Hai chiều diễn biến của G20

Phan Lang
22:24, ngày 11-09-2013
TCCSĐT - Hội nghị cấp cao của Nhóm G20 ở Xanh Pê-téc-bua (St. Petersberg) (Nga) ngày 5 và 6-9 vừa qua là dấu mốc quan trọng mới trong tiến trình của khuôn khổ diễn đàn này. Kể từ khi hình thành năm 1999, đây là Hội nghị cấp cao lần thứ 8 của G20. Cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2007 đã đưa lại cho G20 vị thế và tầm quan trọng mà nó đã không có được kể từ khi hình thành.
Nói như vậy bởi bản chất và tôn chỉ mục đích ban đầu của G20 là diễn đàn đa phương về các vấn đề kinh tế và tài chính thời sự của thế giới, chứ không phải về chính trị, an ninh hay đối ngoại. Nhưng tại Hội nghị cấp cao này, cả trong quá trình chuẩn bị lẫn khi diễn ra, G20 lại bị phủ bóng và tác động mạnh mẽ bởi diễn biến tình hình chính trị - an ninh ở Xy-ri cũng như những tình trạng quan hệ không được tốt đẹp giữa Nga và Mỹ. Cũng chính vì thế mà ở Hội nghị cấp cao này có thể thấy hai chiều hướng diễn biến trong G20. Một mặt, khuôn khổ diễn đàn này vẫn tiếp tục theo định hướng chính của nó là bàn thảo về vấn đề kinh tế, tài chính và tiền tệ liên quan đến cả thế giới. Mặt khác, nó đã bắt đầu phải đối mặt với nỗ lực của một số thành viên muốn đồng thời "chính trị hóa" diễn đàn.

Khuôn khổ diễn đàn G7, sau này là G8, cũng đã từng diễn biến theo chiều hướng ấy. Bởi vậy, nhìn nhận từ các giác độ khác nhau về mục đích của G20 và ưu tiên lợi ích của các thành viên có thể đưa ra những đánh giá rất khác nhau về kết quả của Hội nghị cấp cao này. Đối với những thành viên muốn biến Hội nghị G20 thành diễn đàn và cơ chế xử lý khủng hoảng chính trị và an ninh trên thế giới thì hội nghị này không đạt kết quả gì, nếu không muốn nói là thất bại. Hội nghị có thảo luận nhưng không nhất trí, không đưa ra được kiến giải chung nào cho vấn đề Xy-ri. Sự khác biệt quan điểm giữa Nga và Mỹ cũng như giữa bộ phận ủng hộ Mỹ tấn công quân sự Xy-ri và phía cùng với Nga ưu tiên cho giải pháp chính trị và chờ đợi Liên hợp quốc công bố kết quả về điều tra sử dụng vũ khí hoá học ở Xy-ri, mang tính nguyên tắc và rất sâu sắc.

Đối với Nga và cá nhân Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin, kết quả Hội nghị như thế là rất thành công. Bất chấp trắc trở trong quan hệ giữa Nga và Mỹ và mặc dù triển vọng phân rẽ nội bộ G20 về vấn đề Xy-ri rất rõ nét, tất cả 
các thành viên đều tham dự ở cấp cao nhất., ngoại trừ Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Kê-vin Rắt (Kevin Rudd) vì cuộc bầu cử Quốc hội của nước này ngày 7-9 phải về trước. Chủ đề nội dung Xy-ri vẫn được đưa ra bàn thảo mà chẳng đi đến sự đồng thuận quan điểm nào nhưng không vì thế mà gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thảo luận cũng như kết luận của Hội nghị về các vấn đề kinh tế, tài chính và thương mại.

Đối với bản thân khuôn khổ diễn đàn, những kết quả đạt được ở Hội nghị về các vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư và tiền tệ có thể được coi là tiến triển có ý nghĩa trong khi nguy cơ bị chính trị hoá được kiềm chế. Hội nghị này đã nhất trí tiếp tục đẩy mạnh cuộc cải tổ thị trường tài chính, đưa ra Chương trình hành động Xanh Pê-téc-bua về tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm, nhấn mạnh yêu cầu về lành mạnh hóa ngân sách nhà nước của các quốc gia thành viên, cho dù chưa đưa ra mục tiêu cụ thể mà mới chỉ dưới dạng các chiến lược trung hạn về tài khóa. Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận quan điểm cao về chống lạm thuế và trốn thuế, chống bảo hộ mậu dịch, cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế, ràng buộc các ngân hàng trung ương quốc gia vào trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bền vững và cân đối.

Những kết quả nói trên của Hội nghị còn cho thấy, G20 có thể phát huy được vai trò nếu trong tương lai vẫn tiếp tục duy trì và thúc đẩy được chiều hướng trở thành khuôn khổ diễn đàn thích hợp nhất hiện tại để xử lý các vấn đề về kinh tế và tài chính liên quan đến cả thế giới và hạn chế chiều hướng trở thành cả diễn đàn chính trị./.