Chiều 13-8, tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) một lần nữa yêu cầu Ban soạn thảo phải chỉnh sửa, bổ sung Dự thảo luật Hộ tịch. Đây là lần thứ hai TVQH yêu cầu chỉnh sửa, sau lần trình Quốc hội vào tháng 9 năm ngoái.

Theo tờ trình Chính phủ, dự thảo luật Hộ tịch gồm 6 chương và 68 điều.

 

Trong đó, quy định cụ thể về 3 loại việc đăng ký hộ tịch khá phổ biến, lâu nay đã được thực tế kiểm nghiệm: xác nhận vào Sổ bộ hộ tịch các sự kiện hộ tịch; ghi vào sổ việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ghi vào sổ việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

 

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định về số định danh cá nhân. Theo giải thích Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đây là dãy số tự nhiên được lập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm mã hóa những thông tin cơ bản của cá nhân, được cấp cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin, phục vụ lợi ích của cá nhân và công tác quản lý của Nhà nước.

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hiện nay, mỗi công dân có thể sở hữu đến khoảng 20 loại giấy tờ, mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau. Các giấy tờ đều có chung đặc điểm là chứa đựng những thông tin cơ bản về hộ tịch của cá nhân (họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch…).

 

Tuy nhiên, trên một số loại giấy tờ của cùng một người thông tin của cá nhân cũng không trùng nhau, gây khó khăn trong việc sử dụng. Các số, mã số trên mỗi loại giấy tờ cũng có tính độc lập và không thể chia sẻ, kết nối được với nhau, nên dẫn đến sự cát cứ, khép kín thông tin cá nhân ở mỗi cơ quan quản lý, không phát huy được tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước.

 

“Việc quy định Số định danh cá nhân là hết sức cần thiết. Số định danh cá nhân chỉ được cấp một lần duy nhất cho cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, trích lục hộ tịch và giấy tờ khác theo quy định của pháp luật. Về bản chất, Số định danh cá nhân được coi như “chìa khóa” để tra cứu thông tin cá nhân, phân biệt người này với người khác. Đồng thời, khi chúng ta xây dựng thành công sẽ tạo ra sự đột phá quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý dân cư, phục vụ tích cực cho việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân, cũng như trong lĩnh vực hộ tịch”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

 

Thảo luận vào dự thảo, hầu hết các ý kiến đều băn khoăn, tờ trình chưa chứng minh được khi ra đời sẽ loại bỏ được bao nhiêu loại giấy tờ không cần thiết và có gây lãng phí cho ngân sách hay không?

 

“Bác Hồ đã nói, cái gì lợi cho dân nhỏ mấy cũng phải làm. Cái gì hại cho dân phải hết sức tránh. Một người dân hiện nay có bao nhiêu giấy, sau khi làm rồi còn bao nhiêu giấy tờ nữa? Trước thủ tục hành chính đi mấy cửa, bây giờ số cửa đi có nhiều hơn không. Đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ tính khả thi, dự thảo ra đời sẽ thay thế được bao nhiêu loại giấy tờ”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng góp ý.

 

Trên cơ sở vướng mắc cần làm rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục xem xét, chỉnh sửa. Sau khi có ý kiến, thẩm tra lại rồi mới trình Quốc hội vào năm sau./.