TCCSĐT - Trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản diễn ra ngày 21-7-2013, Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) đã giành chiến thắng thuyết phục, tạo điều kiện thuận lợi cho một chính phủ ổn định đầu tiên ở nước này kể từ năm 2006.

1. Khởi động vòng đàm phán TPP lần thứ 18 tại Ma-lai-xi-a

Từ ngày 15 đến ngày 25-7-2013 đã diễn ra vòng đàm phán lần thứ 18 về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Cô-ta Ki-na-ba-lu (Kota Kinabalu), thủ phủ bang Xa-ba (Sabah) ở miền Đông Ma-lai-xi-a. Theo các nguồn tin ngày 16-7, vòng đàm phán lần thứ 18 về TPP vẫn bị bế tắc về 5 chủ đề, trong đó có vấn đề quan trọng nhất là tiếp cận thị trường hay dỡ bỏ thuế quan. Ngoài vấn đề này, các cuộc đàm phán cũng bế tắc về các vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và thương mại điện tử. Bế tắc về 5 vấn đề trên và việc Nhật Bản dự kiến tham gia các cuộc đàm phán từ ngày 23-7 sẽ gây khó khăn cho các bên tham gia đạt được kế hoạch đề ra. Trong số 29 vấn đề đàm phán, hiện các bên đã kết thúc thương lượng về 5 vấn đề mà cụ thể là tạo thuận lợi thương mại, thống nhất tiêu chuẩn, viễn thông, phát triển và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời thống nhất được về 9 vấn đề khác. Nếu được thành lập, TPP gồm 11 nước (Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xin-ga-po, Mỹ và Việt Nam) sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Sau khi được thành lập, TPP sẽ được mở rộng theo từng giai đoạn để thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, hướng tới việc thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) châu Á - Thái Bình Dương.

2. Hội nghị quốc tế về người tàn tật

Từ ngày 17 đến ngày 19-7-2013, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở Niu Oóc (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị lần thứ sáu các quốc gia thành viên Công ước quốc tế về quyền của người tàn tật. Trong 3 ngày làm việc, các đại biểu đến từ 132 quốc gia đã phê chuẩn Công ước trên và cùng các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc xem xét, đánh giá thực trạng cuộc sống của những người tàn tật, bàn biện pháp bảo vệ, giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phát biểu tại Hội nghị, ông I-van Xi-mô-nô-vích (Ivan Simonovic), Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về quyền con người, cho biết chỉ phê chuẩn văn bản này thôi vẫn chưa đủ, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cần đưa Công ước này vào cuộc sống bằng luật pháp và những chính sách quốc gia, giúp đỡ thực chất và hiệu quả đối với những người tàn tật, để họ được thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền học tập và lao động. Theo ông I. Xi-mô-nô-vích, có tới 80% số người tàn tật trên thế giới đang ở độ tuổi lao động, và rất nhiều người trong số họ bị tước bỏ quyền được làm việc và quyền được học hỏi những kỹ năng lao động. Đây chính là một trong những lý do khiến người tàn tật gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống vật chất, tinh thần, và hòa nhập cộng đồng. Công ước quốc tế về quyền của người tàn tật được thông qua tháng 12-2006, và có hiệu lực từ tháng 5-2008 với những điều khoản chính liên quan đến trách nhiệm của các quốc gia trong việc thực hiện và bảo đảm đầy đủ các quyền của người tàn tật, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với những người kém may mắn này, và cấm mọi hình thức bóc lột,…

3. Diễn đàn lãnh đạo ASEAN lần thứ 10

Ngày 18-7-2013, tại Thủ đô Cua-la Lăm-pơ (Kuala Lumpur) của Ma-lai-xi-a đã diễn ra Diễn đàn lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 10 với chủ đề “ASEAN tại thời điểm quyết định - Hướng tới một tương lai chung, thịnh vượng chung và ổn định khu vực”. Tại Diễn đàn lần này, các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp cùng chuyên gia các nước thành viên ASEAN đã trao đổi về chặng đường phía trước của ASEAN và tương lai của khu vực; nhìn nhận những thành tựu, thành công và hạn chế của ASEAN cũng như những thách thức và cơ hội phía trước nhằm hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Trong thông điệp gửi tới Diễn đàn, Thủ tướng Ma-lai-xi-a Na-gíp Tun Ra-dắc (Najib Tun Razak) cho rằng hành trình hướng tới AEC vào năm 2015 đang đi đúng hướng và không thể đảo ngược. Theo Thủ tướng N. Ra-dắc, thành công của AEC và việc khởi động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới (FTA) là những triển vọng tiềm năng cho các nước ASEAN. Ông cho rằng tăng cường khu vực hóa đã giúp tăng đáng kể thương mại nội khối ASEAN cũng như thương mại của ASEAN với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN năm 2011 đã vượt trên 2 nghìn tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 10 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

4. Tiến trình hòa bình Trung Đông đã khai thông bế tắc

 

Ngoại trưởng Mỹ Gi. Ke-ri (bên trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Pa-lét-xtin

M. Áp-bát ngày 19-7-2013 tại Bờ Tây. Ảnh: qdnd.vn

Ngày 19-7-2013, trong cuộc họp báo tại Thủ đô Am-man của Gioóc-đa-ni, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) khẳng định các bên đã “đạt được thỏa thuận thiết lập cơ sở cho việc nối lại đàm phán trực tiếp giữa I-xra-en và Pa-lét-xtin”. Ngoại trưởng Gi. Ke-ri nhấn mạnh đây là “bước tiến có ý nghĩa và đáng hoan nghênh đầu tiên” trong tiến trình này. Người đứng đầu nhóm đàm phán hai bên - Bộ trưởng Tư pháp I-xra-en Díp-pi Líp-ni (Tzipi Livni) và nhà đàm phán Pa-lét-xtin Xa-ép Ê-rê-cát (Saeb Erekat) sẽ tới Oa-sinh-tơn vào tuần này để tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ và thảo luận thêm các chi tiết về các cuộc thương lượng. Thông báo ngắn gọn của ông Gi. Ke-ri không cho biết cơ sở để tiến hành đàm phán hòa bình, cũng như không đề cập tới các vấn đề chủ chốt, như các đường biên giới năm 1967, việc công nhận I-xra-en là một nhà nước Do thái, những yêu cầu của Pa-lét-xtin về việc ngừng xây dựng tại các khu định cư và trả tự do cho các tù nhân Pa-lét-xtin. Để đạt được kết quả mang tính đột phá trên, Ngoại trưởng Gi. Ke-ri đã phải kéo dài chuyến công du Trung Đông lần thứ sáu để có hai cuộc gặp liên tiếp với trưởng đoàn đàm phán Pa-lét-xtin Xa-ép Ê-rê-cát tại Am-man và sau đó là cuộc gặp với Tổng thống Pa-lét-xtin Ma-mút Áp-bát (Mahmud Abbas) tại Bờ Tây.

5. G-20 nỗ lực thúc đẩy các chương trình tạo việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp

Kết thúc phiên họp ngày 19-7-2013, các Bộ trưởng Lao động và Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) đã thông qua thông cáo chung, trong đó cam kết tăng cường nỗ lực hơn nữa theo hướng đầu tư vào các chương trình tạo việc làm, bồi dưỡng tay nghề thường xuyên, cũng như tăng tỷ lệ có việc làm trong giới trẻ. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng nhất trí duy trì điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi để tạo việc làm, khuyến khích đầu tư và phát triển doanh nghiệp; tập trung nỗ lực hỗ trợ môi trường kinh doanh và đầu tư, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, chống lại hoạt động manh mún trên thị trường lao động cũng như hạn chế mức độ bất bình đẳng về mặt xã hội. Các bộ trưởng G-20 cũng khẳng định sẵn sàng tăng cường vai trò của nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề bất cập liên quan đến các chương trình tạo việc làm, môi trường đầu tư thuận lợi cũng như việc tiếp cận các nguồn tài chính,...

6. Nhật Bản giành quyền khai thác kim loại hiếm ở Thái Bình Dương

Ngày 20-7-2013, Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này đã giành quyền thăm dò và khai thác các lớp đáy biển giàu cô-ban ở Thái Bình Dương. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA) về cơ bản đã chấp thuận kế hoạch thăm dò và khai thác của Nhật Bản về khu vực rộng tới 3.000km² ở vùng biển quốc tế cách đảo san hô Mi-na-mi-tô-ri (Minamitori) khoảng 600km về phía Đông. Mi-na-mi-tô-ri cách thủ Tô-ky-ô 1.850km về phía Nam, là một phần của làng Ô-ga-xa-oa-ra (Ogasawara) thuộc quản lý hành chính của Tô-ky-ô. Theo đánh giá, lớp vỏ Trái đất bao phủ vùng đáy biển trên dày khoảng 1.000 - 2.000m, chứa các kim loại hiếm như man-gan, cô-ban, ni-ken và bạch kim. Dự kiến Tập đoàn Dầu mỏ, Khí đốt và Kim loại quốc gia Nhật Bản sẽ thay mặt Chính phủ ký hợp đồng thăm dò, khai thác chính thức với ISA trong 15 năm. Việc giành quyền khai thác vùng biển này sẽ giúp Nhật Bản tiếp cận nguồn cung cấp các kim loại hiếm được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục xin chứng nhận khai thác vào cuối năm tài khóa 2013, kết thúc vào tháng 3 năm tới, để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn kim loại hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc. Lần gần đây nhất Nhật Bản giành được quyền khai thác lớp đáy biển giàu khoáng sản là vào năm 1987, ở khu vực đáy biển có man-gan thuộc phía Đông Nam quần đảo Ha-oai.

7. Liên minh cầm quyền giành chiến thắng trong bầu cử Thượng viện Nhật Bản

 

Chủ tịch Đảng LDP S. A-bê (giữa) trong buổi diễn thuyết tại Tô-ky-ô ngày 04-7-2013.

Ảnh: vov.vn

Trong cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra ngày 21-7-2013, Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe), bao gồm Đảng Dân chủ tự do (LDP) và Đảng Công minh Mới (NKP), đã giành chiến thắng thuyết phục, chấm dứt sự bế tắc chính trị, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho một chính phủ ổn định đầu tiên ở nước này kể từ năm 2006. Đài truyền hình NHK dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho biết liên minh cầm quyền đã giành ít nhất 73 trong tổng số 121 ghế được bầu lại kỳ này. Với kết quả đó, liên minh cầm quyền sẽ kiểm soát lưỡng viện Quốc hội của Nhật Bản. Trong khi đó, Đảng Dân chủ (DPJ) đối lập chỉ giành được 26 ghế. Thượng viện Nhật Bản có tổng cộng 242 ghế với nhiệm kỳ 6 năm, trong đó một nửa số ghế được bầu lại 3 năm một lần. Bầu cử Thượng viện ngày 21-7 là cuộc bầu cử toàn quốc đầu tiên kể từ khi Thủ tướng S. A-bê nhận nhiệm sở hồi tháng 12 năm ngoái sau khi liên minh do LDP đứng đầu giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Hạ viện. Cuộc bầu cử cũng được xem là “phép thử” quan trọng đối với Thủ tướng S. A-bê sau 7 tháng cầm quyền, đặc biệt là sự tín nhiệm của người dân đối với các chính sách nhằm khôi phục nền kinh tế Nhật Bản./.