Chính phủ xin bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 23-10-2013, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015; Tờ trình của Chính phủ về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 và các báo cáo thẩm tra các nội dung trên.
Việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 cần tiết kiệm, sắp xếp theo trật tự ưu tiên
Thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ, sự phấn đấu nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến khá tích cực. Thu cân đối Ngân sách Nhà nước ước đạt 790.800 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng so với dự toán. Về tổng chi ngân sách năm 2013 ước đạt 986.300 tỷ đồng, tăng 8.300 tỷ đồng so với dự toán.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước và cho rằng, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước giảm khá lớn nhưng chi ngân sách nhà nước về cơ bản vẫn được bảo đảm.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cơ bản nhất trí với việc Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán theo quy định tại Điều 49 của Luật ngân sách nhà nước, theo đó, cắt, giảm một số khoản chi và nâng mức bội chi đã được Quốc hội quyết định từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với các nguyên tắc bố trí, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 như Chính phủ trình. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi, việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 cần triệt để tiết kiệm, bố trí, sắp xếp theo trật tự ưu tiên, không tạo ra độ chênh lệch quá lớn giữa Trung ương và địa phương, giữa các vùng miền nhưng tránh bình quân, dàn đều; quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn có nguồn thu ngân sách thấp; các tỉnh bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ; đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phân bổ vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trả nợ, thu hồi vốn tạm ứng, còn lại bố trí cho các dự án công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2014, các dự án, công trình cấp bách, công trình chuyển tiếp có khối lượng thực hiện và giải ngân tốt; hạn chế tối đa khởi công các công trình mới; bảo đảm đúng các tiêu chí, định mức phân bổ đối với chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện giải ngân, thu hút vốn ODA và các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; bảo đảm cơ cấu vốn giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, gắn với yêu cầu Ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, chi phối và điều tiết nền kinh tế; cơ cấu vốn hợp lý giữa các vùng, miền trong cả nước...
Góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo
Theo báo cáo sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.
Trong 3 năm, từ năm 2011 đến 2013, tổng ngân sách Nhà nước và nguồn vốn ODA bố trí các chương trình mục tiêu quốc gia đạt khoảng 80.299 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những đóng góp của Chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong 3 năm vừa qua còn một số hạn chế như một số mục tiêu của một số Chương trình mục tiêu quốc gia khó có khả năng đạt mục tiêu năm 2015 như dự kiến kế hoạch ban đầu; huy động vốn đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp so với kế hoạch, ngân sách địa phương và nguồn vốn nước ngoài bố trí khó có khả năng đạt dự kiến như phê duyệt Chương trình của Quốc hội; cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia còn một số điểm chưa phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, hoàn chỉnh kịp thời...
Về lâu dài sau năm 2015, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội giảm bớt số lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ để vài Chương trình thuộc những lĩnh vực trọng tâm như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Trước mắt từ nay đến năm 2015, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai 16 Chương trình mục tiêu quốc gia như Quốc hội đã phê duyệt. Do ngân sách khó khăn, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát lại từng mục tiêu, tập trung vốn cho các mục tiêu cấp bách cần hoàn thành trước, tập trung đầu tư cho các công trình dở dang để hoàn thành đưa vào sử dụng...
Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được của 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2013, đồng thời, đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực.
Cơ bản tán thành với những hạn chế như báo cáo Chính phủ, tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng nhưng kết quả huy động vốn trong 3 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp, khả năng huy động không đạt nguồn lực đầu tư cần thiết theo Nghị quyết của Quốc hội, dẫn tới nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khó đạt được mục tiêu của cả giai đoạn 2011 - 2015. Chất lượng và hiệu quả thực hiện ở một số chương trình chưa cao, tính bền vững còn hạn chế.
Cần thiết phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư giai đoạn 2014 - 2016
Theo Tờ trình về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 của Chính phủ, việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư giai đoạn 2014 - 2016 là rất cần thiết, nhằm những mục tiêu bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế và thúc đẩy đầu tư của các thành phần kinh tế khác; góp phần thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020; bổ sung nguồn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ nhưng chưa được bố trí đủ vốn theo tinh thần Nghị quyết số 50/2013/QH13 ngày 21-6-2013 của Quốc hội.
Về tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các phương án phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016, phân tích đánh giá đầy đủ các mặt tác động kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia.
Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 (không bao gồm 75.000 tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012 - 2015). Với phương án phát hành bổ sung thêm 170.000 tỷ đồng, dư nợ công, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2015 cũng như cuối 2016 vẫn đảm bảo an toàn theo quy định, có khả năng huy động và cân đối được nguồn trả nợ.
Phương án sử dụng được Chính phủ trình Quốc hội là bố trí 61,68 nghìn tỷ đồng đầu tư dự án Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên); bổ sung vốn cho các dự án đang đầu tư dở dang bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 2011 - 2015 để thúc đẩy tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 73,32 nghìn tỷ đồng; bố trí 20.000 tỷ đồng vốn đối ứng các dự án ODA (phần vốn đối ứng các dự án do các bộ, ngành cơ quan Trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương nghèo, khó khăn theo Quyết định 60/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); bố trí 15.000 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung chủ yếu cho các xã nghèo thuộc các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc và các vùng khó khăn khác.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 và đồng tình với nhận định của Chính phủ nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP), song Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý.
Đối với dự kiến danh mục, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản đồng tình với mức phân bổ cho các dự án thuộc các lĩnh vực như đề xuất của Chính phủ, đề nghị bố trí vốn theo trật tự ưu tiên.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, theo đúng quy định của Nghị quyết số 50/2013/QH13 của Quốc hội, khi chưa làm rõ danh mục cụ thể, Quốc hội chưa xem xét, quyết định việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016. Tuy nhiên, nếu lùi nội dung này đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII (tháng 5-2014) sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, để bảo đảm kịp thời và có thời gian để Chính phủ rà soát thêm về danh mục và mức phân bổ cụ thể cho từng dự án, đề nghị tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định về tổng mức phát hành, nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014 - 2016 và xin Quốc hội giao lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định danh mục, mức phân bổ vốn cho từng dự án, công trình cụ thể.../.
Ban hành hướng dẫn lập tổ chức đảng tại các khu công nghiệp  (24/10/2013)
Trung - Ấn ký kết thỏa thuận làm giảm căng thẳng biên giới  (24/10/2013)
Diễn tập ứng phó thảm họa khẩn cấp trong khu vực ASEAN năm 2013  (24/10/2013)
“Báo chí với việc nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”  (24/10/2013)
Nhiều nội dung sửa đổi Hiến pháp được chỉnh lý hợp lý  (24/10/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên