Ra mắt Hội đồng Tiền lương Quốc gia

Tin và ảnh: Thảo Vân
16:43, ngày 06-08-2013
TCCSĐT - Sáng 6-8-2013, tại Hà Nội, Lễ ra mắt Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã được tổ chức.
Tới dự buổi Lễ có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn; Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam Gyorgy Sziraczki, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, VCCI, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Hội đồng Tiền lương quốc gia được thành lập theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương, Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 03-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1014/QĐ-LĐTBXH ngày 9-7-2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đây là sự quyết tâm lớn của Đảng, Chính phủ nhằm tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương theo kinh tế thị trường, phù hợp với quá trình hội nhập, nhằm phát huy vai trò, sự đồng thuận của đại diện các cơ quan Chính phủ, đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động tham gia vào quá trình xác định và điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong doanh nghiệp.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia có chức năng tư vấn trực tiếp đến Chính phủ các vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương như: Nghiên cứu đưa ra lộ trình, thời điểm điều chỉnh, mức điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm theo yêu cầu của Chính phủ; Mức lương tối thiểu vùng hằng năm và từng thời kỳ… Hội đồng Tiền lương Quốc gia chính thức hoạt động với trách nhiệm tham vấn trực tiếp đến Chính phủ lộ trình điều chỉnh lương năm 2014.

Trong hơn 15 năm qua, Chính phủ đã đóng vai trò tiên quyết trong việc xác định mức tiền lương tối thiểu mặc dù các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động được mời tham vấn ý kiến một cách riêng biệt. Hội đồng Tiền lương Quốc gia hiện nay hoạt động dựa trên cơ sở ba bên cùng đưa ra quyết định gồm người lao động, người sử dụng lao động và Chính phủ. Các mức tiền lương tối thiểu vùng được thỏa thuận dựa trên cơ sở thương lượng và đàm phán. Đây là quá trình xây dựng và đi đến đồng thuận, giữ cho quan hệ lao động hài hòa, giúp thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng và phát triển.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia cũng cho phép các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động làm việc một cách chủ động hơn khi xây dựng các đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu, những đề xuất này sẽ phản ánh các nhu cầu và mối quan tâm của thành viên cũng như các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tiền lương tối thiểu. Thông qua thương lượng, tiền lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tại mức phù hợp giúp cân bằng lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

Chính phủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Chính phủ không chỉ giữ vai trò là “kiến trúc sư về thể chế” trong việc xây dựng khuôn khổ tổng thể cho các cuộc thương lượng về tiền lương mà còn là cơ quan “đưa ra chương trình nghị sự”, đơn vị “cung cấp thông tin và số liệu thống kê” và là bên “điều phối, hỗ trợ” thúc đẩy đối thoại và thương lượng.

Ngoài ra, hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ cho phép thu thập và phân tích số liệu thống kê về tiền lương một cách hệ thống hơn, điều này có vai trò rất quan trọng trong việc xác định tiền lương tối thiểu.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia bao gồm tổng cộng 15 thành viên: trong đó, 5 thành viên đại diện người lao động, 5 thành viên đại diện người sử dụng lao động và 5 thành viên từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Thành phần tham gia phản ánh số lượng đại diện ngang nhau cho ba bên trong Hội đồng. Sự tham gia của các đại diện Chính phủ trong Hội đồng sẽ giúp Chính phủ thực hiện cam kết duy trì tiền lương tối thiểu với tư cách là một cơ chế bảo vệ người lao động nhận mức lương thấp nhất.

Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia là Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Văn Biên - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Hội đồng sẽ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm. Các ủy viên được bổ nhiệm theo số lượng và cơ cấu quy định.

Tại Lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, trong nền kinh tế thị trường, tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất và lưới sàn để bảo vệ người lao động. Việc điều chỉnh lương sao cho hài hòa với sự phát triển của xã hội, đảm bảo đời sống cho người lao động luôn là vấn đề lớn của Chính phủ.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia hiện nay là mô hình mới, do đó thành viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu trong các tháng cuối năm nay, Hội đồng phải nghiên cứu mức lương áp dụng 2014 để trình Chính phủ. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công, tạo điều kiện về cơ sở vật chất chuẩn bị tư liệu cho Hội đồng hoạt động đạt hiệu quả tư vấn tốt nhất.

Tiêu chí quyết định mức lương tối thiểu (Khuyến nghị số 135 của ILO):

Khi quyết định mức lương tối thiểu cần phải lưu ý tới các tiêu thức sau, cùng với các tiêu thức khác:

(a) Nhu cầu của người lao động và gia đình họ;

(b) Mức lương chung trong cả nước;

(c) Chi phí sinh hoạt và các thay đổi về chi phí sinh hoạt;

(d) Các phúc lợi an sinh xã hội;

(e) Mức sống tương quan của các nhóm xã hội khác;

(f) Các yếu tố kinh tế, bao gồm cả các yêu cầu phát triển kinh tế, năng suất và khả năng đạt được hoặc duy trì tỷ lệ việc làm cao.