Ngày 25-10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp gỡ thân mật 40 đại biểu Quốc hội là doanh nhân, đang tham dự kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Tại buổi gặp mặt, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cùng đại diện doanh nhân nêu những khó khăn thách thức đang tập trung xử lý. Trong bối cảnh sức cầu yếu, thất nghiệp gia tăng, những nỗ lực tự thân vận động của doanh nghiệp không mang lại nhiều kết quả.

Hiện nay 60% doanh nghiệp chưa đủ khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; sự rời bỏ thị trường của các doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng đến đại bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ; vốn và khả năng tiếp cận vốn vẫn là những mong mỏi của doanh nghiệp trong việc duy trì và sản xuất kinh doanh.

Theo các đại biểu, những định hướng lớn trong thực hiện chủ trương, chính sách về kinh tế là đúng nhưng triển khai chưa hiệu quả, do bị chi phối bởi nhiều lợi ích nhóm khác nhau; cải cách thủ tục hành chính chậm trễ vẫn đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các đại biểu kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp khu vực dân doanh sân chơi bình đẳng; đẩy mạnh công tác cổ phần hóa để huy động vốn xã hội; thu hút mạnh hơn các dự án kỹ thuật công nghệ cao; tăng cường công tác dự báo thị trường để điều chỉnh chính sách kịp thời; xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ hàng hóa, đặc biệt là nông sản trong nước.

Nhiều đại biểu cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam cần được cải thiện để nâng cao năng lực cạnh tranh. Song hành với tình hình tái cơ cấu cần tăng nguồn cung tiền ra thị trường để đáp ứng vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thanh toán các khoản nợ đọng trong xây dựng cơ bản; xây dựng lộ trình tăng lương tối thiểu phù hợp đảm bảo hài hòa quyền lợi doanh nghiệp và người lao động.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn đặt niềm tin vào bản lĩnh, trí tuệ của đội ngũ doanh nhân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, không ngừng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển và mở rộng hoạt động là chủ trương nhất quán, là chính sách ưu tiên trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn.

Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp cần phát huy tối đa trí tuệ, chủ động xây dựng tầm nhìn xa trong chiến lược kinh doanh, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả, vượt qua những thử thách.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập, nếu doanh nghiệp kéo dài tâm lý bi quan sẽ tự mình làm suy yếu, dẫn đến bỏ lỡ cơ hội, giảm sức cạnh tranh.

Chia sẻ với những ý kiến của đại biểu doanh nhân, Chủ tịch nước mong muốn các cơ quan đoàn thể trong đó có Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần phát huy hơn nữa trách nhiệm với đất nước, tích cực đóng góp ý kiến, tư vấn cho Nhà nước trong việc hoạch định chính sách vĩ mô và các giải pháp kinh tế xã hội, làm tốt hơn nữa việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu, nâng cao vai trò của đội ngũ doanh nhân.

Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội đại diện cho lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thẳng thắn, mạnh dạn phản ánh thực trạng, khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội giúp doanh nghiệp, doanh nhân tự tin, ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước./.