Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tấm gương sáng ngời của người cộng sản

Phạm Hồng Chương PGS,TS, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
21:42, ngày 16-08-2013
TCCSĐT - Trong bất cứ hoàn cảnh và vị trí nào, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn gần gũi, gắn bó với đồng chí, đồng bào và sẵn lòng chia sẻ những khó khăn với tất cả mọi người. Đó là những biểu hiện chủ nghĩa nhân văn của một nhà lãnh đạo mang trong mình những tố chất để đoàn kết dân tộc, tố chất của một người cộng sản, một nhà lãnh đạo thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là hiện thân sinh động của nhà yêu nước nhiệt thành, một kiểu mẫu về người chiến sĩ cộng sản tiên phong, kiên cường, mẫu mực ở thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà yêu nước, người cộng sản kiên cường, mẫu mực

Sinh ngày 20-8-1888 trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, đồng chí Tôn Đức Thắng lớn lên bằng sự nuôi dưỡng của vùng đất giàu tình người, hào hiệp và bởi tinh thần quật khởi của nhân dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi rời mái trường ở quê hương và đứng trong đội ngũ công nhân ở Sài Gòn, đồng chí Tôn Đức Thắng đã tham gia ngay vào việc lãnh đạo công nhân đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân và trở thành một trong những chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân nước ta.

Hoạt động trong phong trào công nhân và tham gia các hoạt động chính trị trong binh lính hải quân Pháp trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đồng chí là một trong những người Việt Nam đầu tiên ủng hộ nước Nga Xô-viết, nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

Trở về nước và hòa nhập vào đội ngũ giai cấp công nhân non trẻ nước ta, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng là người tiên phong thành lập và lãnh đạo hình thức tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam là Công hội bí mật ở thành phố Sài Gòn. Sự ra đời của tổ chức công hội đã xác nhận bước phát triển mới của giai cấp công nhân nước ta, từ chỗ chưa có tổ chức sang thời kỳ bắt đầu có tổ chức riêng của mình.

Năm 1925, trên cơ sở phát triển của công hội, đồng chí Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, góp phần mở ra quá trình giai cấp công nhân Việt Nam chuyển từ đấu tranh tự phát lên tự giác, sự thay đổi về chất của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời tạo ra cơ sở xã hội cho việc tiếp nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập bắt đầu hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở Nam Bộ, đồng chí Tôn Đức Thắng đã gia nhập tổ chức này và giữ trọng trách là Ủy viên Kỳ bộ Nam Bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách phong trào công nhân. Trên cương vị đó, đồng chí vừa hăng hái học tập, vừa góp phần tích cực vào việc tổ chức truyền bá, kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam, phát triển Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong giai cấp công nhân, đẩy mạnh quá trình vận động thành lập Đảng ta.

“Là một trong các chiến sĩ lớp đầu của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta”(1), với những hoạt động trên, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần đưa cách mạng Việt Nam tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta phát huy vai trò quyết định xu thế phát triển của đất nước theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ năm 1929 đến năm 1945, bị thực dân Pháp bắt, với ý chí kiên cường và phẩm chất cách mạng sáng ngời của người cộng sản, đồng chí Tôn Đức Thắng đã bất khuất vượt qua sự đầy ải trong địa ngục trần gian của thực dân Pháp ở Khám Lớn (Sài Gòn) và ngục tù Côn Đảo. 

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, được trở về đất liền, đồng chí được giao ngay nhiệm vụ Phụ trách Ủy ban kháng chiến kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang Nam Bộ và tiến hành lãnh đạo cuộc chiến đấu chống quân đội Pháp mở rộng vùng chiếm đóng ở Nam Bộ sau ngày 23-9-1945.

Đầu năm 1946, đồng chí Tôn Đức Thắng được điều động ra miền Bắc làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảm nhiệm nhiều trọng trách: Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Hội trưởng và Hội trưởng Hội Liên-Việt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Vận động thi đua ái quốc, Chủ tịch Mặt trận Liên-Việt, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo xoá nạn mù chữ Trung ương, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch danh dự Ủy ban Thiếu niên và Nhi đồng Việt Nam. Đồng chí đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc trên cương vị là Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô.

Năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, được bầu giữ chức Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng chí đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, lãnh đạo cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc và sự khốc liệt của chiến tranh, kiên định trước mọi khó khăn của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa chưa có tiền lệ, vừa mở đường vừa tiến lên, đồng chí Tôn Đức Thắng đã suốt đời phấn đấu kiên cường cho lý tưởng của Đảng vì độc lập của dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam. Trên bất kỳ cương vị nào, đồng chí Tôn Đức Thắng cũng “luôn luôn phấn đấu quên mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó”.

Người tiêu biểu cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc

Sau khi xây dựng được đường lối đúng, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng là lãnh đạo tổ chức, xây dựng lực lượng cách mạng, vận động, đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng đã đề ra. Đây là lúc đòi hỏi cao độ năng lực tập hợp, tổ chức, vận động, đoàn kết nhân dân của người lãnh đạo.

Vào đầu năm 1946, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của cách mạng nước ta sau Cách mạng Tháng Tám, không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lại tin tưởng giao cho đồng chí Tôn Đức Thắng nhiệm vụ tham gia tổ chức xây dựng và trực tiếp lãnh đạo Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, với trọng trách là Phó Hội trưởng, để thực hiện chủ trương của Đảng về mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc nhằm cô lập kẻ thù, góp phần bảo vệ thắng lợi thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

Sau khi Hội trưởng Huỳnh Thúc Kháng qua đời (năm 1947), được tín nhiệm gánh vác trách nhiệm Hội trưởng Hội Liên Việt, từ năm 1948, đồng chí Tôn Đức Thắng vừa lãnh đạo tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về thống nhất Hội Liên Việt với Mặt trận Việt Minh, lại vừa trực tiếp lãnh đạo triển khai phong trào thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trên cương vị Trưởng Ban Thi đua ái quốc. Sự thống nhất các lực lượng cách mạng nước ta với sự ra đời của Mặt trận Liên-Việt (tháng 3-1951) mà đồng chí là Chủ tịch, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào thi đua ái quốc trên cả nước do đồng chí trực tiếp lãnh đạo, đã góp phần đáp ứng yêu cầu toàn dân, toàn diện kháng chiến theo chủ trương của Đảng. Sự phát triển mới này của lực lượng chính trị và phong trào cách mạng nước ta là những cơ sở thực tiễn cực kỳ quan trọng để Đảng ta quyết tâm chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn kết thúc dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Đây cũng là sự khẳng định thành công của đồng chí Tôn Đức Thắng trong vai trò của người lãnh đạo trực tiếp đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng cách mạng nói chung, với mặt trận thống nhất dân tộc nói riêng, cũng như việc chuyển hóa các chủ trương của Đảng thành hiện thực qua phong trào thi đua yêu nước rộng lớn của toàn dân ta theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đồng chí Tôn Đức Thắng cũng có nhiều thành công trong nhiệm vụ tổ chức xây dựng, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1955) và góp phần xây dựng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1960), đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng nước ta sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Từ năm 1955 đến năm 1977, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí đã góp phần to lớn vào nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết toàn dân, quyết tâm thực hiện các mục tiêu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta thắng lợi, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của đồng bào cả nước và đòi hỏi cấp bách của công cuộc xây dựng đất nước thống nhất, đồng chí Tôn Đức Thắng vừa tham gia lãnh đạo thống nhất về mặt nhà nước và trở thành Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 1976), vừa trực tiếp lãnh đạo thống nhất các tổ chức mặt trận ở hai miền thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1977) và được tôn vinh là Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho tới khi đồng chí ra đi vào cõi vĩnh hằng (năm 1980).

Hơn 30 năm là người tổ chức, hiện thực hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng về cách mạng Việt Nam trên các cương vị là nhà lãnh đạo trực tiếp, cao nhất của Mặt trận dân tộc thống nhất, của Quốc hội, kế tục trọng trách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, phục hưng Tổ quốc Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa, đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ thể hiện tài năng tổ chức của một nhà lãnh đạo mà còn có nhiều đóng góp quan trọng về lý luận làm phong phú tư tưởng Hồ Chí Minh và để lại cho Đảng ta nhiều bài học quý giá, nhất là trong xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc ở nước ta.

Trước hết, đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên, từ diễn đàn của Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951), đã chính thức nêu ra và kêu gọi “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch”, đồng thời khẳng định: “sự học tập ấy, là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”(2). Đồng chí cũng là một mẫu mực trong việc thực hành vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực hiện thành công các nhiệm vụ trên cương vị của mình. Ngày nay, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thắng lợi cũng bắt đầu từ bài học đó khi Đảng ta xác định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Hai là, Đảng phải nắm vững và xử lý đúng đắn mối quan hệ dân tộc và giai cấp trong xây dựng, củng cố và phát triển mặt trận đoàn kết dân tộc trước những biến đổi và vận động nhanh chóng, không ngừng của những điều kiện lịch sử dân tộc và thời đại. Khẳng định phải không ngừng củng cố, tăng cường, mở rộng và phát triển khối đoàn kết toàn dân, lực lượng quyết định hiện thực hóa thắng lợi các mục tiêu cách mạng, nhưng để có thể thực hiện thành công nhiệm vụ đó, đồng chí Tôn Đức Thắng cho rằng: Đảng phải phát huy chủ nghĩa yêu nước, phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, phải phân tích, nắm vững và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, mối quan hệ giữa lợi ích toàn thể và bộ phận, nhằm xác định đúng “những điểm chung cho toàn thể dân tộc”(3) - theo tư tưởng Hồ Chí Minh - trong nội dung các khẩu hiệu chiến lược của cách mạng, trong việc xây dựng chính sách để tập hợp cao nhất lực lượng cách mạng, mở rộng tối đa khối đại đoàn kết dân tộc ở mỗi thời kỳ cách mạng(4). Đó cũng là cơ sở để làm rõ đặc điểm, tính chất nhà nước và định hướng trong tổ chức, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân ở nước ta; đó cũng là căn cứ cho việc xây dựng chính sách nhằm “diễn giải một cách hợp lý” mâu thuẫn và quyền lợi giữa các giai cấp(5)..., để phát huy tối đa sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết của dân tộc ta.

Ba là, Đảng phải luôn tăng cường khối liên minh công nông làm cơ sở vững chắc cho mặt trận và để tranh thủ các tầng lớp nhân dân khác. Và, trong khi chú ý chính sách liên minh giai cấp để xây dựng mặt trận thống nhất dân tộc, phải “đặc biệt chú trọng đến quyền lợi của quần chúng cần lao và đông đảo vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất”(6). Nhưng đồng chí cũng lưu ý rằng, những quyền lợi đó phải được thực hiện dần dần và có “hạn độ” theo sự phát triển của cách mạng. Hạn độ đó tức là bảo đảm chính sách đại đoàn kết toàn dân ...

Bốn là, đồng chí Tôn Đức Thắng khẳng định: Để đoàn kết dân tộc, Đảng phải là hạt nhân đoàn kết và phải luôn nêu cao sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, vấn đề hàng đầu để đoàn kết toàn dân là phải đoàn kết từ trong nội bộ Đảng và sự đoàn kết đó không chỉ là sự thống nhất tư tưởng, hành động trong thực hiện đường lối của Đảng mà còn là tình cảm tôn trọng, yêu mến, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người đảng viên cộng sản. Đồng chí cũng chỉ ra phương pháp duy nhất giúp ta đạt được ý muốn ấy là tự chỉ trích và thân ái chỉ trích bạn mình.

Từ tổng kết thực tiễn “Hễ địa phương nào, bộ phận công tác nào làm tốt công tác mặt trận, thì các công tác khác được tiến hành thuận lợi; ngược lại, nơi nào làm khác thì không tránh khỏi sẽ gặp khó khăn”, đồng chí Tôn Đức Thắng đã phê phán những quan điểm sai lầm cho rằng “công tác mặt trận do ngành mặt trận chuyên trách” và đồng chí khẳng định công tác xây dựng, củng cố, phát triển mặt trận là nhiệm vụ “toàn Đảng phải chăm lo”(7). Bởi vậy, theo đồng chí, trong công tác mặt trận, phải nêu cao sự lãnh đạo của Đảng, phải nắm vững nguyên tắc Quyền lãnh đạo của Đảng quyết không thể chia sẻ cho ai, quyết không thể làm lu mờ được.

Năm là, trong công tác xây dựng, củng cố và phát triển mặt trận thống nhất dân tộc, Đảng ta cần phải liên hệ tốt với quần chúng, cần phải đoàn kết quanh Đảng các giai cấp, các tầng lớp nhân dân cách mạng và cùng với việc đề ra đường lối, chính sách đúng đắn, Đảng phải có phương thức, lề lối làm việc dân chủ để mọi thành viên trong mặt trận đều được bàn bạc nhất trí, thống nhất tư tưởng và thống nhất hành động chung. Đồng chí Tôn Đức Thắng chỉ rõ: Đối với những công việc chung, chúng ta cần bàn bạc dân chủ với người ngoài Đảng, lắng nghe ý kiến của họ. Ý kiến đúng, chúng ta hoan nghênh, ý kiến sai, chúng ta giải thích và chúng ta thực hiện phương pháp thân ái, tự phê bình trong nội bộ Mặt trận. Đồng chí cho rằng, phải nắm vững nguyên tắc: đối với bạn đồng minh, phải vừa đoàn kết, đoàn kết để giữ vững mặt trận cách mạng, đấu tranh để đi đến đoàn kết cao hơn, không thể đoàn kết một chiều, thủ tiêu đấu tranh, cũng không thể đấu tranh vô nguyên tắc ảnh hưởng đến đoàn kết; nhưng phải tiến hành đấu tranh trong nội bộ mặt trận một cách có lợi, có lý, có chừng mực, để chĩa mũi nhọn vào bọn đế quốc xâm lược.

Những quan điểm trên đây của đồng chí Tôn Đức Thắng cho thấy: trong nhiệm vụ đoàn kết dân tộc phải làm đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phải không ngừng nâng cao trí tuệ của Đảng, phải thực hành đoàn kết từ trong Đảng và Đảng phải luôn hoàn thiện sự lãnh đạo của mình để xứng đáng là người lãnh đạo khối đại đoàn kết dân tộc, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.

Những bài học mà đồng chí Tôn Đức Thắng đã đúc kết từ thực tiễn là hết sức quý báu, vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hiện nay.

Tấm gương nhân cách người cộng sản

Trong hơn 70 năm hoạt động cách mạng với nhiều năm trên cương vị của một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận đoàn kết dân tộc, người đứng đầu cơ quan lập pháp và của Nhà nước ta, đồng thời là người được trao trách nhiệm cao nhất trong việc trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước bằng phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không chỉ kính trọng phẩm chất chính trị và tài trí của “một nhà yêu nước nhiệt thành, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, một nhà lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc nước ta”, mà còn là sự tin cậy đối với một nhân cách lớn - nhân cách Tôn Đức Thắng - nhân cách để đồng chí đã trở thành người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh - và xứng đáng được nhân dân tin cậy là người kế tục Chủ tịch Hồ Chí Minh để lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đồng chí Tôn Đức Thắng là tấm gương hiến dâng trọn đời để tranh đấu cho độc lập của dân tộc, cho nhân dân tự do và hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam.

Đó là tấm gương của một chiến sĩ, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, suốt đời phấn đấu, chăm lo cho sự phát triển tình đoàn kết và hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, vì hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội trong sự kính trọng của nhân dân toàn thế giới.

Đó là tấm gương về ý chí kiên cường, tinh thần tiên phong quả cảm với niềm tin tất thắng, tấm gương của lòng trung thành tuyệt đối và sự hy sinh quên mình cho lý tưởng của Đảng để đạp bằng mọi khốc liệt của ngục tù đế quốc, của chiến tranh, vượt qua mọi thách thức cam go, nghiệt ngã và phức tạp của công cuộc xây dựng xã hội mới chưa có tiền lệ - tấm gương của một con người tất cả vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Đó là tấm gương của nhà lãnh đạo tận tụy, đầy trách nhiệm trước dân, trước Đảng, đã “suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”(8); một tấm gương thực hành đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; tấm gương của sự khiêm tốn, giản dị, liêm khiết, trung thực, chân thành, ghét thói xu nịnh, cơ hội, bè phái; tấm gương nói ít làm nhiều, luôn chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân lên trên hết, trước hết.

Đó là niềm tự hào cho những người cộng sản để các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tôn vinh và học tập!

-------------------------------------------------

(1) Trường Chinh: Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Tôn Đức Thắng, báo Nhân Dân ngày 3-4-1980

(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, t.12, tr. 9

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr.158

(4) Đồng chí Tôn Đức Thắng nêu rõ những điểm chung trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là: “Đoàn kết, nhất trí giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân và hoà bình cho thế giới” . Trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ “Lập trường chung của chúng ta là hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Mục đích chung của chúng ta là ích nước, lợi dân”.

(5) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.12 tr.488

(6) Văn kiện Đảng toàn tập, đd, t.12 tr.488

(7) Chủ tịch Tôn Đức Thắng nói về công tác mặt trận, báo Nhân Dân, số 9428, ngày 5-4-1980

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.221