TCCSĐT - Ngày 22-8-2013 tại Hà Nội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ công bố báo cáo “Dự báo cân đối Quỹ Bảo hiểm Xã hội và các khuyến nghị pháp lý”.
Báo cáo đưa ra dự báo khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm X hội hiện tại và phân tích những thay đổi chính sách có thể nâng cao tính bền vững của quỹ. Đây là một việc làm hết sức cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam có những thay đổi lớn về cơ cấu dân số, tỷ lệ người lao động có bảo hiểm thấp và khâu thực thi luật còn hạn chế. Cùng với đó, báo cáo này cũng phần nào hỗ trợ Việt Nam trong quá trình cải cách Luật Bảo hiểm Xã hội, dự kiến được Quốc hội thông qua trong năm tới.

Tại buổi lễ, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đưa ra khuyến cáo: Quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có thể bắt đầu thâm hụt từ năm 2021 và hoàn toàn cạn kiệt năm 2034 nếu Việt Nam không có thay đổi kịp thời về mặt chính sách.

Luật Bảo hiểm Xã hội hiện nay quy định mọi công dân Việt Nam ký hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên đều được tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng trên thực tế, việc thi hành luật vẫn là một thách thức lớn. Hiện nay, chỉ một phần năm lực lượng lao động của nước ta có bảo hiểm.

Mặc dù nguồn thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đã tăng từ 6,3 nghìn tỷ năm 2001 lên 89,6 nghìn tỷ năm 2012, song chỉ có 47% tổng số doanh nghiệp đóng bảo hiểm bắt buộc (trong năm 2010). Năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, nghĩa là khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Với số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng”, quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt nếu quá trình cải cách không đưa ra được những biện pháp cấp thiết.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhấn mạnh: trong giai đoạn 2020 - 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số sẽ có thể ở mức cao nhất ở châu Á. Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, dự báo của ILO sẽ tạo cơ sở cho việc hoạch định chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách hưu trí của Việt Nam nói riêng.

Giám đốc ILO Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, cho biết: “Cải cách bảo hiểm xã hội giống như việc chèo lái một con thuyền lớn: thuyền trưởng không thể chờ đến phút cuối mới hành động. Con thuyền đó phải được xoay chuyển trước khi tiến đến quá sát chướng ngại vật. Nhưng đáng quan ngại là, báo cáo của ILO cho thấy, chướng ngại vật đó đang ở rất gần. Vì thế, Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động Việt Nam cần khẩn trương hành động và hợp tác cùng nhau để tìm ra phương thức bảo đảm việc chi trả lương hưu cho hiện tại và lâu dài.

Để bảo đảm tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm Xã hội, ILO khuyến cáo: Việt Nam nên tiến tới nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới lên 65, trên cơ sở những tiến bộ trong việc nâng cao tuổi thọ trung bình và giảm tỉ lệ giữa số người lao động và số người nhận lương hưu.

Theo ILO, những thay đổi trong chính sách nhằm kéo dài tính chi trả bền vững của quỹ phải được thực hiện đồng thời với việc đảm bảo sự công bằng giữa khối công nhân viên chức nhà nước và người lao động trong khối tư nhân. Việt Nam cũng cần tăng độ bao phủ của chương trình bảo hiểm hưu trí và phát triển các chương trình bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Giám đốc ILO Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki cũng khuyến nghị rằng: cuộc cải tổ mới này cần bảo vệ được người lao động khi về hưu bằng cách bảo đảm cho cả người sử dụng lao động và người lao động đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập, thay vì lương cơ bản theo quy định của Bộ Luật Lao động sửa đổi./.