TCCSĐT - Ngày 30-7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2013, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm và các giải pháp trong những tháng tiếp theo nhằm hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2013 đã đề ra.

1. Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2013

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá trong 7 tháng đầu năm cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện, tạo cơ sở cho việc tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra từ đầu năm 2013. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực chuyển biến, tăng trưởng còn chậm, chưa vững chắc, nhất là tăng trưởng nông nghiệp và công nghiệp; thu ngân sách không đạt tiến độ; tái cơ cấu kinh tế chưa thực sự được đẩy mạnh,... 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, trong đó kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát ở mức tương đương của năm 2012 (khoảng 6,8%); kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường với điện, xăng dầu trên tinh thần công khai, minh bạch; bảo đảm cân đối cung cầu đối với các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thiết yếu đối với đời sống dân sinh. 

Liên quan đến an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, sâu rộng các chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; quan tâm chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội; rà soát, bổ sung cơ chế hỗ trợ đối tượng chính sách, đồng bào nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, người dân nông thôn phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao đời sống, đồng thời quan tâm giải quyết khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân ở các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Y tế rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy trình về tiêm chủng, phối hợp với cơ quan chức năng trong điều tra, sớm công bố nguyên nhân tai biến dẫn đến tử vong trẻ sơ sinh do tiêm chủng vừa qua cũng như tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp giảm tình trạng quá tải của bệnh viện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận; thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan về mọi mặt của tình hình kinh tế - xã hội; đồng thời tiếp thu những phản hồi của dư luận để có những điều chỉnh phù hợp, qua đó tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. 

2. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được bình chọn vào Top 5 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2013

Ngày 30-7, trang web TripAdvisor đưa ra bình chọn những bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2013. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của Việt Nam được bình chọn vào Top 5 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á năm 2013. 

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh thành lập ngày 04-9-1975. Hằng năm, Bảo tàng đón tiếp và phục vụ từ 500.000 đến 700.000 lượt khách tham quan, trong đó có 60% - 70% là khách quốc tế. Từ năm 2007, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã trở thành thành viên của Hội đồng Bảo tàng Thế giới (ICOM). Là bảo tàng chuyên về lịch sử xã hội, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, trưng bày tài liệu, hình ảnh, hiện vật,… về những chứng tích, hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do các thế lực thực dân, đế quốc gây ra. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu giữa nhân chứng chiến tranh với du khách. Tất cả những hoạt động nêu trên đều được Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức phục vụ du khách phi lợi nhuận, qua đó góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, gìn giữ hòa bình cho Việt Nam và thế giới.

3. Tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong dự án tiêm chủng mở rộng

Ngày 30-7, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6257/VPCP-KGVX gửi Bộ Y tế, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về việc tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong dự án tiêm chủng mở rộng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem trong dự án tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền về an toàn tiêm chủng để phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất nguy hại đến sức khỏe và tính mạng trẻ em bị phản ứng sau tiêm chủng. 

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền đối với việc cấp kinh phí để tiếp tục sử dụng các loại vắc xin đang dùng trong tiêm chủng mở rộng; kinh phí nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước thuộc Chương trình sản phẩm quốc gia; kinh phí phát triển hệ thống y tế dự phòng. Nếu vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sản xuất vắc xin đa giá 6 trong 1 của Việt Nam cung cấp cho tiêm chủng mở rộng.

4. Hà Nội kỷ niệm 5 năm mở rộng địa giới hành chính

Ngày 01-8-2013, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm mở rộng địa giới hành chính. 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa khẳng định: “Chủ trương mở rộng địa giới là quyết định đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử, có tầm nhìn xa trước đòi hỏi đổi mới của đất nước”. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đã biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm cao của Đảng bộ và chính quyền Thủ đô sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính.

5 năm vừa qua, kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,45%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, đạt 2.257 USD (năm 2012), gấp 1,33 lần năm 2008. Cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10,5%/năm, huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng lớn, đạt 9,028 tỷ USD trong 5 năm. Trong lĩnh vực an sinh xã hội, trong 5 năm qua, toàn thành phố có gần 58.500 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,43% (năm 2012) xuống còn 3,6% (tháng 6-2013). Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng và là một trong những thành tựu nổi bật của Hà Nội sau 5 năm hợp nhất. Trong 5 năm, thành phố đã đầu tư vốn ngân sách hơn 50.000 tỷ đồng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Có những địa bàn nông thôn mức đầu tư trong 5 năm qua lớn gấp từ 10 đến 30 lần so với mấy chục năm trước. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Thủ đô có nhiều khởi sắc; đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, có 236/401 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 - 19 tiêu chí, trong đó 16 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2012 đạt 21,36 triệu đồng, gấp 2,6 lần năm 2008… 

Sau khi mở rộng, Thủ đô Hà Nội có quy mô diện tích gấp trên 3,6 lần so với trước; đạt diện tích tự nhiên gần 3.345km2, dân số vào thời điểm mở rộng là trên 6,4 triệu người và là một trong 17 thành phố lớn nhất thế giới. Hiện nay, dân số Hà Nội là hơn 7 triệu người; gồm 29 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã; 577 xã, phường, thị trấn. Thành phố cũng đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội với thủ đô các nước và các tổ chức quốc tế, nhất là trong dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với gần 100 thủ đô, thành phố của 50 nước và vùng lãnh thổ,...

5. Tuyển chọn thiết kế Lễ phục Nhà nước

Ngày 01-8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông báo Tuyển chọn thiết kế Lễ phục Nhà nước với mục đích tìm ra bộ Lễ phục để sử dụng trong các hoạt động quốc gia và quốc tế, nhằm tôn vinh, thể hiện ý thức tự hào dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, khẳng định vị thế của một quốc gia có nền văn hiến lâu đời. 

Đối tượng tham gia là các cá nhân, tổ chức, nhà thiết kế chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp; người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài trên 18 tuổi. Yêu cầu các thí sinh thiết kế 4 mẫu Lễ phục, gồm: mẫu Lễ phục của nam theo hướng hiện đại; mẫu Lễ phục nữ theo hướng hiện đại; mẫu Lễ phục nam theo hướng truyền thống và mẫu Lễ phục nữ theo hướng truyền thống. Tiêu chí đánh giá sản phẩm dự thi phải mang tính biểu tượng văn hóa, có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Mẫu thiết kế phải thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia và quốc tế, phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam. Khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện bằng chất liệu truyền thống, sản xuất trong nước. 

Vòng sơ khảo, Hội đồng Nghệ thuật sẽ xét chọn 20 mẫu thiết kế; trong đó, có 10 mẫu trang phục nam và 10 mẫu trang phục nữ vào vòng chung khảo. 20 mẫu thiết kế được chọn có giải thưởng trị giá 100 triệu đồng. Vòng chung khảo, Hội đồng nghệ thuật sẽ chọn 4 mẫu để trao 4 giải chính thức với tổng trị giá 120 triệu đồng. 

Ban Tổ chức sẽ nhận mẫu thiết kế từ ngày 01 đến 05-10-2013 tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; địa chỉ 38 Cao Bá Quát, quận Ba Đình, Hà Nội.

6. Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 19 năm 2013

Từ ngày 01-8 đến ngày 02-8-2013, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 19 năm 2013. Hội thi có 224 thí sinh đến từ 51 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ban Tổ chức đã trao 7 giải nhất cho các thí sinh: Huỳnh Ngọc Như (Đà Nẵng), Nguyễn Dương Kim Hảo (Thành phố Hồ Chí Minh), Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (tỉnh Phú Yên), Hồ Trung Hiếu (tỉnh Đồng Nai), Hà Huy Công (tỉnh Nghệ An), Lê Hùng Sơn và Đỗ Thanh Lam (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); 14 giải nhì, 25 giải ba và 62 giải khuyến khích cũng đã được trao cho các thí sinh có thành tích cao. 

Theo Ban Tổ chức, đề thi năm nay được đánh giá là phù hợp, có chất lượng tốt, cập nhật được những vấn đề của xã hội, những ảnh hưởng của công nghệ thông tin đối với thanh, thiếu niên. 

7. Lật tàu ở huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 02-8, trên biển thuộc xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, đã xảy ra vụ lật tàu H29-BP chở theo 30 người của Công ty Cổ phần bến tàu du lịch dịch vụ Maria. Những người trên tàu là cán bộ nhân viên Công ty Cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp Đông Xuyên, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu (đang trên đường đi dự đám cưới ở Gò Công Đông, Tiền Giang trở về Vũng Tàu). 

Tàu H29-BP vừa bị tai nạn dài 8,5m, rộng 2,25m với công suất 200CV, tốc độ tối đa 60km/h và có khả năng chở 18 người nhưng lại chuyên chở đến 30 người. Việc chở quá tải được nhìn nhận là nguyên nhân ban đầu gây chìm tàu. Các lực lượng chức năng đã tích cực ứng cứu, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ngay trong đêm, bất chấp thời tiết không thuận lợi nên 21 người may mắn được cứu sống. 

8. 10.000 người đi bộ vì nạn nhân da cam và người khuyết tật

Ngày 03-8, tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Thành phố phối hợp các đơn vị tổ chức chương trình đi bộ “Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo” lần 7 năm 2013.

Chương trình thu hút hơn 10.000 người đến từ các cơ quan đơn vị, công ty, học sinh, sinh viên của Thành phố và thành viên Chữ thập đỏ quốc tế đến từ các quốc gia cùng thành viên của hội trại tình nguyện viên thanh niên, thiếu niên chữ thập đỏ toàn quốc. Với lộ trình dài 3km, cuộc đi bộ này là hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo (từ 10-8-2013 đến 10-9-2013). Tại cuộc đi bộ còn diễn ra chương trình diễn tập sơ cấp cứu hưởng ứng Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2013.

9. Cuộc thi Hoa khôi trí tuệ thanh niên Việt Nam 2013

Ngày 03-8, tại Nhà thi đấu thể thao thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra đêm chung kết cuộc thi “Miss ITgo - Hoa khôi trí tuệ Việt Nam 2013”. Đây là cuộc thi được tổ chức thường niên 2 năm một lần với mong muốn tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ của nữ thanh niên Việt Nam và khẳng định những giá trị văn hóa, cội nguồn dân tộc. 

23 thí sinh lọt vào vòng chung kết đã cùng nhau trải qua 3 phần thi: trang phục áo dài, trang phục áo tắm và trang phục dạ hội. 5 người đẹp có số điểm cao nhất được bước vào phần thi ứng xử. Ngôi vị hoa khôi của cuộc thi lần này đã thuộc về thí sinh Võ Thị Thùy Trang, Á khôi 1 thuộc về thí sinh Lê Thị Nguyệt Anh, Á khôi 2 thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Hiếu. Tổng giải thưởng cho Hoa khôi là 200 triệu đồng, Á khôi là 100 triệu đồng. 

Ban Tổ chức cũng đã trao các giải phụ: Miss Thân thiện, Miss Biển, Miss Tài năng và Miss Áo dài cho các thí sinh với trị giá mỗi giải 80 triệu đồng. 

Tại cuộc thi lần này, Ban tổ chức đã trao tặng 500 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất cho trường Tiểu học Hà Linh, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

10. Các địa phương khắc phục hậu quả bão số 5, triển khai phương án phòng chống mưa, lũ

Ngày 04-8, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết: bão số 5 đã làm 4 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, sập đổ; hàng nghìn héc-ta lúa và hoa màu bị ngập úng, hư hại; nhiều cột điện, cột ăng ten viễn thông bị đổ; vỡ 1 số lồng bè nuôi trồng thủy sản,… Hiện, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố cùng chính quyền địa phương các huyện, xã, thị trấn huy động các lực lượng, phương tiện để khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân. 

*Quảng Ninh: có 3 người bị thương nhẹ đã được cấp cứu kịp thời, đổ 2 cột ăng ten viễn thông cao 42m tại huyện Hải Hà và Đầm Hà, đổ 6 nhà cấp 4, tốc mái 332 nhà cấp 4 và 796 công trình phụ, đổ 14 cột điện hạ thế, vỡ 5 ô lồng bè nuôi trồng thủy sản, đổ 3 héc-ta cây keo, đổ và gãy nhiều cành cây xanh, vùi lấp một số diện tích lúa muộn. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng. 

*Hải Phòng: có 1 nhà bị cháy do chập điện, sập 1 nhà mái tôn, sập 100m2 mái tôn Trụ sở văn phòng, tốc mái 3 nhà, xưởng; ảnh hưởng tới năng suất của 50ha rau màu, vỡ 1 bè nuôi thủy sản; đứt 3 phao dẫn luồng khu vực bến Bèo (Cát Bà), sạt 35m đường 356 (Cát Bà), đổ gãy 35 cây xanh; đứt đường dây 35KV tại xã Phù Long và đường hạ thế tại xã Hiền Hào, Cát Hải. 

*Bắc Giang: có 1 người bị thương, hơn 1.500 héc-ta lúa và hoa màu bị ngập úng. Ngày 02-8-2013, đã xảy ra sự cố sạt lở bến Gốm đê bối Dương Đức, xã Dương Đức, chiều dài cung sạt từ 8-10m, ăn sâu vào chân đề từ 2-2,5m. Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang đã chỉ đạo bạt mái, giảm tải, đóng cọc và dùng bao tải đắp xử lý, hoàn thành hồi 11h ngày 3-8-2013. Mái đê phía sông đoạn từ K14+070 đến K14+640 đê hữu Thương, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tiếp tục có diễn biến sạt lở ăn sâu vào mái đê tại 4 vị trí, cách mép mặt đê phía sông 3,0m đến 3,5m với tổng chiều dài sạt lở trên 25m. Khu vực này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt phương án, địa phương đang triển khai xử lý cấp bách. 

Để chủ động đối phó với mưa, lũ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ; chủ động thông báo các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc về diễn biến mưa, lũ để phòng, chống kịp thời. Bộ Tham mưu Bộ đội biên phòng tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo biên phòng các tỉnh triển khai công tác khắc phục hậu quả tại địa phương, đồng thời đề phòng triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập lụt, phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát tình hình địa bàn triển khai các phương án chống mưa, lũ./.