Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Kiến trúc sư của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại

Đỗ Thanh Hải Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)
23:36, ngày 20-12-2013

TCCSĐT - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà văn hóa lớn, nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự thiên tài, kiến trúc sư của những sáng tạo nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh và tổ chức quân đội vũ trang.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách tổ chức Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam với 34 chiến sĩ trở thành một quân đội cách mạng với lực lượng, tổ chức chính quy, tinh nhuệ đánh bại quân đội nhà nghề của Pháp và của Mỹ. Những chiến thắng oanh liệt làm chấn động cả thế giới đã đưa Đại tướng lên vị trí một danh tướng ngang tầm với những danh tướng trong lịch sử.

Trong quá trình tổ chức, chỉ huy quân đội, Đại tướng đã bộc lộ tài năng kiệt suất với những sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo trên cơ sở kế thừa truyền thống nghệ thuật quân sự của dân tộc, thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tư tưởng nghệ thuật quân sự mác-xít và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp thu, học tập nền nghệ thuật quân sự Đông - Tây. Đại tướng là kiến trúc sư của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại, điều đó thể hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, nghệ thuật chiến tranh toàn dân

Trong lịch sử, các cuộc chiến tranh toàn dân của dân tộc ta thường phải đối đầu với những kẻ thù có cùng trình độ, còn trong thế kỷ XX đó là cuộc chiến giữa quân đội và nhân dân có trình độ trang bị vũ khí thô sơ, lạc hậu chống lại những đội quân hùng mạnh, trình độ vũ khí hiện đại. Cho nên, có thể khẳng định cuộc chiến tranh toàn dân hay còn gọi là chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh do Đại tướng làm Tổng chỉ huy đã phát huy lên tầm cao mới nghệ thuật chiến tranh nhân dân, trở thành một nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là cuộc chiến tranh toàn dân tham gia, toàn diện trên các mặt trận, kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với bộ đội chủ lực, chúng ta còn huy động khoảng 20 vạn dân công, 02 triệu dân quân, du kích. Người Pháp không thể ngờ rằng, bằng đôi chân đi bộ, đôi vai và chiếc xe đạp thồ, nhân dân Việt Nam đã chuyên chở hàng chục ngàn tấn lương thực và phương tiện cần thiết đáp ứng nhu cầu của Chiến dịch. Cho nên, khi được hỏi về chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tự hào khẳng định đó là chiến thắng của cả một dân tộc chống lại một đội quân xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh nhân dân được phát huy cao độ. Toàn miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho miền Nam tiền tuyến. Những đoàn quân nối nhau vào chiến trường, những đoàn vận tải trên các tuyến đường chiến lược: đường Hồ Chí Minh trên biển, đường Trường Sơn đã vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược… chi viện cho quân và dân miền Nam. Ở chiến trường miền Nam, thực hiện chủ trương chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, đặc biệt sau năm 1959, quân và dân Nam Bộ đã tiến hành một cuộc chiến tổng lực kết hợp ba lực lượng theo phương châm chiến lược “đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận tiến tới đánh đổ toàn bộ; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ…” đã phát triển lên đỉnh cao nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong lịch sử.

Thứ hai, nghệ thuật tạo và chớp thời cơ chiến lược trong chiến tranh

Quá trình tổ chức, chỉ huy quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện là một thiên tài trong tạo và chớp thời cơ chiến lược. Trong kháng chiến chống Pháp, các chiến dịch gối nhau: Thu đông năm 1947, Biên Giới năm 1950, Hòa Bình năm 1951 - 1952, chiến cuộc Đông Xuân năm 1953 - 1954, cùng với đó là thế trận chiến tranh nhân dân đánh địch ở khắp vùng đồng bằng và các chiến dịch phối hợp với chiến trường Đông Dương đã làm tiêu hao, căng kéo, làm kiệt quệ lực lượng địch. Ở mỗi chiến dịch thắng lợi lại đưa kháng chiến chuyển dịch thêm một bước, tạo thời cơ chiến thuật, dần dần tạo ra tình thế, thời cơ chiến lược cho việc đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của kẻ thù. Cứ điểm Điện Biên Phủ là đòn cuối cùng, là tình thế bắt buộc thực dân Pháp phải thực hiện. Điện Biên Phủ thể hiện sự giằng xé giữa phân tán và tập trung lực lượng của địch trên khắp chiến trường; là nơi quyết định sinh mệnh của chúng ở Đông Dương.

Nhận thấy tính quyết định về chiến lược, không thể chủ quan, nóng vội với thời cơ này, cùng với sự phân tích tình thế sắc sảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết chuyển phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” trong hai đến ba ngày sang “đánh chắc, tiến chắc” trong khi đã bố trí xong trận địa, pháo lớn đã kéo lên vị trí chiến đấu với biết bao công sức và xương máu. Có thể thấy, việc quyết định thay đổi phương châm tiến hành chiến dịch thể hiện nhãn quan của Đại tướng trong việc đánh giá thời cơ chiến lược, và phải bảo đảm chắc đánh, chắc thắng, giành thắng lợi quyết định, không được để lỡ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã minh chứng quyết định ấy là đúng đắn, ta giành thắng lợi mang tính bước ngoặt lịch sử, đuổi quân viễn chinh Pháp ra khỏi Đông Dương, làm rung chuyển thế giới. Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, khi tình thế đã đến, trước thời khắc vận mệnh của lịch sử, nắm bắt thời cơ chiến lược, với sự nhạy bén và quyết đoán của nhà chiến lược quân sự, Đại tướng đã hạ mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”. Kết quả ta giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975, thay vì theo dự định trong hai năm 1975 - 1976. Hai sự kiện đó cho thấy tài năng của Đại tướng trong tạo và nắm bắt thời cơ chiến lược trong chiến tranh.

Thứ ba, nghệ thuật quân sự với những cách đánh độc đáo đã làm chuyển hóa căn bản tương quan so sánh lực lượng

Bên cạnh tư duy quân sự mang tầm chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo chưa hề có trong lịch sử chiến tranh cả ở Việt Nam và trên thế giới: phương châm tác chiến “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”; nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng không đánh. Nghệ thuật “đánh điểm, diệt viện”; nghệ thuật biết chọn và chớp thời cơ nổ súng tiến công tiêu diệt địch; nghệ thuật kết hợp giữa chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích; nghệ thuật tạo thế cài răng lược bám thắt lưng địch mà đánh; nghệ thuật “vận động chiến kết hợp chốt”. Các cách đánh độc đáo đã tạo ra thế chuyển hóa lực lượng gây suy yếu địch, lợi thế cho ta, làm chuyển hóa căn bản thế so sánh lực lượng. Bộ đội ta tuy thô sơ về vũ khí, không được đào tạo chính quy, chiến đấu trong hoàn cảnh thiếu thốn nhưng đã phát huy được hết tinh thần và khả năng tác chiến tạo ra sức mạnh áp đảo trước kẻ thù, góp phần quyết định đối với những trận thắng đi vào lịch sử.

Thứ tư, nghệ thuật quân sự theo tư tưởng “người trước súng sau”, “chính trị trọng hơn quân sự”

Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, Bác Hồ đã chỉ rõ tính chất hoạt động của quân đội là: “Chính trị trọng hơn quân sự”. Người đề ra quan điểm hết sức quan trọng trong việc xây dựng lực lượng vũ trang là: “Người trước, súng sau”, đồng thời cũng chỉ rõ: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Đại tướng đã vận dụng sáng tạo tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn xác định xây dựng con người - người quân nhân cách mạng là nền tảng cốt lõi của sự nghiệp xây dựng quân đội. Về nghệ thuật quân sự, tư tưởng đó là định hướng cho việc xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội, trong đó luôn chú trọng phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lý tưởng chiến đấu và những nhân tố chính trị tinh thần của người chiến sĩ; luôn đặt yếu tố con người lên trên sức mạnh của vũ khí trang bị. Những thắng lợi tưởng như không thể của quân đội ta là thắng lợi của sức mạnh toàn dân tộc trên cơ sở xây dựng một đội quân có sức mạnh tinh thần không kẻ thù nào có thể khuất phục. Nhân tố chính trị tinh thần đã biến những người lính nông dân thành những dũng sĩ quả cảm, đã nhân lên sức mạnh của các loại vũ khí, là cội nguồn cho những sáng tạo vô tận trong chiến tranh.

Để thực hiện tư tưởng “người trước, súng sau”, “chính trị trọng hơn quân sự”, trong quá trình xây dựng quân đội, Đại tướng đặc biệt quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức đảng cũng như các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội theo phương châm “ở đâu có bộ đội, ở đó có sự lãnh đạo của Đảng”, đã không ngừng củng cố và nâng cao tinh thần chiến đấu cho cán bộ và chiến sĩ trong toàn quân.

Có thể nói, hiện thực hóa tư tưởng về xây dựng quân đội gắn bó với nhân dân như cá với nước thể hiện sinh động nhất việc thực hiện tư tưởng xây dựng quân đội về chính trị của Đại tướng. Cho nên, hiếm có một quân đội nào lại được trìu mến gọi là quân đội nhân dân, Bộ đội Cụ Hồ. Hiếm có một quân đội nào lại được sự tin yêu, trìu mến và bao bọc chở che của nhân dân như quân đội ta. Có được điều đó không thể không nói đến công lao và những đóng góp to lớn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Thứ năm, nghệ thuật quân sự đậm chất nhân văn

Đây là một nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng không bao giờ chấp nhận một chiến thắng mà phải trả bằng mọi giá. Trong mỗi chiến dịch, trong mỗi quyết định, Đại tướng luôn tính toán đến hiệu quả tác chiến cao nhất nhưng hạn chế thấp nhất thương vong và hy sinh mất mát cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đại tướng là người tướng luôn gần gũi, quan tâm tới chiến sĩ. Trong lòng mỗi người lính, Đại tướng như là người anh thân thiết; nói như Thượng tướng Trần Văn Trà: Anh là Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Anh Văn trở thành cây đa rợp bóng mát tình yêu thương đồng đội. Cho nên, hình ảnh Đại tướng trong lòng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước không phải là một vị tướng uy quyền lẫm liệt, xa rời tướng sĩ mà đó là hình ảnh của người Anh cả thân thiết, gần gũi và vô cùng giản dị. Điều đó càng tôn vinh Đại tướng, vị tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình.

Những đóng góp về nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vô cùng to lớn, góp phần đưa Đại tướng xứng đáng được ghi vào sử sách ngang hàng với những danh tướng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta và trên thế giới. Hiện nay, tư tưởng nghệ thuật quân sự của Đại tướng vẫn vẹn nguyên giá trị cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, vận dụng tư tưởng nghệ thuật quân sự của Đại tướng trong điều kiện mới, góp phần xây dựng quân đội đủ sức thực hiện nhiệm vụ được giao./