội dung chính của các chiến lược này đề cập sự tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học và các cơ sở nghiên cứu; nâng cao trình độ sử dụng và quản lý nguồn nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực trong khu vực công; xây dựng hệ thống đánh giá và quản lý kiến thức, kỹ năng và công việc; xây dựng kết cấu hạ tầng thông tin cho phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển thị trường tri thức...
Xin-ga-po áp dụng linh hoạt chính sách giáo dục và luôn hướng đến khả năng, sở thích cũng như năng khiếu của từng học sinh nhằm giúp các em phát huy cao nhất tiềm năng của mình. Bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học - công nghệ mới vào giảng dạy, chương trình đào tạo của Xin-ga-po luôn chú trọng vào giáo dục nhân cách, truyền thống văn hóa dân tộc. Để thu hút sinh viên quốc tế đến học tập, Chính phủ Xin-ga-po miễn xét thị thực cho du học sinh quốc tế, không đòi hỏi phải chứng minh tài chính, chi phí học tập vừa phải, môi trường học tập hiện đại, các ngành, nghề đào tạo đa dạng... Nhà nước Xin-ga-po chỉ đầu tư vào rất ít trường công lập để có chất lượng mẫu mực, có chính sách tín dụng thích hợp để thu hút đào tạo nhân tài. Đối với khối ngoài công lập, Chính phủ tạo điều kiện để phát triển, khuyến khích việc liên thông, liên kết với nước ngoài, mời gọi các đại học quốc tế đặt chi nhánh...
Từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm của thế giới, có thể thấy rằng, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta có ý nghĩa hết sức quan trọng và cũng là yêu cầu bức thiết hiện nay. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã khẳng định vai trò quyết định chất lượng giáo dục của đội ngũ nhà giáo ở các cấp. Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết này tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6-1-2014 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng, vấn đề cốt lõi của việc thay đổi hiện nay là chuyển từ nền giáo dục chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, tăng thực hành, áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Đổi mới giáo dục nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau:
Thứ nhất, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 19-4-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, trong đó nêu rõ mỗi bộ, ngành và địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Vấn đề hiện nay là, cần hiện thực hóa Chiến lược bằng các biện pháp, hành động cụ thể. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy rõ, coi trọng và quyết tâm thực thi chính sách giáo dục - đào tạo phù hợp là nhân tố quyết định tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Thứ hai, triển khai quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trên cơ sở đánh giá lại năng lực đào tạo của từng trường, nhu cầu nguồn nhân lực về giáo viên và cán bộ quản lý ngành giáo dục ở từng địa phương nhằm sắp xếp lại các trường sư phạm thành một hệ thống thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Củng cố, phát triển hệ thống giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, song song với việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực cần đi đôi với xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá trị của con người trong thời đại hiện nay như trách nhiệm công dân, tinh thần học tập, trau dồi tri thức; có ý thức và năng lực làm chủ bản thân, làm chủ xã hội; sống có nghĩa tình, có văn hóa, có lý tưởng. Đây cũng là những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, rất cần được tiếp tục phát huy trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Thứ tư, xây dựng chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ điều kiện sống, điều kiện công tác, giảng dạy cho đội ngũ nhà giáo ở tất cả các loại hình giáo dục, các chế độ về bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Đặc biệt, cần có sự chú trọng đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa. Đổi mới cách thức thi tuyển, trọng dụng nhân tài ngành giáo dục nói riêng và các ngành nói chung, tinh giản bộ máy biên chế để bảo đảm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở mọi lĩnh vực./.
-----------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 100
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 22 và 23  (28/03/2014)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 22 và 23  (28/03/2014)
Triển lãm tư liệu chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa tại Phú Yên  (28/03/2014)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Haiti  (28/03/2014)
Kim ngạch thương mại Singapore - Việt Nam tăng 20%  (28/03/2014)
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam với Thái Lan, Pakistan  (28/03/2014)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên