“Bình đẳng cho phụ nữ là sự tiến bộ cho mọi người”

Tin, ảnh: Thảo Vân
21:27, ngày 08-03-2014

TCCSĐT - Ngày 07-3-2014 tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn Đối thoại chính sách về bình đẳng giới để kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.

Tham dự có hơn 200 đại biểu đại diện các bộ, ngành như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Tư pháp; Giáo dục và Đào tạo; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Tổng liên đoàn lao động... đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam, các nhà tài trợ, các tổ chức NGOs và các cơ quan báo chí.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Diễn đàn này là cơ sở quan trọng giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch thúc đẩy nhanh hơn tiến đột hực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, đồng thời đóng góp vào chương trình nghị sự của Khóa họp thường niên lần thứ 58 của Ủy ban địa vị của Liên hợp quốc năm nay. Diễn đàn được tổ chức nhằm nêu cao tầm quan trọng của bình đẳng giới cho sự phát triển của tất cả các cá nhân trong xã hội và biểu dương những thành tựu cũng như đẩy mạnh quá trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) cho phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam trong bối cảnh sắp hết thời hạn của các MDGs đang gần kề.

Điểm qua những thành tựu về bình đẳng giới mà Việt Nam đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ trên thực tế. Một số chính sách đáng chú ý mới đã được ban hành gần đây như: tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên thành 6 tháng, quy định người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao có thể tăng tuổi nghỉ hưu tới 5 năm so với quy định hiện hành đã mở ra cơ hội cho phụ nữ có trình độ cao; có văn bản chỉ đạo tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo cấp cao ở các bộ, ngành; đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi; bảo vệ quyền lợi của người giúp việc và ngăn chặn quấy rối tình dục…

Đặc biệt, năm 2013 đánh dấu sự kiện quan trọng của đất nước khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua, trong đó tiếp tục khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt” và nêu rõ “Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới… Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Với hệ thống pháp lý ngày càng hoàn thiện, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới được nâng cao, khoảng cách giữa pháp luật và thực tiễn đang dần được thu hẹp. Những thành tựu đạt được về bình đẳng giới nêu trên có một phần đóng góp không nhỏ của các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng chỉ ra những tồn tại, thách thức nhất định trong công tác bình đẳng giới như: tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa giảm và có chiều hướng diễn biến phức tạp; tỷ lệ nữ tham gia quản lý lãnh đạo còn thấp so với chỉ tiêu phấn đấu đề ra; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao do những tồn tại dai dẳng về định kiến “trọng nam hơn nữ”; khoảng cách giới trong thu nhập chưa được cải thiện rõ rệt…

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Arthur Erken, Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc thường trú tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong thời khắc quan trọng vì phụ nữu và trẻ em gái. Chúng ta không thể lùi bước trong đấu tranh vì bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là ước vọng mà còn là trách nhiệm của Chính phủ, của Liên hợp quốc và của tất cả chúng ta.

Tại buổi đối thoại, đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam đã trình bày những những đánh giá của Liên hợp quốc đối với quá trình thực hiện các MDGs của Việt Nam bao gồm những thách thức về giới trong việc thực hiện và kiến nghị đưa bình đẳng giới trở thành một phần chủ chốt trong quá trình hoạch định chính sách và chương trình phát triển nghị sự sau năm 2015.

“Chúng ta không thể có được sự tiến bộ nếu không đạt được bình đẳng giới. Bình đẳng giới sẽ dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Lãnh đạo nữ giúp cho công ty được vận hành tốt hơn. Quốc hội có nhiều phụ nữ sẽ ban hành những bộ luật tốt hơn về những vấn đề xã hội then chốt như y tế, giáo dục, chống lại phân biệt đối xử và hỗ trợ trẻ em. Bình đẳng giới cho phụ nữ có nghĩa là tiến bộ cho tất cả mọi người”. (Arthur Eken, Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc thường trú tại Việt Nam).

Tại Diễn đàn này, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có bài trình bày về “Tăng cường thực hiện bình đẳng giới nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ tại Việt Nam”; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Viện nghiên cứu Gia đình và giới cũng đã chia sẻ với các đại biểu kết quả nghiên cứu về bình đẳng giới. Những nghiên cứu này đã cung cấp thêm bằng chứng và kinh nghiệm thực tế cho Chính phủ Việt Nam và tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới cho tất cả các nhóm đối tượng như phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đồng thời ngăn chặn và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng, việc đưa bình đẳng giới vào các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 là rất cần thiết nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và đảm bảo quyền con người của phụ nữ trên mọi lĩnh vực. Các đại biểu cũng đánh giá cao những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong việc thực hiện các MDGs như giảm nghèo và xóa bỏ chênh lệch giới tính trong giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; đồng thời xác định những trở ngại của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Bình đẳng giới không chỉ là vấn đề đòi hỏi sự công bằng và tôn trọng những quyền nhân quyền cơ bản mà còn là sự tiến bộ của xã hội và có ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác như tăng trưởng kinh tế, y tế, giáo dục, chống phân biệt đối xử và chăm sóc trẻ em.

Diễn đàn đối thoại chính sách đã được tổ chức thành công với những cam kết và khuyến nghị thúc đẩy bình đẳng giới của các bên tham gia. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Liên hợp quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (2011 - 2020), Chương trình quốc gia về bình đẳng giới (2011 - 2015) và cùng xem xét chuẩn bị cho chương trình nghị sự hậu 2015 và tổng kết toàn cầu và khu vực về 20 năm thực hiện cương lĩnh hành động Bắc Kinh./.