1. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép. Ngày 22-05-2008, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Ca-dắc-xtăng. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với cả Nga và Ca-dắc-xtăng. Đối với Nga, đó là sự khẳng định mối quan tâm đặc biệt tới Ca-dắc-xtăng trong bối cảnh tình hình chính trị - kinh tế phức tạp trong không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập. Đối với Ca-dắc-xtăng, đây là dịp để thúc đẩy hợp tác với Nga trong các lĩnh vực có lợi đối với Ca-dắc-xtăng và phát huy thanh thế trong khu vực Trung Á. Ngày 23-05-2008, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép rời Ca-dắc-xtăng và bắt đầu chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc trên cương vị là Tổng thống Nga. Trung Quốc được Nga đánh giá là đối tác chiến lược hàng đầu. Ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về các vấn đề quốc tế quan trọng và ký kết gần 400 hợp đồng và thoả thuận lớn, trong đó có hợp đồng Nga sẽ giúp Trung Quôc xây dựng một nhà máy trị giá trên 1 tỉ USD để làm giàu u-ra-ni.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon
thăm Mi-an-ma
2.
Tổng thư ký
Liên hợp quốc đến thăm Mi-an-ma và Trung Quốc. Ngày 22-05-2008, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đã đến những khu vực bị bão lốc Na-gít tàn phá ở Mi-an-ma để đẩy mạnh hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế đang được xúc tiến cho nhân dân vùng bị cơn bão tàn phá. Ông Ban Ki Moon tuyên bố, nhiệm vụ của ông tại Mi-an-ma là thuyết phục nhà cầm quyền nước này tiếp nhận thêm viện trợ bởi đến nay đã có khoảng 78.000 người bị thiệt mạng, 56.000 người khác mất tích trong cơn bão Na-git. Liên hợp quốc với sự có mặt của ông Ban Ki Moon và ASEAN sẽ tổ chức một hội nghị chung tại Răng-gun, thủ đô Mi-an-ma, để tìm cách tăng cường sự ủng hộ của quốc tế và viện trợ tài chánh cho những người bị ảnh hưởng của trận bão lốc vừa qua. Hội nghị còn đề cập tới các nỗ lực phục hồi trong tương lai. Sau khi thăm Mi-an-ma, ngày 24-05-2008, Tổng thư Ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon tới thăm và chia sẻ nỗi đau của nhân dân Trung Quốc sau vụ động đất ở Tứ Xuyên. Ông đã đến thăm nhân dân vùng bị động đất tàn phá và khẳng định, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục nỗ lực cao nhất nhằm giúp đỡ Trung Quốc khắc phục thảm hoạ này.

Gru-di-a và Áp-kha-di-a có bước đi đầu tiên nhằm thống nhất và đi đến ký kết một kế hoạch hoà bình

3. Gru-di-a và Áp-kha-di-a thống nhất kế hoạch hòa bình.
Thông qua vai trò trung gian hòa giải của Nga, chính phủ Gru-di-a và Áp-kha-di-a đã có bước đi đầu tiên nhằm thống nhất và đi đến ký kết một kế hoạch hoà bình, không sử dụng vũ lực, tránh xung đột, cho phép các đoàn người tỵ nạn trở về Áp-kha-di-a và Gru-di-a sẽ rút quân ra khỏi khu vực tranh chấp Cô-đô-ri của Áp-kha-di-a. Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a tách khỏi Gru-di-a đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ. Khoảng 10.000 đến 30.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Gru-di-a và Áp-kha-di-a. 3.000 người khác cũng thiệt mạng ở cuộc xung đột giữa Gru-di-a và Nam Ô-xê-ti-a.

4. Các phe nhóm chính trị ở Li-băng đã đạt được thỏa thuận. Sau 5 ngày đàm phán, dưới sự bảo trợ của Quốc vương Ca-ta và Liên đoàn A-rập, tại Đô-ha, lãnh đạo các phe phái chính trị của Li-băng đã đạt được thỏa thuận với các nội dung chính là: (1) Trong vòng 24 giờ, Quốc hội Li-băng sẽ nhóm họp để bầu tướng Mi-sen Xu-lây-man (Michel Suleiman), người đứng đầu quân đội, ứng cử viên được các bên nhất trí, làm Tổng thống hợp hiến; (2) Thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc gồm 30 bộ trưởng, trong đó phe đa số được phương Tây ủng hộ có 16 ghế và có quyền chọn Thủ tướng, còn phe đối lập được Xi-ri và I-ran ủng hộ chiếm 11 ghế và có quyền phủ quyết, 03 ghế còn lại do Tổng thống đề cử. Các bên cam kết không chống lại các hoạt động của Chính phủ; (3) Thông qua luật bầu cử Quốc hội mới trên cơ sở luật bầu cử năm 1960; (4) Cấm sử dụng vũ lực trong các cuộc xung đột chính trị nội bộ; (5) Triển khai quân đội quốc gia Li-băng trên toàn lãnh thổ cùng với các lực lượng khác tại Li-băng trong đó có lực lượng an ninh quốc gia, lực lượng dân quân v.v. (6) Chấm dứt tuyên truyền gây mất lòng tin và gây mâu thuẫn chính trị.

5. Ứng cử viên Ô-ba-ma "chiến thắng" ở bang Ô-rê-gôn, tiến gần đến vị trí ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ. Sau cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Ô-rê-gôn, thượng nghị sỹ Ô-ba-ma giành 1.649 phiếu của các đại biểu, vượt quá con số đa số cần thiết là 1.627, đạt được hơn 50% tổng số phiếu của 3.253 đại biểu cam kết và chỉ còn cách biệt 100 phiếu so với mức 2.026 cần thiết để giành được quyền đề cử. Với chiến thắng trên, ông Ô-ba-ma đã vượt qua một ngưỡng mới trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Dân chủ. Trong khi đó, bà Hi-la-ri Clin-tơn giành 1.497 phiếu của đại biểu. Như vậy, với số phiếu giành được trong tuần vừa qua, ông Ô-ba-ma sẽ có khả năng thuyết phục các “siêu đại biểu” ủng hộ tại Đại hội của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, thượng nghị sỹ H.Clin-tơn, đối thủ của ông, tuyên bố sẽ không bỏ cuộc và sẽ "chiến đấu" cho tới khi Đảng Dân chủ có được một ứng viên.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh thăm I-rắc

6. Bộ trưởng Quốc phòng Anh công du chớp nhoáng đến I-rắc
. Ngày 22-05-2008, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Đét Brao-nơ thực hiện chuyến công du chớp nhoáng tới thành phố Bat-ra (Basra), phía nam I-rắc. Đây là chuyến công du thứ 9 của Bộ trưởng Đét Brao-nơ trong vòng 2 năm qua. Ông Đét Brao-nơ đã dạo quanh thành phố phía nam I-rắc, thảo luận về những kế hoạch an ninh với các chỉ huy quân đội Anh và tiếp xúc với nhiều quan cấp cao của quân đội I-rắc. Bộ trưởng Đét Brao-nơ kết thúc chuyến thăm chớp nhoáng và rời thành phố Bat-ra ngay trong tối hôm đến thăm.

Anh đã chuyển giao quyền kiểm soát tỉnh Bat-ra cho I-rắc vào giữa tháng 12-2007. Kể từ đó, lực lượng Anh chủ yếu tham gia huấn luyện cho binh sĩ I-rắc và phối hợp tiến hành các cuộc tuần tra chung. Anh hiện duy trì 4.000 quân tại Bat-ra, phần lớn trong số đó đang đồn trú tại một căn cứ không quân ở ngoại ô thành phố. Về việc cắt giảm quân số ở I-rắc, ông Đét Brao-nơ tuyên bố, Anh sẽ chỉ cắt giảm số binh sĩ làm nhiệm vụ tại I-rắc nếu "điều kiện cho phép". Mặc dù tình hình an ninh tại đây đã được cải thiện nhưng vẫn cần thận trọng và cân nhắc đầy đủ việc cắt giảm quân. Trước đó, ngày 08-05-2008, một phần căn cứ quân sự chính của quân Anh gần sân bay Bat-ra đã bị quân nổi dậy nã rốc-két.

7. Biểu tình toàn quốc do cải tổ tiền lương ở Pháp. Ngày 22-05-2008, hơn 500.000 công nhân Pháp biểu tình rầm rộ trên các đường phố thủ đô Pa-ri và các thành phố lớn để phản đối chính sách cải tổ tiền lương thuộc khu vực công do Tổng thống Ni-cô-la Xa-cô-di (Nicolas Sarkozy) đưa ra. Một đoàn dài các xe tải đỗ dọc bến cảng Cha-nen (Channel) để phản đối các kế hoạch tư nhân hóa. Công nhân đường sắt cũng tiến hành một cuộc đình công trên phạm vi cả nước. Sự hỗn loạn do đình công ngành giao thông chỉ ảnh hưởng ở Pa-ri và các thành phố lớn. Khoảng 10%-20% nhân viên của ngành bưu điện, viễn thông và các ngành dịch vụ công cộng cũng tham gia biểu tình. Công nhân của nhiều hãng hàng không và các bến tàu đều bất bình với các kế hoạch tư nhân hóa của Chính phủ. Tài xế xe buýt trên toàn nước Pháp cũng tham gia đình công. Ước tính, 50% chuyến đường sắt sẽ bị hủy bỏ. Hơn 700.000 người đã biểu tình ở 150 thành phố và thị xã trên khắp nước Pháp. Theo con số của cảnh sát Pháp, ước tính số người tham gia biểu tình lên tới gần 300.000 người.

8. Đảng của Tổng thống Mi-khai-in Xa-ca-xơ-vi-li (Mikhail Saakashvili) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tại Gru-di-a. Một cuộc thăm dò độc lập sau bỏ phiếu cho thấy, đảng của ông Mi-khai-in Xa-ca-xơ-vi-li đã giành được khoảng 63% phiếu bầu trong khi phe đối lập chỉ giành được 14-16%. Phe đối lập tuyên bố, có sự gian lận lớn về phiếu bầu tại quốc gia 4,5 triệu dân này. Còn phương Tây cho rằng, cuộc bầu cử quốc hội ở Gru-di-a là cuộc sát hạch cam kết của ông Mi-khai-in Xa-ca-xơ-vi-li đối với tiến trình dân chủ khi ông nỗ lực đưa quốc gia này gia nhập NATO.

Gru-di-a nằm ở trung tâm khu vực Cáp-ca, nơi Nga và Mỹ đang nỗ lực giành quyền kiểm soát tuyến đường vận chuyển dầu khí quan trọng từ biển Ca-xpi sang châu Âu. Ông Mi-khai-in Xa-ca-xơ-vi-li nắm chính quyền ở Gru-di-a trong "cuộc cách mạng hoa hồng" do phương Tây hậu thuẫn năm 2003, hứa hẹn "xúc tiến dân chủ" và thắt chặt quan hệ của quốc gia này với Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, uy tín của Mi-khai-in Xa-ca-xơ-vi-li giảm sút mạnh khi ông ra lệnh cho quân đội trấn áp các cuộc biểu tình hồi tháng 11-2007. Ông tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử hồi tháng 1-2008 mà phe đối lập cáo buộc là "có gian lận". Nhiều người dân Gru-di-a bất bình với tình trạng giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt, trong khi phe đối lập cáo buộc ông Mi-khai-in Xa-ca-xơ-vi-li đã bị thất bại trong việc giải quyết nạn thất nghiệp và tham nhũng tràn lan ở quốc gia này.

9. Giá dầu vượt ngưỡng 135 USD/thùng. Ngày 22-05-2008, giá dầu thô trên thị trường thế giới vượt ngưỡng 135 USD/thùng. Theo các chuyên gia kinh tế, so với các cuộc khủng hoảng dầu lửa trước đây, lần này nền kinh tế thế giới sẽ bị tác động nghiêm trọng hơn, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ. Ước tính, mỗi khi giá một thùng dầu tăng thêm 1 USD, giá trị của nền kinh tế của Mỹ sẽ bị giảm 0,4% điểm. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2008, giá một thùng dầu thô có thể lên tới 150-200 USD. Hiện Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đang tiến hành đánh giá toàn diện điều kiện cung ứng tại 400 mỏ dầu hàng đầu thế giới. Mặc dù đến tháng 11-2008, kết quả đánh giá mới được chính thức công bố, nhưng những gì cơ quan này phát hiện cho tới nay cho thấy mức độ cung ứng dầu thô trên toàn cầu sẽ thấp hơn dự đoán trước đây. IEA dự báo, nhu cầu dầu mỏ sẽ vượt 116 triệu thùng/ngày vào năm 2030 (mức hiện nay là 87 triệu thùng/ngày). Các mỏ dầu già cỗi cùng với mức đầu tư đang giảm sẽ làm cho mức cung không vượt qua ngưỡng 100 triệu thùng/ngày trong vòng 2 thập niên tới. Đánh giá không mấy khả quan này của IEA càng gia tăng áp lực lên giá dầu vốn đã liên tục phá mức kỷ lục.

10. IAEA khẳng định, không có chứng cứ về việc I-ran đang tìm cách phát triển bom hạt nhân. Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới về Trung Đông trong tuần qua, Giám đốc IAEA, ông En Ba-ra-đây (El Baradei), nhắc lại rằng IAEA không có chứng cứ về việc I-ran đang tìm cách phát triển một quả bom hạt nhân. Ông nói, chúng tôi không thấy bất kỳ kết luận hoặc bằng chứng cụ thể nào về việc I-ran đang phát triển vũ khí hạt nhân và tôi đã nhắc lại điều này trong suốt 5 năm qua. Theo ông, bế tắc về vấn đề hạt nhân I-ran với phương Tây là vấn đề lòng tin. Ông En Ba-ra-đây chỉ trích phát biểu của Tỏng thống Mỹ Bu-sơ tại diễn đàn và gợi ý rằng Mỹ nên hội đàm trực tiếp với I-ran nhằm giải quyết những bế tắc với quốc gia này về vấn đề hạt nhân./.