Trang mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Trúc Lâm
10:52, ngày 27-06-2007

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội đàm với Tổng thống G. Bu-sơ

Tiếp nối những hoạt động đối ngoại sôi động của đất nước vào những ngày cuối tháng 5, trong 5 ngày từ 18-6 đến ngày 23-6 vừa qua, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết và phu nhân đã thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ G.Bu-sơ và phu nhân. Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhất. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong khuôn viên Nhà trắng của Mỹ là sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc bình thường hóa hoàn toàn và đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sang trang sử mới.

Những sự kiện quan trọng
trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ
- Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ 12-7-1995
- Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ ký tháng 7-2000, có hiệu lực tháng 12-2001.
- Tổng thống Hoa Kỳ Bin Clin-tơn thăm Việt Nam tháng 11- 2000.
- Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ năm từ ngày 19 đến 25-6-2005
- 31-5-2006: Mỹ là đối tác cuối cùng ký kết thỏa thuận trong số 28 nước thành viên WTO mà Việt Nam phải đàm phán để gia nhập WTO.
- Tổng thống Hoa Kỳ G. Bu-sơ thăm Việt Nam khi tham dự Hội nghị APEC năm 2006.
- Ngày 9-12-2006, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua dự luật về Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam.
- Ngày 20-12-2006, Tổng thống Hoa Kỳ G. Bu-sơ ký phê chuẩn cả gói các luật trong đó có PNTR đối với Việt Nam.

Với mục tiêu: tăng cường quan hệ với Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, trong đó, trọng tâm là thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và mậu dịch song phương; thúc đẩy tiến trình giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại và thu hẹp các bất đồng về các vấn đề liên quan đến dân chủ và nhân quyền; thăm bà con Việt kiều đang sinh sống tại Hoa Kỳ để lắng nghe nguyện vọng ý kiến của bà con, đồng thời thông tin cho bà con về tình hình đất nước, chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thành công tốt đẹp.

Thông điệp mà Chủ tịch Nguyễn Minh Triết muốn gửi tới Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ qua các buổi tiếp xúc quan trọng với giới chức Hoa Kỳ và trong cuộc hội đàm với Tổng thống G.Bu-sơ là: Nhân dân Việt Nam cám ơn những người bạn, những người đã ủng hộ Việt Nam, ủng hộ việc thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Với truyền thống hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, nhân dân Việt Nam sẵn sàng gác lại quá khứ, mong muốn tăng cường đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với nhân dân Hoa Kỳ. Việt Nam coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng và mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên nền tảng sâu rộng, hiệu quả và vững chắc vì những lợi ích chiến lược lâu dài chung của cả hai nước và hai dân tộc. Mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân cả hai nước.

Chủ tịch nước Ngyễn Minh Triết khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn tình cảm của bạn bè trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam, cố gắng đưa nhân dân hai nước xích lại gần nhau sau chiến tranh. Chủ tịch cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và kiến quý báu của những người bạn thủy chung với Việt Nam nhằm giúp Việt Nam thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, cũng như góp phần củng cố quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong bức thư nói về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đăng trên tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn - tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất ở Mỹ, ngày 21-6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã viết: “Việt Nam đang ngày càng thể hiện là một đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng thế giới, sẵn sàng hợp tác hiệu quả với tất cả các nước trên thế giới vì hòa bình, ổn định và phồn vinh... Tôi thiết nghĩ một nước Việt Nam ổn định và phồn vinh cũng là ý nguyện của Chính phủ và nhân dân Mỹ”.

Trong quan hệ hai nước, hợp tác kinh tế, thương mại luôn là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ được ký kết vào tháng 7-2000 và có hiệu lực vào tháng 12-2001 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư. Rõ nhất là, kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2005 đạt 8,7 tỉ USD, tăng gấp 5 lần năm 2001 (1,5 tỉ USD); năm 2006 đạt khoảng 9,7 tỉ USD, trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ khoảng 8,6 tỉ USD; đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đến tháng 4 -2007 đạt hơn 2,3 tỉ USD, đứng thứ 8 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường tiềm năng nhất đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng như dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ... Hiện nay, có hơn 1.000 doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có rất nhiều tập đoàn và công ty lớn hàng đầu thế giới như Boeing, Microsoft, IBM, Intel, Ford, Citigroup...

Đồng thời, với tư cách là thành viên của ASEAN, Việt Nam tin tưởng rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, sẽ góp phần tích cực hơn nữa vào quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Sự khẳng định mạnh mẽ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Việt Nam ngày nay là một quốc gia hoà bình, thân thiện, năng động và có nền kinh tế phát triển. Nhân dân Việt Nam luôn tìm kiếm hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”; “Việt Nam sẽ tích cực hơn nữa trong việc mở cửa nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế”; “Việt Nam luôn mở rộng cửa đón chào các nhà đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao”…; cùng với những thành tựu mà Việt Nam đạt được sau hơn 20 năm đổi mới, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Việt Nam đang trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư. Đánh giá về mong muốn đầu tư vào Việt Nam của các công ty Mỹ, Trưởng ban Đông Nam Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ Murray Hiebert nhấn mạnh: Việt Nam là một mục tiêu đầu tư rất được ưa chuộng và các công ty Mỹ háo hức về chuyện đầu tư tại nơi này.

Trong bức thư của 10 tập đoàn doanh nghiệp Mỹ với nhan đề “Hoan nghênh Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn, có đoạn: “Chuyến thăm này là một cột mốc quan trọng nhằm phát triển sâu rộng mối quan hệ Việt Nam - Mỹ. Quan hệ giữa hai nước chúng ta đang phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi hoan nghênh các cuộc cải cách kinh tế của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và là một trong những thị trường có nhiều hứa hẹn nhất thế giới. Từ những thực tế làm ăn ở Việt Nam, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục con đường đổi mới, mở cửa và thịnh vượng cho nhân dân Việt Nam. Chúng tôi chúc chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thành công tốt đẹp”. Một kết quả cụ thể minh chứng cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đang trên đà phát triển là đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch nước đã ký kết với các đối tác của Hoa Kỳ những hợp đồng và thoả thuận kinh tế lên tới gần 11 tỉ USD.

Tại bữa tiệc chiêu đãi chào mừng Chủ tịch thăm chính thức Hoa Kỳ do Hội đồng thương mại Mỹ - ASEAN và Phòng Thương mại Mỹ tổ chức, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, đại diện Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ. Hiệp định này đánh dấu mốc hợp tác song phương mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đưa hợp tác kinh tế trở thành một trụ cột quan trọng nâng quan hệ đối tác giữa hai nước lên tầm cao mới.

Một hoạt động khác, vô cùng quan trọng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thể hiện sự mong muốn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, gác lại quá khứ đau thương, vượt qua những tổn thất nặng nề cả về vật chất và tinh thần do hậu quả của chiến tranh là: tiếp xúc và trao đổi ý kiến với cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Hoa Kỳ. Tới thành phố Los Angeles và nghỉ tại trung tâm quận Cam - nơi có đông Việt kiều sinh sống, Chủ tịch đã có cuộc gặp với gần 1.000 Việt kiều đại diện cho hơn 1,5 triệu Việt kiều trên khắp nước Mỹ. Khẳng định: người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói “Chúng ta cùng một cội nguồn sinh ra, cho nên không có lý gì mà chúng ta lại bất hoà với nhau, trong khi chúng ta muốn tăng cường đoàn kết với cả thế giới. Đối với nước Mỹ, chúng ta còn gác lại được quá khứ, hướng tới tương lai, huống gì đồng bào ta, người Việt Nam chúng ta lại không bỏ qua được quá khứ”. Trong cộng đồng người Việt làm ăn và sinh sống tại Hoa Kỳ, nhiều người đã trở về Việt Nam, có những đóng góp thiết thực để xây dựng đất nước. Nhiều người đã thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận của mình khi tận mắt chứng kiến quê hương đang đổi mới, phát triển. Chủ tịch cũng thừa nhận, hiện nay do thông tin từ trong nước ra nước ngoài còn chưa đầy đủ, khiến kiều bào có cái nhìn chưa đúng về tình hình trong nước. Vì thế, để có đủ thông tin, để có một cách nhìn đúng đắn về đất nước, bà con sống xa quê hương nên thường xuyên trở về thăm quê. Chia sẻ, thông cảm, gạt sang một bên những mặc cảm, định kiến, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam, nâng cao vị thế của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế là những điều mà bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng không thể chối từ. Cộng đồng Việt kiều tại Hoa Kỳ đánh giá chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là chuyến đi lịch sử.

Với những vấn đề được coi là nhạy cảm, có nhận thức khác nhau, nhất là về nhân quyền và tôn giáo, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định: Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động và cùng tồn tại trong hoà bình, đoàn kết. Pháp luật Việt Nam quy định rõ không ai được lợi dụng tôn giáo cho các mục đích hoạt động chính trị, phá hoại sự ổn định xã hội.

Để giành được hòa bình, độc lập, nhân dân Việt Nam đã phải tốn biết bao xương máu. Vì thế, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam mong muốn có hòa bình và hiểu rõ giá trị của nhân quyền, của quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc. Chủ tịch lưu ý rằng, trong những năm chiến tranh, rất nhiều người Việt Nam đã bị bắt bớ, tra tấn, tù đày vì đấu tranh đòi độc lập, tự do, tức là đấu tranh vì nhân quyền. "Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập dân tộc, tự do dân tộc cũng chính là giành quyền con người. Chúng tôi yêu cái quyền đó lắm. Chúng tôi bảo vệ nhân quyền". Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: ở Việt Nam không hề có chuyện bắt bớ, xét xử vì lý do bất đồng chính kiến. Những người bị bắt và xét xử là do vi phạm pháp luật Việt Nam và do đó phải bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Họ hoạt động có tổ chức, kết nối trong nước, ngoài nước, nhận tiền, lập đảng này đảng khác, lên kế hoạch lật đổ chế độ. Hành động như vậy không thể chấp nhận được.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng cho rằng, việc hai bên còn tồn tại một số khác biệt về quan niệm và phương cách đảm bảo quyền con người là điều bình thường do hoàn cảnh lịch sử, trình độ phát triển, truyền thống văn hóa và tập quán khác nhau. Tuy nhiên, so với lợi ích chung và tiềm năng hợp tác rộng lớn giữa hai nước, sự khác biệt đó là rất nhỏ. Để thu hẹp sự khác biệt đó, hai nhà lãnh đạo của hai nước đã thống nhất cách tiếp cận là tăng cường đối thoại để hiểu biết lẫn nhau, quyết tâm không vì sự khác biệt này mà làm ảnh hưởng đến mối quan hệ to lớn của hai nước.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bên cạnh những kết quả đạt được về chính trị sẽ mở ra triển vọng mới trong việc tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi, mang lại những cơ hội chưa từng có để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển ngày càng hiệu quả và bền vững. Đánh giá ý nghĩa của chuyến thăm này, báo chí phương Tây cho rằng đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao và trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy, đầy tiềm năng của các nhà đầu tư quốc tế.

Thực tế hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là kết quả chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thêm một lần nữa khẳng định truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Đảng và Nhà nước ta: “đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đồng thời phát triển quan hệ với tất cả các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới và các tổ chức quốc tế theo các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi”(1). Đồng thời, đó cũng là một minh chứng khẳng định những thành tựu mà nhân dân ta đạt được sau hơn 20 năm đổi mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là nguồn nội lực, là yếu tố quyết định, là nền tảng để chúng ta hội nhập và tiếp thu, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, nâng cao thế và lực của đất nước trên trường khu vực và quốc tế.



(1) Đảng Cộng sản Việt Nam “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X”. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.39.