Huyện Quang Bình: 10 năm xây dựng và phát triển

Lê Quang Minh Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy huyện Quang Bình, Hà Giang
21:23, ngày 09-03-2014
TCCSĐT - Huyện Quang Bình (Hà Giang) được thành lập theo Nghị định số 146/NĐ-CP ngày 01-12-2003 của Chính phủ; chính thức công bố thành lập ngày 24-12-2003. Toàn huyện có 15 xã, thị trấn, 135 thôn, tổ dân phố; tổng diện tích tự nhiên 79.188,04 ha, dân số trên 60 nghìn người, với 12 dân tộc anh em. Đảng bộ huyện có 65 chi bộ, đảng bộ trực thuộc với trên 5.300 đảng viên.

Sau 10 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở, sự đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn vươn lên của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Quang Bình đã đạt những kết quả đáng kể, kinh tế liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; văn hoá - xã hội đạt nhiều tiến bộ;…

Sau 10 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; văn hoá - xã hội đạt nhiều kết quả tiến bộ; quốc phòng - an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm ổn định, giữ vững; hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố vững chắc; “lòng Dân ý Đảng” được tăng cường. Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo nhân dân tập trung chuyển đổi cây trồng vật nuôi, mạnh dạn xây dựng các mô hình trong sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả; các xã vùng cao tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, trồng chè, trồng rừng… Các xã vùng núi thấp đẩy mạnh gieo trồng lúa, ngô, lạc hàng hoá, trồng cây cam, chè, chăn nuôi trâu, bò, thuỷ sản, và thủ công nghiệp. Nhờ nguồn sáng lan tỏa từ các chủ trương, nghị quyết hợp lòng dân, Quang Bình đã từng bước bứt phá đi lên một cách tự tin và vững chắc.

Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh nêu trên, ngay từ những ngày đầu thành lập huyện, Đảng bộ huyện đã xác định dù khó khăn đến đâu nhưng phải phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm “biến khó khăn thành cơ hội phát triển”, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy các khoá, luôn kế thừa phát triển nhưng thành quả và kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo đi trước; duy trì thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, đặc biệt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; phát huy trí tuệ tập thể, đưa ra những quyết sách đột phá trong bước đường phát triển. Trong lãnh đạo, chỉ đạo luôn bám sát chỉ đạo cấp trên, phát huy vai trò chủ động sáng tạo, chỉ đạo sâu sát cơ sở, luôn luôn có sự đổi mới, năng động, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn và các đoàn thể nhân dân trong huyện có sự đổi mới tích cực về nội dung, hình thức và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2010 - 2015, với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển”, đã xác định và biểu quyết thông qua 37 chỉ tiêu chủ yếu và 52 chỉ tiêu cụ thể. Trên cơ sở đó, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua 10 năm xây dựng và phát triển, đến năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn huyện đạt mức trên 15%, tổng giá trị tăng thêm ước đạt 990,4 tỷ đồng, tăng 414,6 tỷ đồng so với năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,2 triệu đồng (tăng 6,2 triệu đồng), đạt 79% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm 35,5% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt trên 40.000 tấn. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển 5 cây, 2 con (lúa, ngô, lạc, cam, chè, trâu, lợn) để phát triển kinh tế hàng hóa. Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn người dân gieo trồng kịp thời vụ, kịp thời phòng chống dịch bệnh, xây dựng các mô hình sản xuất thâm canh, tăng vụ như mô hình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư, cánh đồng mẫu, cây vụ đông, mô hình trồng cam theo hướng tiêu chuẩn VietGap, mô hình cải tạo vườn đồi gắn với xây dựng nông thôn mới, mô hình hỗ trợ hộ nghèo thông qua hộ khá, giàu có điều kiện..., quan đó, đã nâng đỡ, giúp nhiều hộ dân thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững.

Giao thông, thủy lợi cũng có những bước phát triển mới. Toàn huyện có 14/15 xã, thị trấn đã có đường nhựa; các thôn, bản có đường xe cơ giới đến trung tâm; 100% các xã, thị trấn có trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng kiên cố từ 2 tầng trở lên; hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hoá đạt gần 70%. Phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” với các phong trào “Ngày thứ bảy vì nông thôn mới”, “Nông thôn vì nông thôn đổi mới”, “Đàn ông làm đường, đàn bà làm vườn; đàn ông làm nhà, đàn bà xây tổ ấm” được tổ chức rộng khắp, có hiệu quả khá rõ nét. Nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền của để làm đường giao thông liên thôn, liên xóm, liên gia… Đến nay, đã có 100% xã, thị trấn xây dựng xong quy hoạch Đồ án và đề án xây dựng nông thôn mới với sự tham gia của người dân và triển khai việc lập quỹ phát triển thôn trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới... Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Về tổ chức sản xuất, toàn huyện có 14 doanh nghiệp, 58 hợp tác xã, 1.580 hộ kinh doanh và 450 hộ gia đình phát triển kinh tế theo mô hình trang trại. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp tích cực cho các phong trào của địa phương.

Lĩnh vực giáo dục - y tế được đẩy mạnh. Hầu hết các bậc học, ngành học, đội ngũ giáo viên cơ bản đạt chuẩn, cơ sở vật chất, phòng học kiên cố hoá đạt 90%; công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân không ngừng được nâng lên, có 6/15 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Cùng với việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn theo định hướng của Đảng “xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, xây dựng mô hình “ Hội nghệ nhân dân gian” bài trừ các hủ tục lạc hậu, tạo môi trường văn hóa, tinh thần lành mạnh cho người dân, xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tiếp tục được quan tâm phát triển, đến nay có 90/135 thôn bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn Làng văn hoá; có 8.737 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 giảm còn dưới 14 %, công tác đền ơn, đáp nghĩa theo truyền thống dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công được quan tâm, chăm lo.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn và các đoàn thể nhân dân được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Năm 2012 có 55/65 chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh, đạt tỷ lệ 84,6%; không có đảng bộ yếu, kém…

Để tiếp tục phát huy, phát triển những thành quả đạt được trong những năm qua, nhất là trong 10 năm thành lập huyện. Đảng bộ huyện Quang Bình sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong toàn huyện; quyết tâm phấn đấu; quyết liệt thực hiện; bền bỉ, bền vững, tập trung cụ thể hóa các nghị quyết thành các chỉ tiêu cụ thể, địa chỉ rõ ràng để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; phấn đấu trở thành huyện động lực thực sự của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng, giá trị gia tăng đạt trên 19%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý, phấn đấu đến năm 2015 tăng dần tỷ trọng thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, du lịch, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/người/năm, có 3 xã đạt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo lộ trình; xây dựng 3 - 5 trường đạt chuẩn quốc gia; tiếp tục xây dựng xã, thị trấn đạt bộ tiêu chíí quốc gia về y tế; giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 10%; duy trì và nâng cao chất lượng làng, tổ khu phố văn hoá, cơ quan, đơn vị văn hoá, phấn đấu đạt 90% gia đình văn hoá; 100% các xã, thị trấn có sân thể thao; hàng năm đào tạo nghề và giải quyết việc làm từ 1.500 - 2.000 lao động; hộ nghèo giảm còn dưới 10 %; xây dựng các tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Có thể nói, 10 năm xây dựng và phát triển, bộ mặt Quang Bình hôm nay đã có sự đổi thay vượt bậc. Cuộc hành trình đi về phía trước của huyện Quang Bình vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức, song cũng hiện hữu nhiều cơ hội thuận lợi để hứa hẹn những thành công mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quang Bình tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; không ngừng đổi mới, quyết tâm xây dựng quê hương Quang Bình, vững bước hòa nhịp cùng toàn tỉnh Hà Giang và cả nước trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập; vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.