Chính sách của Trung Quốc với châu Phi

Hoàng Mai
14:56, ngày 27-04-2011

TCCSĐT - So với những thời kỳ trước đây, chiến lược của Trung Quốc hiện nay đối với châu Phi đã có điều chỉnh và bổ sung rất cơ bản. Trong suốt nhiều thập kỷ của thế kỷ trước, thực chất chính sách của Trung Quốc đối với châu Phi là không can dự về chính trị, an ninh vào diễn biến trên châu lục mà gần như chỉ ưu tiên hàng đầu cho lợi ích kinh tế. Chính sách thời đó chịu sự tác động và chi phối gần như quyết định không chỉ bởi khả năng thực tế của Trung Quốc ngày ấy về kinh tế, tài chính và thương mại hay các vấn đề nội bộ ở Trung Quốc mà còn bởi tình hình chính trị và an ninh trên châu lục này trong bóng phủ của cuộc xung đột giữa Đông và Tây trên phạm vi thế giới.

Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của châu Phi về mọi phương diện. Trung Quốc đã dần hiện diện trên châu lục với tư cách là một trong những nhà đầu tư tích cực nhất và quy mô nhất, bài bản nhất và dễ được chấp nhận nhất. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã đồng thời trở thành một trong ít đối tác chính trị đáng tin cậy nhất của nhiều quốc gia châu Phi. Lợi ích chính trị và an ninh trong quan hệ hợp tác với châu Phi đã được Trung Quốc đề cao gần như ngang tầm với lợi ích kinh tế và thương mại.

Trung Quốc tìm thấy và đã tranh thủ được ở châu Phi không ít đối tác và đồng minh về chính trị và an ninh. Những đối tác và đồng minh này hỗ trợ Trung Quốc rất đắc lực trong việc giúp Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ về mọi phương diện trên thế giới, đồng hành về quan điểm với Trung Quốc trong các tổ chức và trên các diễn đàn quốc tế. Mỗi khi có chuyện gì cần đến sự hậu thuẫn của số đông các quốc gia trên thế giới thì Trung Quốc không thể không trông cậy vào rất nhiều trong số hơn 53 quốc gia ở châu Phi. Cả lợi ích kinh tế của Trung Quốc trong quan hệ hợp tác với châu Phi cũng đã vươn lên tới quy mô và mức độ lớn hơn trước rất nhiều, với tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược lâu dài to lớn hơn trước rất nhiều. Thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguồn cung ứng nguyên vật liệu ổn định cho cả lâu dài từ châu lục này là những gì không thể thiếu được nữa đối với Trung Quốc nếu muốn bảo đảm duy trì được tăng trưởng ổn định lâu dài ở mức độ cao. Từ lợi ích chính trị và kinh tế ấy mà hình thành nên lợi ích về an ninh nói chung đối với Trung Quốc trong chính sách đối với châu Phi.

Từ giác độ hiện tại, có thể nhận thấy 4 nét lớn trong chiến lược của Trung Quốc đối với châu Phi. Cũng có thể dự báo được rằng bản chất chiến lược ấy chưa sớm bị thay đổi trong tương lai, có chăng thì chỉ là những sửa đổi về mức độ và ưu tiên tùy theo đối tác mà Trung Quốc quan hệ và hợp tác ở châu lục. Trong quan hệ với châu Phi, Trung Quốc chủ trương hợp tác với tất cả các quốc gia và đối tác mà không đặt điều kiện chính trị - như Mỹ hay EU, trừ chuyện công nhận ngoại giao Đài Loan. Đầu tư trực tiếp và viện trợ phát triển được coi là biện pháp mở đường, thông lối hàng đầu. Cả đầu tư trực tiếp lẫn viện trợ phát triển của Trung Quốc ở châu Phi đều không chỉ phục vụ cho những lợi ích đa dạng nói trên của Trung Quốc, mà còn phục vụ cho mục tiêu gây dựng sự hiện diện bền vững và lâu dài của Trung Quốc trên châu lục. Vì thế, các dự án hợp tác phát triển và đầu tư của Trung Quốc trên châu lục đều nhằm vào khai phá thị trường tiêu thụ cho hàng hóa của Trung Quốc, vào cơ sở hạ tầng, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở châu Phi và mua hoặc thuê đất đai.

Bản chất thứ ba trong chiến lược của Trung Quốc đối với châu Phi là cạnh tranh nhưng tránh đụng độ về lợi ích giữa Trung Quốc với các đối tác khác vốn cũng không ngừng tăng cường chinh phục châu lục. Trung Quốc tranh thủ các quốc gia châu Phi và cạnh tranh với các đối tác bên ngoài khác, nhưng không đặt các quốc gia này trước sự lựa chọn giữa Trung Quốc với các đối tác kia. Và cuối cùng không thể không kể đến việc Trung Quốc tăng cường quan hệ hợp tác quân sự và an ninh với các quốc gia châu Phi.

Chiến lược nói trên đã giúp Trung Quốc có được ưu thế thuận lợi ở châu Phi so với các đối tác cạnh tranh khác. Nhưng cả những đối tác này cũng đã phát hiện lại châu Phi và cũng đang nỗ lực tranh thủ và chinh phục châu lục này. Họ cũng có những lợi ích thiết thực đến mức sẽ không bó tay đứng ngoài nhìn Trung Quốc thực thi chiến lược./.