Việt Nam - Xin-ga-po hướng tới hợp tác bền chặt
Nền tảng hợp tác chính trị
Việt Nam và Xin-ga-po thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, đến tháng 12-1991, Việt Nam đặt Đại sứ quán tại Xin-ga-po và tháng 9-1992, Đại sứ quán Xin-ga-po tại Hà Nội được thành lập. Tháng 1-1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Xin-ga-po và hai bên ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo cho quan hệ giữa hai nước.
Từ năm 1991, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN vào tháng 7-1995, quan hệ giữa hai nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Xin-ga-po rất coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về hợp tác thương mại, đầu tư hàng đầu của nước này ở Đông Nam Á.
Trong chuyến thăm Xin-ga-po của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 3-2004), hai bên đã ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ XXI. Hai bên cũng đã chính thức thiết lập quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Hành động nhân dân (People's Action Party - PAP) của Xin-ga-po.
Quan hệ chính trị được hai nước thường xuyên duy trì thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, thể hiện sự đồng tình trên nhiều lĩnh vực liên quan đến an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Có thể kể đến một số chuyến thăm gần đây nhất của lãnh đạo cấp cao hai nước, như chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long (tháng 1-2010), Tổng thống Tô-ni Tan (tháng 4-2012). Phía Việt Nam có các đoàn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 9-2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 9-2012), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Đối thoại Shangri La (tháng 5-2013), sang thăm Xin-ga-po.
Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Xin-ga-po (tháng 9-2011), hai bên đã nhất trí về nguyên tắc đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm “đối tác chiến lược”. Tháng 9-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Xin-ga-po đã cùng Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long nhất trí cao về chủ trương trên với việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng cầm quyền, hai Quốc hội và hai Nhà nước. Hai nhà lãnh đạo thống nhất về sự cần thiết mở rộng và tăng cường giao lưu nhân dân một cách phong phú, thiết thực và hiệu quả hơn.
Tháng 11-2010, Bộ Ngoại giao hai nước đã ký “Thỏa thuận về Chương trình đào tạo cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2010-2013”, theo đó mỗi năm hai lần, cán bộ Đảng ta sẽ sang đào tạo ngắn hạn (2 tuần) tại Xin-ga-po về quản lý công, chính sách xã hội, kinh tế. Tháng 9-2012, Bộ Ngoại giao hai nước ký “Thỏa thuận về Chương trình nghiên cứu và chương trình đào tạo theo chuyên đề dành cho cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2013-2015”. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao của hai nước đã tiến hành 7 phiên tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng (lần thứ 7 họp tại Hà Nội vào tháng 3-2012).
Việt Nam và Xin-ga-po có mối quan hệ đối tác mang tính xây dựng trong ASEAN và các diễn đàn quốc tế. Xin-ga-po thường xuyên hợp tác và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC); hỗ trợ Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Xin-ga-po cũng tích cực thúc đẩy ASEAN có một tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông. Hai nước cùng thể hiện quan điểm tích cực trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Năm 2013, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có hai sự kiện nổi bật: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại Đối thoại Shangri La (từ ngày 31-5 đến ngày 1-6-2013). Dự kiến trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long (tháng 9-2013), hai nước sẽ chính thức ký kết việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Tăng cường hợp tác kinh tế
Trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, từ tháng 12-2005, hai nước ký Hiệp định khung kết nối hai nền kinh tế trên các lĩnh vực, gồm đầu tư, thương mại - dịch vụ, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục và đào tạo. Xin-ga-po luôn duy trì là một trong những đối tác đầu tư và thương mại hàng đầu ở châu Á của Việt Nam.
Nhu cầu tiêu dùng là một trong những lĩnh vực được các doanh nghiệp Xin-ga-po hướng tới do dân số đô thị của Việt Nam tăng nhanh, trình độ học vấn ngày càng cao và thu nhập của người lao động tăng. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, nước uống và chăm sóc y tế. Tập đoàn NTUC của Xin-ga-po đã mở siêu thị đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn có thể phát triển hệ thống siêu thị của tập đoàn này trên khắp Việt Nam. |
Kim ngạch xuất khẩu từ Xin-ga-po vào Việt Nam trong quý I/2013 đạt 2.927 triệu SGD, gần bằng mức cùng kỳ năm 2012 (2.960 triệu SGD). Xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ Xin-ga-po đạt 1.268 triệu SGD, tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2012 và hàng tái xuất đạt 1.659 triệu SGD, giảm 3%. Xăng dầu và máy móc, thiết bị và dụng cụ là hai nhóm mặt hàng xuất khẩu của Xin-ga-po đạt kim ngạch cao nhất trong 3 tháng đầu năm, tương ứng 485,8 triệu SGD và 228 triệu SGD.
Đánh giá về tiềm năng lâu dài của Việt Nam, Tổng Giám đốc Cơ quan xúc tiến kinh doanh và đầu tư nước ngoài (IE) của Xin-ga-po, ông Teo En Chơn khẳng định, các doanh nghiệp Xin-ga-po rất tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam nên sẽ không bỏ qua những cơ hội được tạo ra từ sự phát triển đô thị nhanh, kinh tế nội địa lớn và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Việt Nam. Tính đến tháng 4-2013, Xin-ga-po đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 1.173 dự án, tổng vốn đăng ký là 27 tỷ USD. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù còn khiêm tốn, song đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang quốc đảo này đã đạt được kết quả khả quan. Tính đến ngày 20-3-2013, Việt Nam đã có 46 dự án đầu tư sang Xin-ga-po với tổng số vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.
Một trong những điểm sáng trong hợp tác hai nước, được coi là biểu tượng về hợp tác kinh tế song phương, chính là mô hình thành công của các khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (VSIP). Hiện tại, các khu công nghiệp này đang hoạt động hiệu quả (2 khu VSIP ở Bình Dương, 1 khu VSIP ở Bắc Ninh và 1 khu VSIP ở Hải Phòng). Nắm bắt cơ hội nhu cầu về giải pháp đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam tăng nhanh do dân số ở ba thành phố lớn nhất nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2020, Tập đoàn Sembcorp của Xin-ga-po tích cực đầu tư vào 4 khu VSIP và sắp tới sẽ phát triển khu VSIP 5 tại tỉnh Quảng Ngãi.
Hiệu quả hợp tác đa dạng
Việt Nam và Xin-ga-po tích cực trao đổi đoàn trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 8 (tháng 6-2009), lần thứ 9 (tháng 6-2010) và lần thứ 10 (tháng 6-2011), lần thứ 11 (tháng 6-2012). Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Xin-ga-po Tiêu Chí Hiền thăm Việt Nam (tháng 9-2009, tháng 5-2010 và tháng 10-2010); Bộ trưởng Quốc phòng Xin-ga-po Ưng Eng Hen (tháng 8-2011). Hai nước đã ký Hiệp định cấp chính phủ về hợp tác quốc phòng (tháng 9-2009); duy trì cơ chế Đối thoại Chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng (năm 2008 và năm 2009).
Trên tinh thần tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng đi vào thực chất, hiệu quả và có chiều sâu, hai bên chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quân y, kinh nghiệm trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh sự ủng hộ hợp tác trên các diễn đàn đa phương trong khu vực, đặc biệt là tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Hai bên thống nhất cho rằng đây là các diễn đàn còn rất nhiều tiềm năng trên cơ sở duy trì được những vấn đề mang tính nguyên tắc như vì hòa bình, ổn định, tôn trọng lẫn nhau, giữ được vai trò trung tâm của ASEAN, tuân thủ luật pháp quốc tế trong quan hệ nội khối cũng như quan hệ với các nước ngoài ASEAN, ngoài khu vực, khi xử lý các vấn đề nảy sinh.
Về an ninh, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Xin-ga-po đã ký Bản Ghi nhớ về trao đổi các chuyến thăm lẫn nhau giữa hai bộ (tháng 3-2007). Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thăm chính thức Xin-ga-po (tháng 2-2012); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Xin-ga-po Can Xeng thăm Việt Nam (tháng 4-2010). Tháng 8-2012, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Xin-ga-po Tiêu Chí Hiền thăm Việt Nam, ký gia hạn Thỏa thuận hợp tác về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hiệp định Khung về kết nối Việt Nam - Xin-ga-po đang được tích cực triển khai hiệu quả. Hai bên luân phiên 8 tháng/1 lần tổ chức kỳ họp cấp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để kiểm điểm hợp tác kết nối. Tại phiên họp thứ 9 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 4-2013), hai bên đã rà soát lại một số hợp tác chính, như hợp tác tài chính - ngân hàng. Theo đó, Xin-ga-po đưa ra khả năng đáp ứng nhu cầu vốn của Việt Nam dựa trên những kết quả đã đạt được trong hợp tác song phương giữa hai nước. Hoạt động cụ thể lần này được hai bên nhắc tới là việc đề nghị chuyển đổi các chi nhánh của ngân hàng OCBC và UOB của Xin-ga-po tại Việt Nam thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài sau khi Ngân hàng Việt Nam hoàn tất việc đánh giá hoạt động của loại hình ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam và trên cơ sở các ngân hàng của Xin-ga-po đáp ứng quy định của pháp luật Việt Nam. Hai là hợp tác thông tin và truyền thông. Xin-ga-po đề nghị hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực truyền hình trả tiền, truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, dự án đấu thầu qua mạng điện tử chính phủ, đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ trung và cao cấp của Việt Nam. Ba là hợp tác giao thông vận tải. Xin-ga-po nhất trí với đề nghị của Việt Nam về việc tăng cường đầu tư trong các lĩnh vực vận tải, kết cấu hạ tầng. Bốn là hợp tác đầu tư. Xin-ga-po quan tâm đến dự án xử lý nước thải theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) tại Thành phố Hồ Chí Minh; mong muốn được tham gia đầu tư tại các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Long Thành, Nội Bài, Đà Nẵng; đề nghị phía Việt Nam xem xét giải quyết một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po ở Hải Phòng, xây dựng đường dẫn cho cảng quốc tế SP-PSA tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hợp tác giáo dục và văn hóa cũng ngày càng được tăng cường và mở rộng. Xin-ga-po tích cực hợp tác giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực như khoa học - kỹ thuật, phát triển nhân lực, tài chính, du lịch, ngân hàng, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về kinh tế thị trường, hội nhập khu vực và quốc tế. Hằng năm, Chính phủ Xin-ga-po thông qua Bộ Ngoại giao Xin-ga-po cấp học bổng cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai của Việt Nam học đại học tại Xin-ga-po. Đây là kết quả đáng khích lệ vì Xin-ga-po chỉ dành 60 suất học bổng cho cả 10 nước ASEAN (năm 2009 là 11 sinh viên, năm 2010 có 7 sinh viên, và năm 2011 là 6 sinh viên). Hiện nay, tại Xin-ga-po có khoảng 9.000 sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu.
Về giao lưu văn hóa, nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước tới Xin-ga-po (tháng 9-2011), Đại sứ quán Việt Nam tại Xin-ga-po đã phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung tâm Văn minh châu Á, bên cạnh Bia tưởng niệm 75 năm Bác Hồ tới Xin-ga-po.
Để tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam xây dựng Đề án trình Ban Bí thư về việc thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Xin-ga-po. Hiện cộng đồng người Việt Nam tại Xin-ga-po có khoảng 12.000 người, thành phần chủ yếu là các đối tượng du học sinh sau khi tốt nghiệp ở lại Xin-ga-po làm việc. Nhìn chung, cộng đồng người Việt tại đây có trình độ cao, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết và hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Với những kết quả hợp tác kể trên, Chính phủ Việt Nam và Xin-ga-po đang nỗ lực hướng đến việc ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược nhân dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, có thể xem là dấu ấn đặc biệt đánh dấu việc mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa hai nước, tạo nền tảng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác song phương./.
Quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen về thời kỳ quá độ và một số vấn đề đặt ra với nước ta hiện nay  (30/07/2013)
Củng cố và tăng cường kỷ luật đảng trong Đảng bộ Công an Trung ương  (30/07/2013)
Đồng chí Đặng Ngọc Tùng tái đắc cử Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI  (30/07/2013)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên