Ngày 25-9-2013, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đối với các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố.
Với 4 chuyên đề, các đại biểu nghe giới thiệu nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 và 3 Nghị định: số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/06/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi năm 2012; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 8-8-2013 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tại Hội nghị, Thanh tra Chính phủ đã triển khai tới các bộ, ngành, địa phương Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19-9-2013 của Thanh tra Chính phủ về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Qua hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, các tổ công tác liên ngành của Trung ương phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đã hết sức tích cực, giải quyết được 466/528 vụ việc, đạt 88,26%. Tuy nhiên, ngoài 528 vụ việc đã được rà soát, vẫn còn nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, để giải quyết dứt điểm cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tham gia phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Kế hoạch 2100/KH-TTCP được thực hiện trên cơ sở tổng kết Kế hoạch 1130/KH-TTCP để tiếp tục tăng cường giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.

Theo Kế hoạch, việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành; phấn đấu hàng năm giải quyết dứt điểm trên 90% các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc đã được kiểm tra, rà soát trong số 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài. Những vụ việc đã được giải quyết đúng, đã có sự thống nhất, có lý, có tình phải ban hành thông báo chấm dứt; các vụ việc mặt dù đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng điều kiện hoàn cảnh gia đình công dân đặc biệt khó khăn sẽ vận dụng chính sách xã hội để hỗ trợ; các vụ việc đã có phương án thống nhất giải quyết giữa các bộ, ngành, địa phương, nhưng khi đối thoại, người dân không đồng tình, phát sinh phức tạp, cần tổ chức họp để thống nhất, có biện pháp giải quyết dứt điểm... Các thông báo chấm dứt giải quyết, quyết định giải quyết phải công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, ngoài 528 vụ việc đã được kiểm tra, rà soát, Thanh tra Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động kiểm tra, rà soát, tập trung giải quyết. Quá trình thực hiện kiểm tra, rà soát cần tạo được sự đồng thuận, thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn; tổ chức đối thoại với công dân với sự tham gia của tổ chức có liên quan để xem xét quyền, lợi ích hợp pháp của công dân gắn với giáo dục, giải thích, hướng dẫn pháp luật giúp người dân hiểu rõ, chấp hành phương án đã được thống nhất giữa các cơ quan tổ chức...

Đồng thời, hội nghị cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu quan tâm, chia sẻ các vướng mắc trong thực tiễn; đóng góp ý kiến đề xuất, kiến nghị nhằm bảo đảm triển khai có hiệu quả; hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.../.