Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 20, chiều 19-8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và dự án Luật việc làm.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của Ủy ban Các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ băn khoản đối với các quy định của dự án Luật; đề nghị, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa về thủ tục, quy trình các hình thức khen thưởng của Nhà nước, nhất là thủ tục khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội chuyên trách, kiêm nhiệm nói riêng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, trong suốt quá trình công tác, nhiều đại biểu Quốc hội hầu như không được xem xét thi đua mà chỉ được đề nghị xét khen thưởng khi chuẩn bị về hưu hoặc sau khi đã nghỉ hưu.

Cho rằng, khen thưởng khi đại biểu Quốc hội đã nghỉ hưu thì sẽ làm giảm tính khuyến khích trong quá trình công tác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, dự án Luật thi đua, khen thưởng cần quy định cả hình thức khen thưởng trong thời điểm đang công tác của đại biểu Quốc hội nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Một số ý kiến khác cho rằng, việc khen thưởng đại biểu Quốc hội nên quy định theo hướng không cộng dồn thành tích mà căn cứ theo thành tích, công trạng và cống hiến thông qua các hình thức khen thưởng của Chủ tịch nước. Đối với thành tích trong hoạt động khác không phải là hoạt động Quốc hội thì được khen thưởng dựa trên kết quả của thành tích đó theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng. Vì vậy, các ý kiến thống nhất với phương án là Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước quyết định các hình thức khen thưởng cho đại biểu Quốc hội.

Về thời gian 5 năm mới xét tặng Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang có muộn hay không khi có những người làm nên những chiến công, thành tích trong một thời điểm nhất định, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết dự thảo Luật đã thiết kế quy định khen thưởng trong trường hợp đột xuất tại Điều 61 của dự thảo.

Đại diện cơ quan soạn thảo cũng đã giải thích thêm về quy định được tặng lần 2 đối với “Huân chương Hồ Chí Minh.” Theo cơ quan soạn thảo, Luật quy định xét tặng lần 2 cho tập thể trên cơ sở tập thể đó phải có quá trình phấn đấu lâu dài, liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 20 năm tiếp theo sau khi được tặng thưởng lần thứ nhất. Với tiêu chuẩn chặt chẽ như quy định trong dự án Luật thì việc xét tặng lần 2 “Huân chương Hồ Chí Minh” bảo đảm tính tôn vinh của danh hiệu cao quý này.

Cũng trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau dự án Luật việc làm. Các ý kiến cơ bản nhất trí và đánh giá cao với báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của Ủy ban về các vấn đề xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, báo cáo đã làm rõ được những vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn trước đây.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm về vấn đề chính sách tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; lộ trình thành lập trung tâm dịch vụ việc làm; hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp; tính khả thi của ngân sách...; đồng thời cần cân nhắc lại việc giao 1/3 số điều do Chính phủ quy định.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn chỉnh những nội dung của hai dự án Luật này mà các thành viên Ủy ban Thường vụ đã góp ý, để trình Quốc hội tại kỳ họp tới./.