Huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên: Gắn phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật
TCCSĐT - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, bám sát điều kiện còn nhiều khó khăn của một huyện vùng cao có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao…, những năm qua, huyện Điện Biên đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Xuất phát từ những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất… Đảng bộ, huyện Điện Biên xác định phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn là một trong những mũi nhọn cần tập trung nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (2008 - 2013), bằng nhiều nguồn như vốn sự nghiệp nông thôn, Chương trình 135 giai đoạn II và vốn viện trợ của Chính phủ Đan Mạch…, huyện Điện Biên đã thực hiện chuyển giao 116 mô hình sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí khoảng trên 13 tỷ đồng. Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, sát với đặc điểm thực tế phát triển sản xuất chăn nuôi của người dân, huyện đã thực hiện chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chủ yếu gắn với những mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
Phát huy tốt vai trò cán bộ khuyến nông
Đây là một trong những kinh nghiệm quan trọng được rút ra từ thực tiễn đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở huyện Điện Biên trong thời gian qua.
Bám sát phương châm “coi trọng hiệu quả phát triển sản xuất kinh tế trên thực tiễn”, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Điện Biên đã chủ động phân công cán bộ khuyến nông phụ trách trên các địa bàn cụ thể. Theo đó, mỗi cán bộ khuyến nông được giao phụ trách từ 01 - 02 xã. Đây là cơ sở bảo đảm cho các mô hình chuyển giao có hiệu quả cao, hạn chế tối đa việc lãng phí nguồn vốn đầu tư, phù hợp với điều kiện, đặc điểm sản xuất của người dân trong thực tế.
Bên cạnh đó, góp phần không nhỏ trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật gắn với những mô hình điểm tại các cơ sở là lực lượng khuyến nông viên cấp xã. Nhận thức rõ vai trò của cán bộ khuyến nông xã là lực lượng nòng cốt trong tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tại cơ sở, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện Điện Biên đã chủ động bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cấp xã thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Hoạt động giao ban khuyến nông cũng có bước đổi mới, đi vào chiều sâu gắn với nội dung chuyên môn cụ thể. Thông qua việc tổ chức giao ban khuyến nông theo hình thức luân phiên tại cơ sở đã mang lại hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ khuyến nông viên được học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm của các mô hình làm kinh tế giỏi, các cơ sở chăn nuôi sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Trên cơ sở đó, lực lượng khuyến nông viên sẽ phát huy tốt vai trò tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã trong nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, triển khai và tổ chức chỉ đạo sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Những kết quả khả quan bước đầu
Mục đích hướng đến trong các chính sách của Đảng và Nhà nước là nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân. Đó đồng thời cũng là những kết quả bước đầu đạt được trong hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở huyện Điện Biên.
Từ khi triển khai đến nay, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với phòng ban chuyên môn, ủy ban nhân dân các xã và các trường: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh; Cao đẳng nghề… tổ chức 230 lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cho 11.500 lượt người; đồng thời, cấp hàng nghìn bộ tài liệu kỹ thuật, tờ rơi hướng dẫn kỹ năng canh tác, chăn nuôi phát triển sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn. Những lớp tập huấn đã cung cấp cho người dân tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, thông tin thị trường, các quy trình, kỹ thuật thâm canh, sản xuất; cách xử lý tình huống trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết nông dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn đã từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, canh tác truyền thống kém hiệu quả, phần lớn nông dân trong huyện không còn sử dụng giống lúa, ngô, địa phương chất lượng, hiệu quả thấp trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay trên địa bàn huyện Điện Biên, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đã có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về trồng trọt, có bước phát triển mạnh với các giống cây trồng mới như lúa, ngô, khoai tây, đậu tương… cho năng suất, chất lượng cao. Điển hình nhất là mô hình thâm canh ngô lai cho năng suất cao hơn bình quân sản xuất đại trà từ 30 - 35 tạ/ha. Qua thời gian canh tác đã lựa chọn được giống ngô lai mới phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu để bổ sung vào cơ cấu giống ngô của địa phương. Bên cạnh đó là mô hình trồng cây khoai tây vụ Đông trên đất 2 lúa, trồng đậu tương trên đất 1 vụ lúa ở xã Na Ư, trồng giống chè mới ở xã Thanh Chăn đã giúp người dân tăng vụ, tăng thu nhập.
Đối với chăn nuôi, với đặc điểm đất đồi của các hộ gia đình tương đối rộng, huyện đã lựa chọn thực hiện thí điểm một số mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Các giống gà Lương phượng lai sác xô, gà Tiềm ác, gà Mía nuôi theo hình thức bán tự nhiên, rút ngắn chu kỳ chăn nuôi từ 3 - 4 tháng, tăng khả năng quay vòng, nâng cao thu nhập của người sản xuất. Đặc biệt, tại các xã vùng lòng chảo như Noong Luống, Thanh Chăn, Sam Mứn… mô hình VAC theo phương thức mới kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm cho ăn thức ăn tinh kết hợp rau xanh đã cho năng suất khá ổn định từ 5 - 6 tấn/ha/vụ, (so với phương thức nuôi quảng canh trước đây đã tăng thêm 1,5 - 02 tấn/ha). Từ kết quả khả quan ban đầu của mô hình thí điểm, nhiều nông hộ đã đầu tư mở rộng diện tích sản xuất thâm canh tiến tới phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa. Huyện cũng đang khuyến khích một số địa phương có điều kiện phù hợp tiến hành trồng các loại cây ăn quả cho thu nhập cao như chuối, cam hoặc lê lai,…
Một số phương hướng trong thời gian tới
Để nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn ở huyện Điện Biên, trong thời gian tới theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn phục vụ cho công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Điện Biên nói riêng thời gian qua đã thường xuyên nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Việc khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn của các chương trình an sinh xã hội và vốn tài trợ nước ngoài là vấn đề hết sức quan trọng trong chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung.
Hai là, đẩy mạnh tìm tòi, nghiên cứu và vận dụng các mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện của huyện theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế nông nghiệp với lâm nghiệp và ngư nghiệp. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn ở huyện Điện Biên thời gian qua bên cạnh những kết quả đạt được thì nhìn chung còn thiên về sản xuất nông nghiệp chưa khai thác những tiềm năng vốn có của huyện về lâm nghiệp, ngư nghiệp. Vì vậy bên cạnh nông nghiệp, cần tăng cường nghiên cứu, vận dụng các mô hình sản xuất lâm nghiệp, ngư nghiệp bảo đảm sự phát triển toàn diện, bền vững của địa phương.
Ba là, từng bước triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất đã được tổ chức thí điểm đem lại hiệu quả cao. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng, là sự cụ thể hóa quá trình chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật chỉ thực sự đi vào đời sống nhân dân thông qua những mô hình sản xuất thực tiễn. Vì vậy, trên cơ sở những mô hình thí điểm có hiệu quả, chất lượng cao đã được khẳng định trong thực tế, cần có kế hoạch tổ chức thăm quan, nhân rộng thành những phong trào sản xuất mạnh mẽ, thiết thực góp phần cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc Điện Biên.
Những thành công bước đầu của các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã góp phần quan trọng trong quá trình đổi mới nông nghiệp, nông thôn ở huyện Điện Biên. Phát huy những kết quả đó không chỉ giúp người dân có thể phát triển kinh tế hộ bằng nội lực của gia đình cộng với sự hỗ trợ khoa học - kỹ thuật của Nhà nước để phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là cơ sở đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thiết thực củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc./.
Chậu hoa, cây cảnh  (24/09/2013)
Tăng cường hợp tác hai Đảng Cộng sản Việt - Nhật  (23/09/2013)
Việt Nam - Đức: Đối tác chiến lược vì tương lai  (23/09/2013)
Điện mừng Thủ tướng Campuchia được bổ nhiệm  (23/09/2013)
Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam  (23/09/2013)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên