TCCSĐT - Nổi bật trong tuần là những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công với cách mạng nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 và khai mạc trọng thể Đại hội XI Công đoàn Việt Nam.
1. Trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh năm 2013

Ngày 23-7-2013, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trao 149 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh năm 2013, mỗi suất trị giá từ 700.000 đồng tới 2.200.000 đồng (tổng số tiền là 177,7 triệu đồng), cho học sinh là con công nhân, viên chức, lao động trong thành phố nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt thành tích tốt trong học tập. Chương trình học bổng Nguyễn Đức Cảnh được Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh phát động từ năm 1994, thể hiện sự quan tâm của tổ chức Công đoàn thành phố tới các em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt các em bị mồ côi cha, mẹ,… Chương trình không chỉ giúp các em cùng gia đình vượt qua khó khăn trước mắt để có điều kiện học tập mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tiếp thêm sức mạnh giúp các em vươn xa hơn nữa trong tương lai. Bên cạnh đó, chương trình còn là chỗ dựa, tiếp sức cho các em học sinh thực hiện hoài bão của mình, đồng thời góp phần nâng cao uy tín của tổ chức Công đoàn, tạo niềm tin cho các đoàn viên tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp.

2. Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý”


Ngày 23-7-2013, nhân Kỷ niệm 52 năm thảm họa da cam/đi-ô-xin Việt Nam (1961 - 2013), tại Bảo tàng Đà Nẵng, đã khai mạc Triển lãm “Da cam - Lương tri và Công lý”. Triển lãm nhằm tuyên tuyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong và ngoài nước về hậu quả chất độc da cam đối với môi trường và con người Việt Nam; đẩy mạnh sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước đối với hành trình đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam; bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc đối với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam trong hành trình chống lại bệnh tật, nỗi đau và khó khăn. Triển lãm giới thiệu các tranh ảnh, hiện vật về quá trình phun, rải chất độc da cam/đi-ô-xin của quân đội Mỹ tại Việt Nam; về sự tàn phá của chất độc da cam/đi-ô-xin đối với môi trường và con người Việt Nam, về sự đau đớn và bất hạnh của các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam; về hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Đà Nẵng; về quá trình xử lý tồn lưu đi-ô-xin trong môi trường tại Việt Nam. Đặc biệt, gian hàng lưu niệm trưng bày các sản phẩm do chính các nạn nhân da cam tự tay làm được Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Đà Nẵng mang đến đã cho thấy khát vọng sống, khát vọng vươn lên của các nạn nhân da cam thật mãnh liệt. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 12-8.

3. Việt Nam tăng cường cam kết về quyền con người

Ngày 23-7-2013, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức công bố dự án hợp tác “Tiếp tục và hỗ trợ thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam: Tăng cường năng lực đảm bảo các quyền con người ở Việt Nam”. Theo đó, trong ba năm tới, dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc với tổng kinh phí 1,2 triệu USD sẽ giúp nâng cao nhận thức của các bộ, ngành liên quan về trách nhiệm bảo đảm quyền con người và nâng cao năng lực thực hiện báo cáo theo đúng tiến độ. Tại Lễ Công bố, ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân của mọi người dân Việt Nam. Bà Louise Chamberlaine, Giám đốc Quốc gia UNDP nhấn mạnh, sự cần thiết phải xác định các thách thức mà Việt Nam đang đối mặt trong lĩnh vực quyền con người và hy vọng rằng dự án, thông qua hỗ trợ kỹ thuật, sẽ tìm ra cách giải quyết những thách thức đó. Cuối năm 2013, Việt Nam sẽ tiến hành kiểm điểm theo UPR chu kỳ hai, một cơ chế kiểm điểm đặc thù của Hội đồng Nhân quyền. Đây là cơ chế nhằm bảo đảm cho các nước kiểm điểm một cách bình đẳng, tạo cơ hội cho các Chính phủ báo cáo về tình hình bảo đảm quyền con người và tiến độ thực hiện khuyến nghị UPR được chấp thuận từ lần kiểm điểm trước vào năm 2009. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường cam kết giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền con người, thể hiện qua một loạt những cải cách luật pháp, tư pháp và sửa đổi Hiến pháp, góp phần đảm bảo một cách vững chắc các quyền con người, quyền công dân, tăng cường tham gia các cơ chế đảm bảo quyền con người của quốc tế và khu vực, gia nhập năm Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, ký kết Công ước Quyền Người Khuyết tật.

4. Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc

Tối ngày 23-7-2013, tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật “Đồng Lộc - khúc tráng ca bất tử”. Tham dự buổi lễ có các đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ và các đồng chí trong các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương cùng lãnh đạo một số địa phương. Chương trình giao lưu nghệ thuật “Đồng Lộc - Khúc tráng ca bất tử” là hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc; đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế du lịch của hệ thống các di tích lịch sử - cách mạng, có ý nghĩa to lớn giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đã có 465 cán bộ, chiến sỹ các lực lượng và nhiều người dân đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Đồng Lộc mà tiêu biểu là tấm gương hy sinh oanh liệt của 10 Nữ anh hùng thanh niên xung phong, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng chiến thắng của tinh thần yêu nước nồng nàn, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là sự tiếp nối truyền thống cao đẹp trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta, là biểu tượng sáng ngời của ý chí cách mạng, biểu tượng của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Tại chương trình giao lưu nghệ thuật, Ban Tổ chức đã trao 10 suất quà cho các gia đình của 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong và 3 suất quà cho các anh hùng: La Thị Tám, Nguyễn Tri Ân, Uông Xuân Lý. Trước đó, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và các đại biểu đã đến thắp hương, dâng hoa tại khu mộ 10 liệt sỹ thanh niên xung phong, nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc tại Ngã ba Đồng Lộc.

5. Các địa phương quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI

Từ ngày 23 đến ngày 26-7-2013, tại các tỉnh Bình Phước, An Giang, Điện Biên, Quảng Bình đã tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI cho cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu nội dung của 6 chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"; “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Hội nghị cũng quán triệt các nội dung cơ bản của Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về : “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; “Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”; “ Việc tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”; chuyên đề về “ Sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Hội nghị Trung ương 7 đã thống nhất ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận mang tính định hướng cao để giải quyết những vấn đề hết sức quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay trên nhiều lĩnh vực từ xây dựng Đảng đến phát triển kinh tế, văn hoá xã hội. Vì vậy, việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó liên quan đến những vấn đề hệ trọng gắn liền công cuộc đổi mới của Đảng cũng như tiến trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Ban Thường vụ các tỉnh đã yêu cầu các đại biểu dự hội nghị tham gia học tập, nghiên cứu, quán triệt để nắm vững những nội dung cơ bản, cốt lõi của các Kết luận, Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XI, đặc biệt là đối với những nội dung liên quan đến lĩnh vực mình công tác. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện có hiệu quả ở từng địa phương, đơn vị, trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, các cấp uỷ Đảng, đơn vị, ban ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 7, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh ngày càng vững mạnh.

6. Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam


Ngày 25-7-2013, tại Hà Nội, Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã được tổ chức trọng thể. Suốt 65 năm xây dựng và phát triển, giới văn nghệ sĩ Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, có những đóng góp xứng đáng vào các cuộc trường kỳ kháng chiến, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Trong 65 năm qua, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã 3 lần đổi tên để phù hợp với sự lớn mạnh về đội ngũ, trưởng thành về tổ chức qua các thời kỳ. Từ 1995, Hội chính thức mang tên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp quý báu của văn nghệ sĩ, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú cho gần 2.200 văn nghệ sĩ tiêu biểu. Hơn 620 văn nghệ sĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng Nhất. Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Bức trướng của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

7. Triển lãm “Thủ đô Hà Nội đổi mới và phát triển”

Ngày 25-7-2013, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã khai mạc triển lãm “Thủ đô Hà Nội đổi mới và phát triển”, giới thiệu với đông đảo nhân dân những thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội của Thủ đô sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính. Triển lãm trưng bày hơn 100 bức ảnh, khái quát về những thành tựu toàn diện của Thủ đô đang nỗ lực trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế. Triển lãm còn trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), tạc tượng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín). Tại triển lãm, các nghệ nhân làng nghề trực tiếp trình diễn một số công đoạn sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc của Thủ đô. Triển lãm “Thủ đô Hà Nội đổi mới và phát triển” mở cửa đến hết ngày 5-8-2013.

8. Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

*Bình Thuận: Nhân kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2013) tại phường Xuân An, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận, Ủy ban nhân dân thành phố Phan Thiết đã tổ chức khởi công xây dựng Đền thờ liệt sĩ thành phố Phan Thiết. Tổng mức đầu tư xây dựng đền thờ trên 32 tỷ đồng, trong đó số tiền đóng góp của nhân dân gần 2,6 tỷ đồng, thời gian thi công trong vòng 1 năm. Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cùng các sở, ban, ngành đã đến thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh và Trung tâm Chăm sóc người có công và bảo trợ xã hội tỉnh,...

*Nghệ An: trong ba ngày 25, 26 và 27-7 tại huyện Đô Lương, Quỳnh Lưu và thành phố Vinh (Nghệ An), đã tổ chức trao tặng 11.250 thùng sữa (tương đương 450.000 ly sữa), trị giá trên 3 tỷ đồng cho trẻ em nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

*Vĩnh Phúc: tại chùa Hà Tiên, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Vĩnh Phúc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, người có công với cách mạng, tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, chùa Hà Tiên còn tổ chức Đại lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân và nghĩa vụ quốc tế cao cả.

*Ninh Bình: Ủy ban nhân dân Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, tặng quà 11 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 969 gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, tổng kinh phí 548,4 triệu đồng được trích từ nguồn ngân sách. Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại đền thờ liệt sĩ ở thị trấn Thiên Tôn (huyện Hoa Lư), Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại phường Đông Thành (thành phố Ninh Bình); đến thăm và động viên các thương, bệnh binh đang điều trị, an dưỡng tại Trung tâm phục hồi chức năng tâm thần Yên Mô, Quân y viện 5, Trung tâm điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng Tam Điệp,…

*Đồng Nai: Ủy ban nhân dân Tỉnh đã quyết định tặng quà cho 18.000 gia đình chính sách với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng (ngân sách địa phương chi 15 tỷ, còn lại là hỗ trợ từ Trung ương). Ngoài tặng quà, các cấp chính quyền của tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, động viên gia đình có công với cách mạng; tổ chức nhiều hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ.

*Bắc Giang: Tỉnh Bắc Giang đã trích kinh phí hơn 12 tỷ đồng tặng quà các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã đến thăm, tặng quà các hộ gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lao động, các Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh, người có công trên địa bàn tỉnh Bắc Giang... Mỗi suất quà 300.000 đồng. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh tổ chức đi thăm, tặng quà cho các thương, bệnh binh là người Bắc Giang đang được nuôi dưỡng, điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng thương bệnh binh Thuận Thành (Bắc Ninh) và 3 đơn vị ở Ninh Bình, Hà Nam.

*Quảng Trị: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Quảng Trị đã trang trọng tổ chức lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia đường 9 và Đài Tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Thành cổ Quảng Trị. Lễ dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã diễn ra trang nghiêm và xúc động, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đối với các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập tự do và những mùa xuân tươi sáng của dân tộc. Nhân dịp này, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Tài chính cũng đã tổ chức lễ khởi công nâng cấp, tôn tạo Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (giai đoạn 2). Công trình có vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, do cán bộ, công nhân viên ngành tài chính đóng góp ủng hộ để xây dựng các hạng mục như: sân, đường, cổng chính, cổng phụ, hồ nước, cầu, chòi nghỉ lớn, chòi nghỉ nhỏ... Trước đó, trong giai đoạn 1, Bộ Tài chính đầu tư 41,6 tỷ đồng xây dựng, hoàn thành nhà khánh tiết, sân hành lễ, bãi đỗ xe, các cụm tượng đài.

9. Khai mạc Đại hội XI Công đoàn Việt Nam

Ngày 28-7-2013, Đại hội lần thứ XI Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2018 đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Gần 950 đại biểu ưu tú, đại diện cho sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, niềm tin và nguyện vọng của gần 8 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn các cấp trong cả nước đã về dự Đại hội. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, Đại hội quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, từ đó xác định mục tiêu và phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong 5 năm tới (2013 - 2018). Đại hội bổ sung, sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam cho phù hợp với Luật Công đoàn mới được sửa đổi; bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt biểu dương những thành tích, tiến bộ của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cả nước trong nhiệm kỳ qua. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân nước ta đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; tích cực tuyên truyền, phổ biến và thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động; tích cực tham gia xây dựng Đảng,...; khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2013 - 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cấp Công đoàn Việt Nam cần nắm vững và quán triệt thật sâu sắc những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; nắm bắt tình hình và nguyện vọng chính đáng của công nhân để tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những chính sách, biện pháp cụ thể đưa các quan điểm, tư tưởng, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Đại hội bế mạc vào ngày 30-7-2013.

10. Bế mạc “Trại hè Việt Nam 2013”

Ngày 28-7-2013, tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã diễn ra Lễ bế mạc “Trại hè Việt Nam 2013”, với chủ đề “10 năm Tiếng gọi cội nguồn”. Tham gia “Trại hè Việt Nam 2013” có hơn 200 sinh viên, thanh niên kiều bào trên khắp thế giới có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động và đóng góp cho phong trào xây dựng cộng đồng đoàn kết, hướng về quê hương đất nước. Đây là chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, phối hợp với 30 tỉnh, thành phố từ Hà Giang đến Cà Mau tổ chức. Trại hè năm nay có nhiều hoạt động mới hơn so với các trại hè trước đây. Các em có nhiều điều kiện, cơ hội tham gia các hoạt động mang ý nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc như: tham quan các di tích lịch sử văn hóa, đồng thời tham gia nhiều buổi giao lưu để tìm hiểu về truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng của dân tộc “Con rồng cháu tiên”. Điều đó, càng hun đúc trong mỗi sinh viên, thanh niên kiều bào tinh thần tự hào dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước và quảng bá hình ảnh, đất nước Việt Nam đến với bè bạn quốc tế./.