Ngày 20-8, tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh cùng với thân tộc Bác Tôn và đông đảo nhân dân thành phố Long Xuyên đã tổ chức trang trọng Lễ dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2013).

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh đã ôn lại thân thế, sự nghiệp cách mạng, những đóng góp, hy sinh to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, người bạn, người đồng chí chiến đấu của Bác Hồ. Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn là tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản, vượt qua mọi thách thức nghiệt ngã trong lao tù đế quốc và sự khốc liệt của chiến tranh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

 

Với 92 năm cuộc đời, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cống hiến hơn 60 năm cho Cách mạng Việt Nam và đã chịu nhiều gian khổ của 17 năm ngục tù Côn Đảo. Trong suốt quá trình tham gia đấu tranh cách mạng, Bác Tôn đã giữ nhiều trọng trách, là Đại biểu Quốc hội từ khóa I (1946) đến khóa V (1980), được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương từ năm 1951 - 1980, năm 1955 được cử làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, năm 1960 - 1969 là Phó Chủ tịch nước, năm 1969 được Đảng, Nhà nước giao trọng trách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác Tôn còn là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch hội hữu nghị Việt - Xô…; là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, sống khiêm tốn, giản dị, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, gần gũi với đồng chí, đồng bào.

 

Để tưởng nhớ công lao của Bác Tôn, đúng ngày này 15 năm trước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang đã xây dựng, khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong khuôn viên rộng 6,7ha với nhiều công trình kiến trúc mang đậm phong cách Nam bộ như: ngôi nhà thời niên thiếu, đền thờ tưởng niệm Bác Tôn, phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn với hơn 100 ảnh và kỷ vật... đã gắn bó với Bác Tôn trong suốt thời gian tham gia làm cách mạng và khi làm việc, sinh hoạt đời thường sau khi đất nước thống nhất. Năm 2012, Khu lưu niệm được Nhà nước công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách địa phương, tỉnh An Giang tiếp tục đầu tư trên 14 tỷ đồng để cải tạo đền thờ, nhà trưng bày, phòng chiếu phim tư liệu, hệ thống đường giao thông nội bộ, nhà trưng bày điêu khắc gỗ và xây mới 5 hạng mục nhà trưng bày tặng phẩm, khu sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, cổng chào... để Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng thật sự xứng tầm, là niềm tự hào của nhân dân An Giang.

 

Trong dịp này tỉnh An Giang còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, triển lãm tranh ảnh về thân thế và sự nghiệp của Bác Tôn; khánh thành tượng Bác Tôn đặt tại Trường Chính trị Tôn Đức Thắng (thành phố Long Xuyên)./.