TCCSĐT - Ngày 25-9-2013, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Giắc Liu (Jack Lew) đã đưa ra cảnh báo ngân sách chính phủ Mỹ sẽ còn chưa đến 50 tỷ USD vào tháng sau và nhiều cơ quan chính phủ sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Lời cảnh bảo của Bộ trưởng Tài chính được đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa vẫn bất đồng trong vấn đề chi tiêu ngân sách khi năm tài khóa mới sắp bắt đầu.

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Giắc Liu đã kêu gọi Quốc hội nước này nâng trần nợ công của chính phủ để tránh “một cuộc khủng hoảng tự phát không cần thiết”. Ông Giắc Liu nhấn mạnh, Quốc hội cần phải sớm hành động để tránh hủy hoại lòng tin và uy tín của nước Mỹ và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế vì chính phủ vỡ nợ hoặc cận kề nguy cơ này. Ông còn nêu rõ, giới hạn vay mượn của chính phủ không liên quan tới các khoản chi tiêu mới mà để chi trả cho những đạo luật đã được Quốc hội thông qua trước đó. Việc giữ nguyên trần nợ công của chính phủ hiện nay không giúp đảo ngược các đạo luật này mà chỉ dẫn tới một hiệu ứng thảm họa cho nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó,
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng không quên cảnh báo, Quốc hội không nên đợi đến những phút cuối cùng trước khi “thảm họa” xảy ra mới đưa ra quyết định bởi nước Mỹ không thể chịu thêm một cú sốc nữa sau những lần tranh cãi trước đây của chính phủ và Quốc hội về các dự luật ngân sách và trần nợ công.

Có cùng nhận định với Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Giám đốc Phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Đốc Eo-men-đốp (Doug Elmendorf) ngày 17-9 cho biết, Mỹ có thể bắt đầu bị vỡ nợ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 tới nếu Quốc hội nước này không tăng được mức trần nợ công liên bang. Báo cáo của Phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đã cảnh báo về khoản nợ quốc gia đang ngày càng phình to, có nguy cơ trở thành một quả bom nổ chậm đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo báo cáo này, với khoản nợ quốc gia sắp vượt trần cho phép 17.400 tỷ USD, mỗi người dân Mỹ đang phải gánh chịu khoản nợ hơn 52.000 USD. Riêng nợ công của Mỹ tính đến đầu tháng 4-2013 là 11.959 tỷ USD, chiếm 73% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao nhất trong lịch sử ngoại trừ thời điểm năm 1945.

Theo dự báo của Phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, nếu không có biện pháp khắc phục, đến năm 2038, tổng khoản nợ quốc gia của Mỹ sẽ chiếm 100% GDP. Nếu Nhà Trắng và Quốc hội không thống nhất được với nhau về chi tiêu ngân sách tài khóa 2014, từ ngày 01-10 tới, lần đầu tiên kể từ năm 1996, Chính phủ liên bang Mỹ sẽ phải đóng cửa một số công sở vì không có ngân sách hoạt động.

Kể từ khi nợ công của nước Mỹ kịch trần 16.700 tỷ USD vào tháng 5-2013 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để chi trả cho các hoạt động của chính phủ, song các biện pháp này cũng chỉ có thể cầm chừng đến hết tháng sau. Do đó, Bộ Tài chính Mỹ hy vọng Quốc hội sẽ đưa ra được quyết định tháo gỡ khó khăn này trong những phiên họp đầu tiên sau kỳ nghỉ hè.

Liên quan đến vấn đề này, Đảng Cộng hòa cũng đã đưa ra điều kiện sẽ thông qua việc nâng mức trần nợ nếu chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma chấp nhận việc dừng kế hoạch tăng chi tiêu cải cách y tế. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo về khả năng chính quyền liên bang có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ nếu nợ công chạm trần 16.700 tỷ USD vào giữa tháng 10, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tuyên bố không chấp nhận kế hoạch ngân sách trên, đồng thời cáo buộc thành viên Đảng Cộng hòa trong việc áp đặt điều kiện cho việc tăng trần nợ công và cho rằng Đảng Cộng hòa đang muốn thiết lập một tiền lệ nguy hiểm khi sử dụng việc nâng trần nợ quốc gia để ngăn cản các chính sách của chính phủ.

Năm tài khóa 2012 - 2013 sẽ kết thúc vào ngày 30-9-2013, vì vậy nếu Quốc hội Mỹ không sớm đưa ra thống nhất cuối cùng về việc nâng trần nợ công thì một số cơ quan chính phủ sẽ buộc phải tạm ngừng hoạt động. Điều này sẽ khiến hàng trăm nghìn viên chức liên bang phải nghỉ việc, đồng thời đặt ra những khó khăn nghiêm trọng đối với thị trường lao động, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ hiện vẫn trên mức 7%. Đó cũng là lý do khiến Bộ trưởng Tài chính Mỹ Giắc Liu hối thúc Quốc hội Mỹ nhanh chóng đàm phán kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa mới nhằm tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ, hay lặp lại kịch bản cuộc chiến trần nợ công năm 2011 khiến Mỹ bị tụt xếp hạng tín nhiệm./.