Đối thoại ASEAN - Ấn Độ tập trung cụ thể hóa Tuyên bố Tầm nhìn
Tại New Delhi, ngày 07-3-2014, Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần thứ 6 tiếp tục thảo luận các vấn đề trọng tâm theo tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn được đưa ra tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại ASEAN - Ấn Độ tháng 12-2012.
Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách đối ngoại Học viện Ngoại giao Việt Nam Hoàng Anh Tuân và ông Võ Xuân Vinh, Trưởng Ban Quan hệ quốc tế và chính trị quốc tế thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã trình bày tham luận tại các phiên thảo luận.
Phát biểu trước khi bắt đầu các phiên thảo luận, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma nhấn mạnh các mối quan hệ khăng khít về văn hóa, địa lý, an ninh, kinh tế, giao lưu nhân dân giữa Ấn Độ với các nước ASEAN. Theo Bộ trưởng Sharma, Ấn Độ và ASEAN ngày nay đang trong vòng xoáy thay đổi do những xu hướng kinh tế và chiến lược mới tại châu Á - Thái Bình Dương hoặc khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, được khởi xướng từ năm 1991 đã thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ với các nước ASEAN và mối quan hệ này đã mang lại những kết quả tốt trong lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Chính sách tự do hóa kinh tế năm 1991 của Ấn Độ đã thiết lập khuôn mẫu để đẩy mạnh quan hệ thương mại Ấn Độ - ASEAN. Quan hệ hợp tác thương mại Ấn Độ - ASEAN phát triển mạnh mẽ và đạt giá trị khoảng 80 tỷ USD, chiếm khoảng 12% tổng giá trị xuất khẩu và 9% giá trị nhập khẩu của Ấn Độ trong tài khóa 2011 - 2012. Ấn Độ và ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện hồi tháng 10-2003; tiếp đó việc ký Hiệp định thương mại về hàng hóa (TIG) tháng 8-2009 đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển hợp tác kinh tế song phương cũng như đa phương. TIG có hiệu lực năm 2010 và sau đó, hai bên đã kết thúc tiến trình đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA) về dịch vụ, đầu tư (tháng 12-2012) và tiến tới chính thức ký hiệp định này…
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nêu rõ trong 5 năm thực hiện Lộ trình hướng tới một Cộng đồng ASEAN vào tháng 12-2015, hơn 80% số biện pháp đề ra trong ba bản kế hoạch chi tiết đã được thực hiện. Trong tiến trình thực hiện Lộ trình này, ASEAN đã tăng cường sự liên kết kinh tế, trách nhiệm xã hội và giảm khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các nước thành viên. Thực tế, ASEAN đã kết nối mạnh hơn không chỉ về địa lý mà cả thể chế và giữa người dân với người dân. Vị thế của ASEAN trong khu vực và trên thế giới đã được nâng cao hơn bao giờ hết.
Về mặt chính trị, với hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cơ bản được bảo đảm, ASEAN đã tăng cường thống nhất lập trường về các vấn đề cùng quan tâm trong khu vực và toàn cầu. Về kinh tế, ASEAN đã đạt được những thành tựu cơ bản trong giảm thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư, liên kết thị trường vốn, tăng cường an ninh lương thực, giảm khoảng cách chênh lệch về phát triển và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài…
Trả lời phỏng vấn phóng viên bên lề Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần thứ sáu, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cho biết cuộc Đối thoại đã tập trung thảo luận những chủ đề chính như cụ thể hóa Tuyên bố tầm nhìn; vai trò của khu vực Đông - Bắc Ấn Độ trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ; kiến trúc khu vực tại châu Á - Thái Bình Dương: Vai trò của Ấn Độ và ASEAN; Đối thoại Delhi: Con đường hướng về phía trước. Ông cho biết trong Tuyên bố Tầm nhìn, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đã cam kết tăng cường kết nối ASEAN - Ấn Độ. Mở rộng và cải thiện kết nối các tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển và đường không sẽ rất quan trọng để tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư ASEAN - Ấn Độ.
Một số lĩnh vực quan trọng khác trong quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ là hợp tác về thông tin và công nghệ thông tin, đặc biệt là kết nối kỹ thuật số. Ông cho biết trong Tuyên bố Tầm nhìn, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ cũng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của hợp tác văn hóa - xã hội, giao lưu nhân dân. ASEAN và Ấn Độ cần tiếp tục đà những thành tựu đã đạt được trong quan hệ hợp tác nhằm góp phần giảm khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các nước thành viên; cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển du lịch, khoa học không gian, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường và tiết giảm sự thay đổi khó hậu…
Trong phiên khai mạc chiều 06-3, trưởng Đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN - Ấn Độ và hoan nghênh chủ đề “Thực hiện tầm nhìn vì đối tác và thịnh vượng” được thảo luận tại Đối thoại Delhi lần thứ sáu. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đánh giá cao những đóng góp cơ bản của các thành viên ASEAN và Ấn Độ nhằm cụ thể hóa Tuyên bố tầm nhìn vì lợi ích không chỉ của Đối tác Ấn Độ - ASEAN, mà còn vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của toàn khu vực. Ông nêu rõ sự cần thiết phải có những phản ứng tập thể đối với cả thách thức lẫn cơ hội trong bối cảnh những phát triển địa chính trị, địa chiến lược, địa kinh tế tại Đông Á; cần sử dụng tất cả những cơ chế hợp tác hiện có giữa ASEAN và Ấn Độ để thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn…./.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp họp phiên thứ 26  (07/03/2014)
Việt Nam dự phiên thảo luận về nhân quyền thế giới  (07/03/2014)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên