TCCSĐT - Sáng 06-01-2014, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2014. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, các đồng chí thứ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các địa phương. Hội nghị là dịp đánh giá, tổng kết những kết quả đã đạt được cũng như công bố kết quả thi đua của toàn ngành trong năm 2013 và tập trung thảo luận những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2014.

Theo báo cáo do lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày tại Hội nghị, công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013 của Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ đã bám sát chương trình công tác của Chính phủ, có kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra một cách cụ thể thông qua việc xây dựng, trình và thông qua các đề nghị liên quan trên nhiều lĩnh vực sâu sát kịp thời. Đánh giá kết quả cuối năm, Bộ đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về giảm nghèo, chăm sóc người có công, bảo vệ - chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội cũng như các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động - tiền lương, cải thiện quan hệ lao động, công tác dạy nghề, các chính sách bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động…

Cụ thể, năm 2013, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng và ban hành chương trình công tác với 9 nhóm chỉ tiêu và 14 nhóm giải pháp, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, địa phương để thực hiện. Theo đó, Bộ đã xây dựng, trình 55 đề án; trong đó đã thông qua, ban hành 41 đề án; Quốc hội thông qua Luật Việc làm; Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị; Chính phủ ban hành 22 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 Quyết định và 02 chỉ thị. Trình Chính phủ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi, bổ sung), Luật Dạy nghề (sửa đổi, bổ sung) để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 năm 2014. Ngoài ra, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi, bổ sung), Luật An toàn, vệ sinh, lao động, Luật Tiền lương tối thiểu đang được triển khai theo tiến độ.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2013, cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu 543 nghìn lao động, đạt 96,5% kế hoạch năm; tổ chức dạy nghề cho hơn 1 triệu 730 nghìn người, tăng 14% so với năm 2012; xây tặng và sửa chữa 17.500 căn nhà tình nghĩa, huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 212 tỉ đồng; thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước xuống còn 7,8%, giảm 1,8% so với thời điểm cuối năm 2012.

Công tác bảo trợ xã hội được thực hiện thường xuyên. Hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục được phát triển. Trong năm Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2013 - 2015; Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đến năm 2020; Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; Dự thảo đề cương dự án Luật Trẻ em… Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp huy động được gần 200 tỷ đồng.

Các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới; Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp tiếp tục được kiện toàn. Công tác cai nghiện, quản lý sau cai, phòng chống mại dâm tiếp tục được nâng cao chất lượng. Hệ thống các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của ngành tiếp tục được đầu tư, quy hoạch, sắp xếp và phát triển… Công tác thanh tra, tiếp công dân được thực hiện, xử lý đầy đủ, nghiêm túc. Hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được các ý kiến thảo luận tại Hội nghị cũng đi thẳng vào những bất cập trong cơ chế chính sách, trong triển khai thực hiện, đề xuất các giải pháp xử lý trong năm 2014 như: Chỉ tiêu tạo việc làm chưa đạt kế hoạch đề ra; tình trạng các doanh nghiệp đưa người lao động ngoài nước vào làm việc ở Việt Nam chấp hành không đúng các quy định của pháp luật còn tương đối phổ biến; lao động thiếu việc làm, việc làm thu nhập thấp làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; trình độ tay nghề người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp. Đời sống nhân dân, người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; còn có khoảng cách chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư. Trên các lĩnh vực của ngành, một số địa phương vẫn còn những sai sót, vi phạm phải xử lý như trong lĩnh vực dạy nghề vẫn còn sai phạm, man khai làm hồ sơ để hưởng chính sách người có công, ngược đãi trẻ em…

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, chỉ tiêu của ngành trong năm 2014 là: tạo việc làm khoảng 1,6 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7 - 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Đây thực sự là thách thức đối với toàn ngành và đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, thống nhất của tất cả các đơn vị liên quan./.