Tuần qua các thị trường hàng hóa toàn cầu đã trải qua nhiều sóng gió với “cơn bão” mang tên Ukraine. Giá dầu sau khi “nóng lên" đã “hạ nhiệt” khi tình hình ở Ukraine có phần lắng xuống.

Trong phiên giao dịch đầu tuần trước, giá dầu đã lập mức cao kỷ lục tính từ đầu năm tới nay khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine làm dấy lên tâm lý lo ngại về nguy cơ các nguồn cung năng lượng bị gián đoạn. Nhưng ngay ngày 04-3, dầu thô đã xuống giá, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố “không cần thiết” phải điều quân tới Ukraine.

Việc Nga phải đối mặt với những trừng phạt của Mỹ và châu Âu có nguy cơ tác động mạnh tới các thị trường, trong bối cảnh Nga là nhà sản xuất năng lượng chủ chốt cho thế giới, đồng thời cũng là nước xuất khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên sang Tây Âu. Hiện hơn 70% lượng dầu mỏ và khí đốt của Nga xuất sang châu Âu đang đi qua “trạm trung chuyển” Ukraine.

Phiên 05-3, thị trường bị ảnh hưởng bởi các mối lo về nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu thô nhiều thứ hai thế giới. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 7,5% trong năm 2014, trong khi con số này năm 2013 và 2012 là 7,7%.

Cũng trong phiên 05-3, thị trường còn bị giáng một đòn mạnh sau khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố thống kê cho hay dự trữ dầu thô của quốc gia này trong tuần kết thúc vào ngày 28-02 tăng 1,4 triệu thùng, trong khi mức tăng dự kiến là 1 triệu thùng. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn không cao.

Chốt phiên 07-3 tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4-2014 tăng 1,02 USD lên 102,58 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ đóng cửa ở mức 109 USD/thùng, tăng 90 xu Mỹ so với phiên trước đó.

Theo các chuyên gia phân tích, giá dầu tăng trong phiên này do thị trường lao động Mỹ khả quan hơn tiên lượng, và những bất ổn địa - chính trị phát sinh từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Bộ Lao động Mỹ cho hay, nền kinh tế này có thêm 175.000 việc làm trong tháng 2-2014 - yếu tố giúp triển vọng kinh tế quý 2-2014 trở nên sáng sủa hơn.

Trong một diễn biến có liên quan, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cảnh báo sẽ ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ukraine, nếu chính phủ tạm quyền ở Kiev không thanh toán khoản nợ đã lên đến 1,89 tỷ USD.

Tổng Giám đốc Gazprom Alekxei Miller nhấn mạnh ngày 07-3 vừa qua là hạn cuối cùng Kiev phải thanh toán các hóa đơn mua lượng khí đốt đã được giao trong tháng 2-2014./.