Nan y chính trị ở Mỹ

Quách Quỳnh
22:50, ngày 13-10-2013
TCCSĐT - Cơ quan hành pháp buộc phải ngừng hoạt động vì cơ quan lập pháp không thông qua ngân sách là hiện tượng trên thế giới cho tới nay mới chỉ thấy xảy ra ở nước Mỹ, mà lại còn không chỉ có một lần. Ở nước Mỹ, việc như vậy không thể được coi là một dạng thí nghiệm chính trị.

Từ năm 1981 đến nay, ở nước Mỹ đã 5 lần có nguy cơ ấy và đã 3 lần xảy ra thực sự. Những đảng phái chính trị và chính trị gia đã đẩy nước Mỹ vào tình trạng chính phủ buộc phải ngừng hoạt động như hiện tại không phải không biết hoặc không ngờ mà hoàn toàn ý thức được về tác động, hậu quả và hệ luỵ trước mắt cũng như lâu dài, về chính trị cũng như xã hội, kinh tế cũng như thể diện quốc gia và uy tín quốc tế của đất nước. Họ vẫn đẩy nước Mỹ vào tình trạng chính phủ buộc phải ngừng hoạt động vì chủ định dùng chính tình trạng ấy để gây áp lực buộc đáp ứng yêu sách của nhau.

Cách đây gần 18 năm, Đảng Cộng hòa đã hai lần buộc Chính phủ của Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn thuộc Đảng Dân chủ phải ngừng hoạt động trong thời gian tổng cộng 26 ngày. Thiệt hại đối với nước Mỹ là 1,4 tỷ USD (theo giá trị đồng tiền thời điểm đó). Nếu đánh giá tác động chung thì phải nói Đảng Cộng hòa đã bị thiệt đơn hại kép về chính trị nội bộ ở Mỹ. Việc Đảng Cộng hòa bất chấp bài học thất bại từ thuở đó để hành động tương tự ở lần này đủ để cho thấy quyết chí của đảng này không để Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Đảng Dân chủ cầm quyền thuận lợi và thành công.

Khác so với những lần trước, nội bộ Đảng Cộng hòa hiện đang bị phân hóa sâu sắc. Bộ phận cực đoan trong đảng với tên gọi “Tea Party” đã biến cả đảng này, đặc biệt những nhân vật lãnh đạo đảng trong lưỡng viện lập pháp, thành con tin của mình để rồi đảng này biến nước Mỹ thành con tin phục vụ cho cuộc đối địch với phe Đảng Dân chủ và cá nhân Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Trong bối cảnh ấy, việc hai đảng phái chính trị này ở Mỹ đối kháng nhau đến mức không đội trời chung và việc Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma không khôn khéo trong quan hệ hợp tác với Quốc hội và không đủ khả năng khắc phục sự phân bè chia phái trên chính trường - như đã cam kết ở cả hai lần tranh cử tổng thống - đã làm cho nước Mỹ mắc phải “bạo bệnh” biết trước mà không phòng ngừa nổi, biết bệnh mà chưa có được cách chữa.

Nội bộ Đảng Cộng hòa như thế trong khi phe Đảng Dân chủ lại đồng sức đồng lòng thành một khối và đặc biệt là dư luận xã hội không thuận cho Đảng Cộng hòa đã củng cố quyết tâm và chủ ý của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma là không nhượng bộ. Thật ra, nguyên do chính quyết định thái độ không nhượng bộ nhau này ở cả hai phía là nan y chính trị nói trên đang trên con đường trở thành căn bệnh kinh niên. Nhượng bộ một lần thì sẽ phải đối phó với nguy cơ nhượng bộ nhiều lần và lần sau sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn lần trước.

Trong suy tính của cả hai phe đều đã xuất hiện những chủ định cho cuộc đàm phán về nâng mức trần giới hạn nợ công sau thời điểm ngày 17-10 tới. Hiện tại mới chỉ là chính phủ ngừng hoạt động. Còn nếu đến ngày 17-10 này mà không đạt được thỏa thuận giữa hai phe về nâng mức trần giới hạn nợ công kia thì nhà nước Mỹ còn không có tiền để trả lãi, có nghĩa là sẽ vỡ nợ về phương diện kỹ thuật. Nếu trường hợp ấy xảy ra thì tác động sẽ còn ghê gớm và hậu quả sẽ còn tai hại hơn nhiều so với bây giờ đối với nước Mỹ về mọi mặt.

Chính thể chế chính trị ở nước Mỹ là mầm mống cho nan y chính trị nói trên. Một điều nghịch lý có phần khôi hài là thể chế ấy lại được đề cao và tán dương rất nhiều ở nước Mỹ. Thể chế ấy chỉ có thể tốt cho nước Mỹ chừng nào các phe phái chính trị hoạt động trong khuôn khổ đó phục vụ cho lợi ích chung của đất nước chứ không lợi dụng nó vì lợi ích riêng của đảng hay một bộ phận nào đó trong đảng như hiện tại đang thấy ở Mỹ, đặc biệt trong Đảng Cộng hòa. Một trong những điểm yếu của nước Mỹ hiện đang bộc lộ ngày càng rõ là nước Mỹ tự làm yếu chính mình./.