G20 - Đồng thuận về kinh tế, chia rẽ về quân sự

Nguyễn Nguyên
22:24, ngày 11-09-2013
TCCSĐT - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã diễn ra tại thành phố Xanh Pê-téc-bua (Nga) ngày 5 và 6-9 trong bối cảnh Mỹ và một số nước phương Tây đang ráo riết chuẩn bị phát động tấn công quân sự vào Xy-ri; thị trường tài chính thế giới tiếp tục bất ổn; vấn đề thất nghiệp ngày càng trở nên trầm trọng; nền kinh tế thế giới đang phát triển thiếu cân bằng.
Thông qua kế hoạch Xanh Pê-téc-bua

Với nhận định rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi như dự kiến. Tháng 6 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thông báo về khả năng giảm dần chương trình nới lỏng định lượng (QE), tùy theo đà phục hồi của nền kinh tế. Có thể đến cuối năm nay FED sẽ cắt giảm quy mô gói cứu trợ QE-3 từ 85 tỷ USD xuống mức 65 tỷ USD/tháng và đến giữa năm 2014 có thể ngừng gói cứu trợ này. Tuyên bố trên đã làm các nhà đầu tư và một số nền kinh tế mới nổi gia tăng mối quan ngại về sự giảm giá của các đồng tiền dẫn đến sự bất ổn của hệ thống tài chính thế giới. Những khó khăn này đặt ra thách thức cho các nhà lãnh đạo của G20 tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Theo Thứ trưởng Bộ tài chính Nga Xéc-gây Xtô-rơ-trắc (Sergey Storchak), trong bối cảnh nhiều nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin… có dấu hiệu chậm lại thì việc thúc đẩy tăng trưởng đối với các nền kinh tế mới nổi là điều hết sức cần thiết. Theo OECD dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2013 chỉ đạt 7,4%, thay vì 7,8% như dự báo trước đó. Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cuối cùng đã thoát khỏi suy thoái, mặc dù nỗi lo về nợ công vẫn treo lơ lửng. Cũng theo OECD mức tăng trưởng năm 2013 đối với hai nền kinh tế lớn của châu Âu là Đức và Pháp, mức tăng lần lượt là 0,7% và 0,3%, cao hơn so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đáng lo ngại. Trong đó, phải kể đến tỷ lệ thất nghiệp về cơ cấu gây ra bởi sự mất cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường lao động trong nhiều lĩnh vực kinh tế hiện nay. Đặc biệt là thất nghiệp trong giới trẻ tăng lên là điều rất đáng quan ngại.

Theo thống kê, hiện nay trên toàn thế giới đã có 200 triệu người thất nghiệp, trong đó các nước G20 chiếm 93 triệu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ma-nu-en Ba-rô-xô (Manuel Barroso) nhấn mạnh, cần chú trọng nhu cầu trong nước để làm tăng tổng cầu giúp tăng trưởng và tạo việc làm mới. Mặc dầu mối đe dọa tài chính ở châu Âu và các nước khác đã giảm trong những năm gần đây, nhưng vấn đề nợ công chưa được giải quyết sẽ tác động trở lại đến tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Vì thế, mục tiêu chính của Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này là thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, trong bối cảnh sự bất ổn vẫn tiếp diễn trên các thị trường tài chính, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và sự mất cân bằng toàn cầu có thể còn kéo dài.

Để tiến gần hơn đến việc đạt mục tiêu nêu trên, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay đã nêu ra một số giải pháp để Hội nghị thảo luậ. Đó là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, chủ yếu thông qua khuyến khích đầu tư dài hạn, bảo
đảm sự tin cậy và minh bạch trên các thị trường và nâng cao hiệu quả pháp lý. Giám đốc Viện Phân tích chiến lược Nga I-go Nhi-cô-lép (Igor Nikolaev) cho rằng, G20 không ảnh hưởng lớn đối với các tiến trình kinh tế đang diễn ra trên thế giới. Trong thời kỳ khủng hoảng 2008 - 2009, G20 đưa ra được khá nhiều quyết sách đúng đắn và kịp thời, song nhìn chung hoạt động của G20 sau đó lại đi theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Ông I. Nhi-cô-lép nhận xét, đề tài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có vẻ không hợp thời khi mà nền kinh tế tại các quốc gia mới nổi đang có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng (đồng Rupee Ần Độ, Real Bra-xin mất giá; tăng trưởng Trung Quốc chậm lại). Vì thế, theo chuyên gia, vấn đề cấp thiết nhất của G20 là cùng tìm ra các biện pháp chống khủng hoảng mới.

Trước khi kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí về một kế hoạch hành động, còn được gọi là “Chiến lược phát triển Xanh Pê-téc-bua”, kế hoach này đề cập tới việc bảo đảm tăng trưởng ổn định cũng như công ăn việc làm, kế hoạch đầu tư dài hạn, thực thi cải cách quy định tài chính, thu thuế và đến năm 2016 từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Cơ sở của kế hoạch là chiến lược ngân sách cũng như cam kết của các nước thực thi cải cách cơ cấu, chống lại tình trạng gian lận thuế. Bộ trưởng Tài chính Nga An-tôn Xi-lu-a-nốp (Anton Siluanov) cho biết, kế hoạch hành động nói trên dự kiến một loạt hành động nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, vốn là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong Khu vực Eurozone. Kế hoạch này cũng nêu bật sự cần thiết phải thông qua các biện pháp khuyến khích đầu tư cũng như ngăn chặn “chảy máu” vốn.

Đối với Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Bra-xin, Nam Phi đã thảo luận dự án thành lập một Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung trị giá 100 tỉ USD bên lề Hội nghị G20. Theo Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergey Lavrov), quỹ này nhằm ngăn chặn mọi ảnh hưởng tiêu cực của thị trường hối đoái đối với đồng nội tệ của mỗi quốc gia, với mục tiêu “giải cứu” cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng phải thích ứng với tình hình đang biến động hiện nay.

Chia rẽ sâu sắc về giải pháp với Xy-ri


Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay bị phủ bóng bởi vấn đề Xy-ri. Dư luận quốc tế đều biết rằng, xung quanh cuộc xung đột ở Xy-ri giữa Nga và Mỹ đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc tranh cãi, nhưng chỉ thực sự trở nên gay gắt khi gần đây Mỹ ráo riết tìm cớ để tấn công Xy-ri. Sau những mâu thuẫn liên quan tới việc Mỹ cáo buộc chính quyền Xy-ri đã sử dụng vũ khí hóa học, mới đây hai bên lại “khẩu chiến” sau vụ Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry bác bỏ thông tin cho rằng, các phần tử khủng bố Al Qaeda đang sát cánh cùng phe đối lập trong cuộc nội chiến ở Xy-ri. Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã nói dối trước Quốc hội Mỹ, và lời nói dối đáng buồn nhất là phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry (John Kerry) trước Ủy ban Đối ngoại thượng viện. Tại đây, ông Giôn Ke-ry cho rằng, sự hiện diện của Al Qaeda trong phe đối lập Xy-ri là không có, mặc dù trước đó chính ông và các quan chức Mỹ khác thừa nhận có sự tham gia của Al Qaeda trong phe đối lập. Còn những tranh cãi liên quan tới việc sử dụng vũ khí hóa học ở Xy-ri, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã coi việc Mỹ cùng Anh và Pháp cáo buộc chính quyền Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học là “lố bịch” và yêu cầu Mỹ đưa ra bằng chứng.

Đáng lẽ ra theo kế hoạch, hai nguyên thủ quốc gia Nga - Mỹ đã gặp nhau trước thềm hội nghị G20 lần này. Song Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cho rằng, bế tắc trong mọi vấn đề, từ nhân quyền tới không phổ biến vũ khí hạt nhân, và cả việc Nga cho phép cựu điệp viên CIA Ét-uốt Xnâu-đân (Edward Snowden) tị nạn khiến ông và chính quyền của mình phải “tạm dừng” mối quan hệ với Nga.

Những lời lẽ nặng nề giữa Nga và Mỹ liên quan tới cuộc xung đột ở Xy-ri càng khiến quan hệ hai bên, vốn đã rơi vào tình trạng gần như “băng giá”. Việc Tổng thống Nga V. Pu-tin và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã không gặp gỡ song phương đúng như tuyên bố hủy bỏ của Mỹ trước đó đã khiến dư luận không khỏi thất vọng, bởi việc hai nhà lãnh đạo chịu ngồi lại với nhau được hy vọng sẽ hé mở ra một giải pháp cho tình hình Xy-ri vốn rất đang nóng bỏng hiện nay. Động thái hủy bỏ gặp song phương đối với Nga của Mỹ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được cho là hành động hiếm khi xảy ra trong quan hệ giữa các nước lớn. Điều này càng cho thấy quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp chưa từng có kể từ khi hai nước bắt đầu “cài đặt lại” mối quan hệ song phương.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị này, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng về việc ngừng kế hoạch can thiệp quân sự vào Xy-ri do những lo ngại về tác động của nó. Các thành viên Nhóm BRICS và đại diện EU đều cảnh báo về những nguy cơ của một cuộc tấn công mà không có sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo an. Và “Hành động quân sự sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới, đặc biệt là giá dầu sẽ tăng vọt”. Để biện minh cho hành động của mình, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma cho rằng, ông không có sự nghi ngờ gì về uy tín của ông nếu không có hành động chống lại Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát (Bashar al- Assad) nhưng “Uy tín của cộng đồng quốc tế sẽ gặp nguy cơ. Và uy tín của nước Mỹ và Quốc hội cũng sẽ như vậy, bởi vì chúng ta sẽ chỉ quảng bá mà không hành động gì về khái niệm rằng các nguyên tắc quốc tế này là quan trọng”, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nhấn mạnh.

Còn Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Mỹ và phương Tây mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an sẽ là một hành vi “xâm lược” không thể chấp nhận được. Ông V. Pu-tin cho rằng , “ít nhất chúng ta phải đợi kết quả của các điều tra do Ủy ban Điều tra của Liên hợp quốc tiến hành”. Phát biểu với các nhà lãnh đạo tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun cũng nhắc nhở rằng, bất kỳ hành động quân sự nào đều phải được Hội đồng Bảo an cho phép.

Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, vẫn có một số nước như: Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ca-na-đa và Ô-xtrây-li-a ủng hộ hành động quân sự của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Mặc dù vậy, theo ghi nhận của BBC thì số nhà lãnh đạo phản đối hành động quân sự của Mỹ tại G20 đã nhiều hơn hẳn số nước cổ vũ cho hành động này. Như vậy, trong bối cảnh các vấn đề chính trị đang là đề tài bao trùm, khiến các đại biểu tham dự hội nghị khó mà tập trung chú ý vào các vấn đề kinh tế quan trọng trong chương trình nghị sự được nước chủ nhà nêu ra./.