Vĩnh Long chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn
TCCS - Vĩnh Long là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vùng trọng điểm nông nghiệp và an ninh lương thực của cả nước. Vĩnh Long nằm giữa vùng ảnh hưởng của hai trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ, là tỉnh có mật độ dân số cao, với 85% sống ở nông thôn và chủ yếu làm nông nghiệp. Nông nghiệp tạo ra hơn 1/2 GDP và chiếm gần 90% giá trị xuất khẩu, cho nên nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp, nông thôn, Đảng bộ tỉnh xác định: Vĩnh Long phải xuất phát từ nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ trương phải “... tập trung chuyển đổi nhanh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn”.
Thành tựu đạt được
Thực hiện chủ trương trên, trong 3 năm qua Đảng bộ tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, như: Chương trình mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (điện, đường, trường, trạm, nước sạch, nhà ở, thủy lợi), chương trình giống nông nghiệp - thủy sản, chương trình phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đề án hỗ trợ lãi suất mua máy nông nghiệp... và đạt được những thành tựu quan trọng.
Kinh tế liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) tăng bình quân 12,35%/năm (giai đoạn 2006 - 2008), cao hơn nhiệm kỳ 2001 - 2005 là 3,76%. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 23,59%/năm, trong khi khu vực nông nghiệp - thủy sản vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng bình quân 3,99%/năm. GDP bình quân trên đầu người tăng từ 7,6 triệu đồng (năm 2005) lên 14,8 triệu đồng (năm 2008), xấp xỉ đạt chỉ tiêu cả nhiệm kỳ 2005 - 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2008, tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế là 53,5%, 15,2% và 31,3%. So với năm 2005, tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản giảm 2,05%; công nghiệp - xây dựng tăng 1,12% và thương mại - dịch vụ tăng 0,93%.
Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi. Cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng đa canh, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, gắn với thị trường tiêu thụ. Ngành trồng trọt chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, rau màu. Mặc dù, diện tích trồng lúa giảm từ 203.084 ha xuống còn 177.414 ha, nhưng nhờ tập trung đầu tư nâng cao năng suất, nên sản lượng lúa hằng năm vẫn ổn định trên 900 ngàn tấn; chất lượng lúa được nâng lên và hằng năm xuất khẩu khoảng 300 ngàn tấn gạo.
Cây ăn trái là thế mạnh sau cây lúa, chiếm tỷ trọng gần 50% giá trị ngành trồng trọt, với nhiều loại cây trồng cho sản lượng, chất lượng và hiệu quả cao. Toàn tỉnh hiện có 45.874 ha vườn cây lâu năm, tăng 5,2% so năm 2005, trong đó diện tích cây ăn trái gần 39.000 ha. Sản lượng đạt trên 455.000 tấn/năm. Đặc biệt, tỉnh xây dựng vùng sản xuất và thương hiệu sản phẩm bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, chôm chôm Tích Thiện. Diện tích rau màu, cây công nghiệp hằng năm là 28.860 ha, tăng 42,5% so với năm 2005, tốc độ tăng bình quân 8%/năm. Vĩnh Long đã xây dựng được một số vùng rau màu chuyên canh, luân canh trên đất lúa, vùng rau an toàn với hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa.
Chăn nuôi tuy gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng nhìn chung vẫn có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là chăn nuôi bò, heo. Đặc biệt, nuôi thủy sản phát triển rất mạnh, tốc độ tăng bình quân 43,35%/năm, sản lượng trên 108 ngàn tấn (tăng hơn 3 lần so với năm 2005), trong đó sản lượng nuôi đạt 106 ngàn tấn (tăng 3,68 lần), góp phần đưa tỷ trọng ngành thủy sản tăng từ 4,52% lên 11,3%.
Trình độ khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp - thủy sản từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thủy sản. Chương trình giống được triển khai thực hiện với nhiều dự án: lúa, cây ăn trái chất lượng cao, Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo... đáp ứng trên 75% giống chất lượng cao, sạch bệnh cho người chăn nuôi. Nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa như: tuốt lúa 100%, làm đất 96%, thu hoạch 31% và sản lượng lúa được sấy 24,5%. Nhờ thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi thủy sản bình quân trên mỗi héc-ta đất canh tác ngày càng tăng, năm 2008 đạt 75 triệu đồng/ha, tăng 71,7% so năm 2005.
Nông thôn Vĩnh Long phát triển khá nhanh, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Hiện có 90/94 xã có đường ô-tô tới trung tâm, 72/94 xã có đường liên ấp được nhựa hóa, trên 50% đường sá được bê tông hóa; 90% số ấp, khóm xe hai bánh lưu thông suốt 2 mùa mưa và khô. Nhiều công trình thủy lợi đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, góp phần khép kín thủy lợi cho 96.000 ha (chiếm 82,53% diện tích đất nông nghiệp), trong đó 49.997 ha chủ động tưới tiêu; 100% số xã có điện, với gần 98% số hộ dân được sử dụng điện; 83% số hộ dân sử dụng nước sạch, 53% dân số sử dụng nước sạch theo quy định về tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch của Bộ Y tế; 80/107 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và 97/107 xã, phường có bác sĩ; xây mới, nâng cấp nhiều chợ, khu dân cư, khu đô thị.
Quan hệ sản xuất luôn được quan tâm xây dựng, hiện có 112/361 trang trại được cấp giấy chứng nhận, với tổng vốn đầu tư ước khoảng 171 tỉ đồng; 32 hợp tác xã nông nghiệp, 1 liên hiệp hợp tác xã thủy sản và hơn 2 ngàn tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Một số hợp tác xã có được uy tín nhất định về chất lượng và tiêu thụ sản phẩm như Hợp tác xã rau an toàn Thành Lợi, Hợp tác xã bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, Hợp tác xã rau an toàn Phước Hậu, Hợp tác xã Tân Thành... Công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, ngành nghề, làng nghề truyền thống và dịch vụ nông thôn được phục hồi và phát triển, giải quyết nhiều việc làm cho người dân, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp dần, từ 1,7 lần (năm 2002) giảm xuống còn 1,42 lần (năm 2006). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, giá cả tăng cao, nên trong năm 2008 khoảng cách này tăng lên 1,63 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hằng năm, từ 12,87% (năm 2005) xuống còn 8,6%. Một số điều kiện về nhà ở, đi lại, học tập, chữa bệnh được cải thiện tốt hơn. Nhiều ấp, khóm, xã đạt chuẩn văn hóa, trình độ dân trí được nâng lên. Tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật trong những năm gần đây tăng nhanh, từ 18,2% (năm 2005) lên 29,87% (năm 2008). Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, lao động trong khu vực nông nghiệp - thủy sản giảm từ 67,6% xuống còn 64,39%, lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ tăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, Vĩnh Long vẫn gặp phải một số trở ngại, khó khăn nhất định: Sản xuất nông nghiệp tuy tăng trưởng khá nhưng chưa thật sự bền vững, luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng phần lớn nông sản kém sức cạnh tranh nên tiêu thụ còn hạn chế. Cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng nhưng chậm, trồng trọt còn chiếm tỷ trọng cao (trên 70%) và cây lúa đang có xu hướng mở rộng; chăn nuôi tuy phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn; ngành thủy sản có sự phát triển đột phá nhưng chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng; công nghiệp và dịch vụ nông thôn chậm phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các hình thức tổ chức sản xuất chậm được đổi mới; trình độ dân trí, thu nhập và đời sống người dân ở nông thôn nhìn chung còn thấp và khó khăn; môi trường sinh thái ở một số vùng nông thôn có biểu hiện suy giảm...
Một số giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Hướng đến một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn không ngừng được nâng lên..., Vĩnh Long tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng bộ tỉnh, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với những giải pháp chủ yếu sau:
Một là, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch; tổ chức lại sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương; bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ổn định diện tích lúa vừa bảo đảm an ninh lượng thực vừa phục vụ xuất khẩu; hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề ở nông thôn gắn với sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động tại chỗ nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.
Hai là, tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng phục vụ phát triển sản xuất, vận chuyển hàng hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, ưu tiên đầu tư kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, thủy lợi kết hợp với hoàn thiện hệ thống giao thông, bố trí dân cư, cung cấp nước sinh hoạt cho nông thôn; nâng cấp, xây mới hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ các cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn; tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống y tế tuyến huyện, thị, xã, phường; bảo đảm trang thiết bị, nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đối với tất cả các trạm y tế xã, phường...
Ba là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Tiếp tục thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phát triển các phong trào văn hóa, thể thao ở nông thôn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho người dân theo mục tiêu nâng cao trình độ dân trí, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, cung cấp lao động cho các khu công nghiệp, làng nghề và xuất khẩu lao động.
Bốn là, đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển các loại hình hợp tác sản xuất kinh doanh; xây dựng mô hình doanh nghiệp nông nghiệp thích hợp gắn với liên kết hoặc tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tạo điều kiện đưa công nghiệp vào phục vụ nông nghiệp. Tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn và tiêu thụ nông sản; khuyến khích mở rộng các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng đối với các sản phẩm lúa gạo, cá tra, trái cây; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là các hợp tác xã, tổ hợp, trang trại.
Năm là, tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là công tác giống, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ làm khoa học - kỹ thuật có trình độ cao. Thu hút người có năng lực ở trong và ngoài nước về công tác tại địa phương bằng các chính sách phù hợp. Thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giữ chân và phát huy kiến thức đối với các cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ, năng lực phục vụ địa phương.
Sáu là, thực hiện tốt các chính sách để khai thác các nguồn lực phát triển nhanh kinh tế - xã hội nông thôn. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, đồng thời xây dựng một số chính sách của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng đầu tư từ ngân sách cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cân đối nguồn thu từ xổ số kiến thiết để hỗ trợ một phần cho đầu tư xây dựng giao thông nông thôn; chú trọng lồng ghép các chương trình mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội Nông dân trong thực hiện các dự án nâng cao đời sống, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Củng cố và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nông nghiệp cấp huyện, xã; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, phường; thực hiện tốt chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên cơ sở; tiếp tục cải cách hành chính và thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở...
Phân bổ 20.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009  (25/05/2009)
Các thể chế toàn cầu trước thách thức mới  (25/05/2009)
Hỗ trợ người thất nghiệp học nghề tối đa 300 ngàn đồng/tháng  (25/05/2009)
Hỗ trợ tối thiểu 7,2 triệu đồng/hộ nghèo xây nhà ở  (25/05/2009)
Vĩnh Long chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn  (25/05/2009)
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ góc nhìn lợi ích  (25/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên